Các địa phương tích cực phòng chống cháy rừng

ThienNhien.Net – Trước nguy cơ cháy rừng ở nhiều địa phương và thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống cháy rừng, các địa phương đang tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng.

Tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều biện pháp bảo vệ hơn 12.000 ha rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, chủ yếu là rừng tràm và bạch đàn đang trong mùa khô.

Các chủ rừng đề ra nhiều biện pháp phòng chống cháy rừng như: xác định thời điểm dễ xảy ra cháy rừng; xác định vùng trọng điểm cháy; dự báo cháy rừng; tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức của cộng đồng về phòng chống cháy rừng; đào tạo huấn luyện và diễn tập chữa cháy rừng; xây dựng và duy trì các công trình phòng chống cháy rừng; xây dựng các giải pháp làm giảm vật liệu cháy và công tác kiểm tra phòng chống cháy rừng …

Lực lượng Kiểm lâm, lực lượng canh phòng thường xuyên kiểm tra tận vùng trọng điểm, trên chòi canh, ngoài hiện trường, đảm bảo trực 24/24 giờ trong ngày, luôn sẵn sàng không lơ là mất cảnh giác.

Hiện nay toàn tỉnh củng cố lực lượng phòng chống cháy rừng hơn 1.300 người; có 58 trạm, chốt bảo vệ rừng, 40 đài canh. Các kênh đê bao chứa nước của tỉnh có chiều dài hơn 279 km, luôn đủ nước phục vụ cứu hỏa khi có cháy xảy ra…

Chi cục Kiểm lâm còn làm mới gần 1.000 biển cấm các loại, 30 biển cấp dự báo cháy rừng, in ấn nhiều tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền phòng chống cháy rừng và các giải pháp lâm sinh như: vệ sinh rừng, dọn thực bì dễ cháy, tỉa thưa, trồng tràm thâm canh trên liếp.

Tại tỉnh Kon Tum, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ cháy rừng có thể xảy ra, tỉnh Kon Tum đang tích cực triển khai, duy trì nhiều biện pháp phòng cháy rừng, trong đó xác định phải ngăn chặn lửa rừng từ gốc.

Vườn quốc gia Chư Mom Ray, nơi có diện tích rừng hơn 56.400 ha với 56 tiểu khu ở 9 xã, thị trấn của 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, được xác định là một trọng điểm cháy rừng của tỉnh Kon Tum. Mùa khô năm nay, Vườn quốc gia Chư quốc gia này là khu vực sớm nhất trong tỉnh được đặt trong trạng thái dự báo cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm) có thể xảy ra cháy rừng bất cứ lúc nào.

Với phương châm phòng ngừa là chính, gần 70 cán bộ nhân viên kiểm lâm của Vườn quốc gia cùng lực lượng hợp đồng thời vụ luôn được đặt trong tình trạng cảnh giác cao với lửa rừng.

Tỉnh Kon Tum hiện có trên 600 ngàn ha rừng các loại; trong đó, có trên 1.200 ha rừng dễ cháy. Để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô 2013 – 2014, lực lượng chức năng và các chủ rừng xây dựng được trên 2 ngàn km đường băng xanh, đường băng trắng cản lửa, gần 100 chòi canh lửa, trên 1 ngàn biển báo các loại.

Tại Yên Bái, để hạn chế tình trạng cháy rừng mùa khô hanh năm nay, nhiều địa phương đã lên kế hoạch phòng cháy chữa cháy. Được biết, nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn chủ yếu do bà con đốt nương làm rẫy, đốt các bãi chăn thả gia súc. Để chủ động phòng cháy chữa cháy rừng, kiểm lâm địa bàn phối hợp với các trưởng thôn, bản thống kê diện tích nương rẫy, tổ chức cưỡng chế đốt nương rẫy có kiểm soát, đồng thời ký cam kết với các hộ có trâu, bò chăn thả không đốt cỏ, phòng nguy cơ cháy rừng.

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm lâm tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng cháy chữa cháy của các chủ rừng; nâng cao năng lực cảnh báo dự báo cháy rừng; đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác chữa cháy; thường xuyên đưa các bản tin cảnh báo nguy cơ cháy rừng và đẩy mạnh tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo tin từ Cục Kiểm lâm, hiện nay, nhiều khu vực thuộc 22 tỉnh trong cả nước đã có nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài, có nguy cơ xảy ra cháy rừng ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Cụ thể gồm các tỉnh: An Giang, Bắc Kạn, Bình Phước, Bà Rịa, Bình Thuận, Cà Mau, Đăk Lăk, Đồng Nai, Đăk Nông, Đồng Tháp, Gia Lai, Hoà Bình, Kiên Giang, Khánh Hoà, Kon Tum, Long An, Lai Châu, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Thuận, Tây Ninh, Yên Bái.

Ngoài ra, còn nhiều khu vực khác có nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp nguy hiểm.