Amoni trong nước ngầm cao hơn hàng trăm lần cho phép

ThienNhien.Net – Trung tâm Quan trắc Phân tích Tài nguyên Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam cho biết hàm lượng Amoni (NH4+) trong nước ngầm tại nhiều địa phương trong tỉnh cao hơn mức cho phép hàng chục, thậm chí hàng trăm lần.

Kết quả phân tích mẫu nước ngầm được lấy tại 15 địa điểm trong tỉnh trong thời gian gần đây nhất (tháng 12/2013) cho thấy phần lớn các điểm lấy mẫu đều có hàm lượng cao hơn hàng trăm lần mức an toàn. Ở xã Bồ Đề và xã Bối Cầu (huyện Bình Lục), con số này lần lượt là 754 và 647 lần.

Các địa phương dọc sông Châu, con sông chảy qua địa phận thành phố Phủ Lý, các huyện Duy Tiên , Bình Lục và Lý Nhân, là nơi có hàm lượng Amoni trong nước ngầm cao nhất trong tỉnh.

Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô
Ảnh minh họa: An ninh Thủ đô

Theo tiêu chuẩn quốc gia QCVN 09-2008/BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàm lượng Amoni trong nước dùng cho sinh hoạt đảm bảo an toàn cho người sử dụng nếu ở dưới mức 0.1 mg/lít nước. Nếu hàm lượng chất này cao hơn, theo thời gian, người sử dụng sẽ có nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Trước tình hình này, tỉnh Hà Nam đã tiến hành một số biện pháp ứng phó: Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh yêu cầu Trung tâm Quan trắc Phân tích Tài nguyên Môi trường định kỳ hàng năm tiến hành lấy mẫu 2 lần vào giữa và cuối năm.

Kết quả phân tích được công bố công khai, làm cơ sở cho các cơ quan liên quan xây dựng biện pháp ứng phó. Chi cục Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở thông qua các phương tiện truyền thông tiến hành tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân; đồng thời kêu gọi các cơ quan Trung ương, các tổ chức quốc tế chung tay cùng Hà Nam nghiên cứu tìm cách hạn chế tác hại của loại chất này.

Không giống như Asen, việc loại bỏ Amoni không thể triệt để nếu sử dụng phương pháp xây bể lọc thông thường. Thay vào đó, phải sử dụng hóa chất. Hiện tỉnh mới có một dự án lọc Amoni trong nước ngầm bằng hóa chất tại Trạm Y tế xã Nhân Khang huyện Lý Nhân.

Tuy nhiên, thiết bị lọc Amoni với công suất vài mét khối mỗi giờ có chi phí rất cao, khó có thể áp dụng rộng rãi trong thực tế. Vì vậy, ngoài việc khuyến cáo người dân sử dụng nước mưa để ăn uống, các cơ quan liên quan của tỉnh xác định: phát triển mạng lưới cấp nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn đến các hộ gia đình là giải pháp căn cơ và bền vững nhất.

Số liệu mới nhất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cho thấy hiện tại, mạng lưới cấp nước sạch của tỉnh đã đảm bảo cung cấp nước sạch cho gần 82% dân số. Riêng khu vực dọc sông Châu, nơi có hàm lượng Amoni cao nhất tỉnh, mạng lưới cấp nước sạch đã phủ kín toàn bộ các địa phương.

Tỉnh phấn đấu trong thời gian sớm nhất sẽ đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho toàn bộ dân số.