Trong mớ bòng bong

ThienNhien.Net – Cuộc di dân tái định cư phục vụ hai công trình thuỷ điện Huội Quảng và Bản Chát đã tạo ra một lực lượng làm thuê khổng lồ. Hơn 3.000 hộ dân thì nhiều nhà có người đi làm thuê, không ít hộ cả hai vợ chồng đều đi làm thuê, họ không phải làm thuê cho công trình thuỷ điện mà làm thuê cho người dân sở tại để có tiền mua gạo và những nhu cầu khác. Người dân tái định cư đang xoay xở trong mớ bòng bong…

Bà Lò Thị Cót (đứng) và cô Lò Thị Lan kể chuyện hái chè thuê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Bà Lò Thị Cót (đứng) và cô Lò Thị Lan kể chuyện hái chè thuê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Cả bản đi làm thuê

Tháng 10/2010 người Khơ Mú bản Ít Pươi và người Thái bản Nà Bó thuộc xã Pha Mu, huyện Than Uyên (Lai Châu) di chuyển lên lưng chừng núi nằm giữa khoảng cách hai đội 3 và đội 5 Cty Trà Than Uyên. Bản Nà Bó thì giữ nguyên tên còn bản Ít Pươi gọi là Tân Lập.

Hai bản nằm giáp nhau, bản Tân Lập có 43 hộ bản Nà Bó có 32 hộ. Các hộ tái định cư tới đây đều được Ban quản lý dự án di dân tái định cư huyện Tân Uyên bố trí đất ở, đất ruộng mỗi khẩu được nhận 500 m2, nhưng phải nộp 29 triệu đồng/1.000 m2.

Ông Lò Văn Sơn, Trưởng bản Tân Lập, cho biết: Bản hiện có 12 ha ruộng, chỉ có 6,6 ha có nước cấy được hai vụ còn lại là ruộng một vụ. Nước dẫn từ công trình thuỷ lợi Hô Be nhưng phụ thuộc vào người Mông ở bản Hô Be, họ chỉ làm vụ mùa, còn vụ xuân họ không cho dẫn nước về, người bản Tân Lập muốn cấy vụ xuân cũng không có nước. Vụ mùa người Mông làm sớm, khi họ tắt nước cho ruộng khô để gặt, lúc đó lúa của bản Tân Lập mới trỗ, không có nước lúa không kết nổi hạt.

Công trình thuỷ điện Huội Quảng đang thi công (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Công trình thuỷ điện Huội Quảng đang thi công (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Sơn lắc đầu: Nhà tôi có ruộng cấy hai vụ, vụ xuân được thu 20 bao lúa còn vụ mùa chỉ được 10 bao vì thiếu nước. Nhiều hộ cấy một vụ chỉ được thu vài bao thóc. Nói rồi ông Sơn dẫn tôi ra phía cuối bản nơi có công trình thuỷ lợi làm dở dang, ông không biết công trình thuỷ lợi này làm từ bao giờ, khi người dân Ít Pươi chuyển về đây thấy họ vẫn đang làm sau đó thì bỏ. Mấy năm nay công trình vẫn bỏ dở dang như thế, trong khi đó ruộng của dân thì không có nước.

Tôi lên bản Nà Bó, vào mấy nhà chẳng gặp người mãi sau mới gặp Mè Văn Đăm. Tôi hỏi sao bản vắng thế, Đăm lắc đầu: Đi làm thuê hết rồi, vợ cháu đi hái chè từ sáng sớm, chú lên bản bây giờ chẳng gặp ai ở nhà đâu…

Ông Sơn thở dài: Bản này nhiều nhà bây giờ đang đói rồi. Bản cũ không đói như thế này đâu, nhà nào cũng có nương trồng ngô, trồng sắn, tới đây chỉ có vài sào ruộng, làm ruộng mấy ngày là hết, không có việc gì làm, đói bà con phải đi làm thuê. Mùa chè phụ nữ cả bản đều đi hái chè thuê kiếm tiền…

Bà Lò Thị Cót, vợ ông Sơn, nói tiếng Kinh chưa sõi đang cuốc mảnh vườn trước nhà: Có việc gì làm đâu, đói ăn thì phải đi hái chè thuê chứ. Cả tháng, cả năm đều đi làm thuê mà…

Tôi hỏi bà Cót đã vào mùa hái chè rồi sao bà vẫn chưa đi hái thuê? Bà cho hay: Bây giờ mới vào đầu vụ, chè chưa ra nhiều búp, nên có ít người đi hái, đến vụ thì phụ nữ cả bản cùng đi. Đầu vụ mỗi ngày chỉ hái được 20-25 kg, chính vụ hái được 50-60 kg, được trả công 30-60 ngàn đồng một ngày. Bây giờ bà tranh thủ cuốc đất đợi khi nào mưa xuống thì trồng ngô.

Mương nước xây dựng dở dang bỏ từ năm 2011 (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Mương nước xây dựng dở dang bỏ từ năm 2011 (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Cô Lò Thị Lan thì bảo: Cháu chỉ biết làm ruộng thôi, chưa quen hái chè, năm ngoái cháu theo người ta đi hái chỉ được 20-30 kg mỗi ngày, đủ mua cân gạo thôi. Năm nay chưa đến vụ, không có tiền thì phải đi hái chè thuê. Con cháu đi học mấy ngày lại về nhà đòi tiền để mua bút, mua sách… chẳng có gì để bán ra tiền, làm cái gì ra tiền…

Những thắc mắc âm ỉ

Cũng giống như bản Tân Lập, Nà Bó khi tôi đến bản tái định cư Pắc Khoa thuộc xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên. Đã cuối chiều bản chỉ lác đác vài người, hỏi ra mới biết đa số mọi người trong bản đều đi làm thuê, người hái chè, người làm thợ xây… ai tìm được việc gì thì làm việc nấy.

Rất may là gặp Trưởng bản Lò Văn Chô đang tiếp khách. Chô cho biết bản có 52 hộ chuyển từ Pắc Pha về đây từ tháng 3/2011 nên gọi là Pắc Khoa. Sau ba năm có thêm 6 hộ mới được tách ra, bản Pắc Khoa hiện có 58 hộ.

Khi về đây chỉ 11 hộ được Ban quản lý bố trí đất ruộng, còn lại do không thu hồi được đất của người dân sở tại nên các hộ tự mua bán trao đổi với nhau, đến nay còn 20 hộ thiếu đất sản xuất. Năm 2013 cả bản có khoảng 15 hộ thiếu ăn từ 3 tháng trở lên, năm 2014 khi hết hỗ trợ đời sống nên chưa biết được bao nhiêu hộ thiếu ăn.

Đội quân hái chè thuê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Đội quân hái chè thuê (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Trước khi gặp Chô, tôi đã tạt qua nhà Hoàng Văn Chài, vợ chồng Chài bức xúc: Khi áp giá đền bù nhà cháu được Ban quản lý dự án công bố được đền bù 580 triệu đồng, sau đó họ bảo chỉ được đền bù 480 triệu đồng thôi, thụt mất 100 triệu đồng không biết vì sao. Những nhà khác không nhận tiền đền bù thì sau đó họ được tăng thêm mấy chục triệu. Cháu chẳng hiểu thế nào chú ạ…

Trao đổi chuyện này với Lò Văn Chô, anh bảo: Chuyện của nhà anh Chài cháu cũng chỉ nghe thế thôi, không biết cụ thể thế nào, còn nhà cháu ban đầu Ban quản lý công bố được đền bù 302 triệu đồng, cháu thắc mắc không nhận, đến đợt hai họ trả cháu 362 triệu đồng, tăng được 60 triệu đồng chú ạ…

Chô cho biết thêm nhà anh còn bị trừ 3,777 triệu đồng tiền hỗ trợ đời sống do anh làm nhà lán nuôi lợn, nuôi gà. Anh Hoàng Văn Én ngồi đó nói luôn: Nhà tôi có 9 khẩu được hỗ trợ đời sống 31 triệu đồng, nhưng do tôi ở nhà lán làm trang trại thì bị họ trừ 15 triệu chỉ được nhận 16 triệu đồng thôi. Chúng tôi chẳng biết vì sao người ta lại trừ tiền của mình như thế…

Hai bản Tân Lập và Nà Bó tiền hỗ trợ đời sống không bị trừ do đi làm thêm, nhưng năm thứ ba thì bị trừ do giá gạo xuống. Ông Lò Văn Đếch bản Tân Lập thấy tôi thì chống gậy khập khiễng đi tới. Ông bảo: Hai năm đầu mỗi khẩu được hỗ trợ 3 triệu đồng, đến năm thứ ba thì mỗi khẩu chỉ được hỗ trợ 2,8 triệu đồng. Hỏi thì họ bảo: Giá gạo đầu năm giảm, quy ra từ giá gạo, nên mỗi người chỉ được hỗ trợ số tiền như vậy thôi…

Ông Lò Văn Đếch thắc mắc số tiền hỗ trợ đời sống bị cắt từ 3 triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng một người (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)
Ông Lò Văn Đếch thắc mắc số tiền hỗ trợ đời sống bị cắt từ 3 triệu đồng xuống còn 2,8 triệu đồng một người (Ảnh: Nông nghiệp Việt Nam)

Chờ đợi đến bao giờ?

Khi phản ánh những bức xúc của người dân tái định cư khu vực Than Uyên, ông Bùi Văn Chính, Phó Ban quản lý bồi thường di dân tái định cư thuỷ điện Huội Quảng, Bản Chát huyện Than Uyên thành thật: Hậu tái định cư còn nhiều việc phải làm để ổn định cuộc sống của người dân. Trong quá trình thực hiện dự án có rất nhiều vấn đề mới nảy sinh, trong đó có sự phối hợp đồng bộ giữa Tập đoàn EVN với chính quyền địa phương.

Điều khó khăn nhất là EVN chậm giải ngân. Nhiều khu tái định cư mùa khô rất cần vốn để thi công, nhưng EVN không có tiền, đến nay số tiền mà EVN đang nợ các nhà thầu khoảng 40 tỷ đồng. Vì thế rất khó khăn trong việc triển khai xây dựng các công trình…

Trưởng bản Pắc Khoa Lò Văn Chô (trái) và Hoàng Văn Én thắc mắc về số tiền đền bù và hỗ trợ đời sống

Theo ông Hà Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên: Hai công trình thuỷ lợi Nậm Mở và Nậm Mít đã được phê duyệt, với tổng vốn đầu tư 470 tỷ đồng. Khi hoàn thành sẽ đủ nước tưới cho các khu tái định cư của hai xã Phúc Than và Mường Kim, mỗi xã 700 ha…

Nghe tôi nói về hai công trình thuỷ lợi này, ông Lò Văn Dòm, người dân tái định cư Bản Chát chua chát bảo rằng: Chúng tôi về đây 7 năm rồi, Nhà nước bảo sẽ làm mương dẫn nước về cho dân làm ruộng. Chúng tôi không biết còn chờ bao lâu nữa?

Xem bài trước: Vật vã trên miền đất khát.