Ứng phó với BĐKH ĐBSCL: Dự án thiếu tầm, triển khai thiếu gắn kết

ThienNhien.Net – Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang gây khó khăn cho hoạt động canh tác, chăn nuôi của người dân đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều kịch bản cho những tác động tiêu cực cũng như cách thức ứng phó đã được các tổ chức chính phủ và phi chính phủ đưa ra. Tuy nhiên, những thông tin ấy dường như chưa tiếp cận được đến người dân – đối tượng chịu tác động trực tiếp từ những thay đổi tiêu cực của khí hậu.

Đồng trở mặn, nước hóa chua

Vẫn cánh đồng ấy, ao đầm ấy mấy năm trước có ăn, nay chỉ khoanh tay ngồi nhìn, công đổ xuống bùn cũng hóa… bùn nốt.

Nguyên nhân do BĐKH, nhưng người dân đâu biết. Trong cảnh thất bát, người có sức thì lên Bình Dương, Bình Phước làm thuê; phụ nữ trẻ em ở nhà, ai kêu công khơi mương, đắp bờ thì đi làm. Việc không nhiều, đôi khi chỉ làm một buổi lại nghỉ dài…

Bức tranh tối màu ở ấp ven biển Đình Cũ, xã Long Khánh (Duyên Hải, Trà Vinh) là vậy. Trước vẫn trồng trọt, chăn nuôi đủ ăn, vậy mà mấy năm nay lần hồi không ra miếng! Gia đình Thạch Hạnh, Kiêng Thị Hiền hai năm trồng lúa, đào đầm nuôi tôm đều trắng tay. Thạch Hạnh phải rời mái ấm, rời quê đi làm thuê ở Bình Phước. Hai đứa con học lớp bảy, lớp năm đều nghỉ học đi làm mướn cho nhà hàng ở Kinh Bố, Kinh Quang. Kiêng Thị Hiền ở nhà trông con nhỏ.

Cùng hoàn cảnh, vợ chồng Thạch Sơ Rương, Thạch Thị Thận cũng không cưỡng được những chuyện ngoài suy nghĩ. Nuôi tôm – chết; trồng cây – thối gốc. Ngửa mặt lên trời hỏi “điềm gở” quở ấp này hay sao mà cực vậy? Bỏ lại mấy đứa nhỏ tự chăm sóc nhau, hai vợ chồng lên Bù Đốp, Bình Phước hái điều thuê. Mùa hè, gia đình được đoàn tụ ở Bình Phước, hết hè con cái về quê. Gia đình Thạch Niên, Thạch Thị Út đã 5 năm rồi vẫn chưa họp mặt đông đủ. Hai vợ chồng lấy nhau 14 năm, có sáu mặt con. Đứa lớn lên thành phố Hồ Chí Minh làm. Vợ chồng lên Tân Uyên (Bình Dương) cạo mủ cao-su. Tết mới của người Khmer, Thạch Niên nói: “Nghèo quá nên quên!”.

Nước lũ dâng cao kết hợp với triều cường uy hiếp đê bao huyện Kế Sách, Sóc Trăng (Ảnh: Lê Minh Trường/Nhân Dân)
Nước lũ dâng cao kết hợp với triều cường uy hiếp đê bao huyện Kế Sách, Sóc Trăng (Ảnh: Lê Minh Trường/Nhân Dân)

Ấp Đình Cũ có 300 hộ. Việc hiếu, hỷ đều thiếu đàn ông. Trưởng ấp Trương Văn Luốt cho biết: “175 hộ người Khmer, còn lại là người Kinh, chưa có kế hoạch gì cho phát triển kinh tế. Hộ nghèo lại đẻ ra hộ nghèo. Nay ấp đã có 502 hộ thì 101 hộ thiếu đói”. Lời giải nào cho bức tranh nghèo túng?

Nhiều vùng bị xâm nhập mặn ở Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Kiên Giang… cũng đang lúng túng với câu hỏi này. Xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) nằm ngay cửa biển Tranh Đề – nơi con sông Hậu hòa mình vào biển. Đất ở đây phù hợp với dưa hấu. Ngày trước quả phổng phao, mấy năm nay quả nhỏ. Biển xâm lấn vào cánh rừng ngập mặn, cây chết khô, cây đổ xuống biển do BĐKH. Những năm gần đây, Sóc Trăng phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài rồi đến mưa trái mùa, lốc xoáy, triều cường, sạt lở… ở các xã thuộc huyện Mỹ Xuyên, Ngã Năm. Do nhu cầu của cuộc sống, nhiều hộ dân khoan giếng lấy nước ngọt để tưới ruộng, rẫy vào mùa khô, khiến mặn xâm nhập càng sâu vào nội đồng.

Ông Triệu Công Danh – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những năm gần đây, tác động của BĐKH đối với địa phương chúng tôi đã lộ rõ, mức độ gây hại của thiên tai ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân”.

Cùng quan tâm vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thanh Long – Phân viện Khí tượng thủy văn và Môi trường phía nam chia sẻ: “Nhu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh và xung đột không gian khai thác, sử dụng biển và vùng bờ biển ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, BĐKH gây tác động không nhỏ đến nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều ngành nghề khác, đặc biệt là đời sống cộng đồng cư dân ven biển sẽ rất khó khăn”.

Loay hoay với các kịch bản

Hiện tại có hàng trăm tổ chức phi chính phủ đến Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực cộng đồng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với BĐKH. Tuy nhiên, mỗi nhóm, mỗi tổ chức đều có cách làm riêng, các hoạt động riêng lẻ, chưa có sự gắn kết. Và bởi vậy, đôi khi những sự quan tâm ấy lại thành trở ngại đối với cộng đồng.

Nhiều tổ chức nước ngoài đến ĐBSCL phối hợp cùng các sở, ban, ngành nghiên cứu, ứng phó với BĐKH. Nhiều mô hình phần mềm xây dựng kịch bản BĐKH. Tuy vậy các kịch bản này đều có tính khu biệt cho từng địa phương mà chưa có kịch bản tổng thể. Nguyên nhân, các tổ chức đều làm theo cách riêng của mình, làm theo “gói tài trợ” và cuối cùng là hội thảo báo cáo kết quả. “Khi khoa học được xây dựng trên tính kịch bản thì chúng ta chỉ xem, tham khảo thôi”! – một nhà khoa học giấu tên cho biết.

Một trong những tiêu chí không thể bỏ qua của những “gói tài trợ” cho hoạt động ứng phó BĐKH là đánh giá tác động đến nhận thức của người dân và chính quyền địa phương. Với tiêu chí này, nhiều dự án đã phải thừa nhận: Tại thời điểm thực hiện dự án, người dân và chính quyền đều rất hào hứng, tích cực. Nhưng, sau khi dự án kết thúc, nhóm tình nguyện rút đi, thì sự thay đổi về nhận thức dường như không đáng kể. Cũng do nguồn kinh phí có hạn, nhiều dự án thiết thực nhưng nhỏ lẻ, nên chỉ tạo được đôi chút khác biệt trong đời sống đầy chật vật của người dân ven biển.

Dĩ nhiên là không thể phủ nhận những tác động nhất định của các dự án nói trên. Song, khi mà BĐKH đang diễn biến ngày càng phức tạp và gia tăng độ khốc liệt, những biện pháp ứng phó, giảm thiệt hại do thiên tai gây ra cần kịp thời và đúng chỗ hơn. Ngoài ra, cùng với các chương trình tổng thể có tính vĩ mô, cần chú trọng các biện pháp tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH của con người, tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân để họ chủ động và tích cực tìm phương cách cải thiện sinh kế, giảm thiểu thiệt hại. Cùng đó, sớm khắc phục hạn chế trong thực hiện dự án mang tính nhỏ lẻ, huy động tổng thể các nguồn lực tài chính và khoa học từ các tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm giải pháp lâu dài, tạo sinh kế ổn định cho người dân.

Cảnh báo nước biển dâng xâm nhập mặn, lượng mưa tăng, bồi lở, rồi cảnh báo thủy điện đầu nguồn… Rất nhiều cảnh báo mà vẫn không thay đổi được hoàn cảnh sống. Sự tổn thương do thiên tai, BĐKH và nước biển dâng khiến mức sống của người dân ven biển đang thụt lùi.