Ưu đãi cho người thu gom phế liệu để giải quyết rác thải điện tử

ThienNhien.Net – Rác thải điện tử độc hại vẫn được xử lý tại các cơ sở tái chế lạc hậu, không đảm bảo an toàn ở các nước châu Á và châu Phi trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực mang lại những ưu đãi hấp dẫn nhằm khuyến khích nhóm đối tượng thu gom rác điện tử tự do bán hàng hóa họ thu gom được cho các cơ sở tái chế tiên tiến.

Trong hai thập niên vừa qua rác thải điện tử chủ yếu được chuyển từ các nước công nghiệp giàu có sang các nước nghèo và tại đây các bảng mạch điển tử được tái chế trong điều kiện thiếu an toàn. Tuy nhiên, ngày nay xu hướng đang dần thay đổi.

Từ phân tích Cơ sở dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc, chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh rác thải điện tử Josh Lepawsky của Đại học Memorial, Canada, nhận định, các nước đang phát triển hiện vận chuyển nhiều rác thải điện tử sang các nước phát triển hơn, thay vì ngược lại.

Đồng thời, được các nhà tài trợ và các tổ chức cho vay quốc tế hậu thuẫn, ngày càng có nhiều công ty thu gom, tái chế rác điện tử tìm cách tạo ra các ưu đãi cho đối tượng thu gom phế liệu tự do để họ bán rác điện tử cho các cơ sở tái chế hợp pháp.

Chẳng hạn, Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) đã hỗ trợ Công ty e-WaRDD của Ấn Độ thí điểm dự án khuyến khích thu gom bảng mạch tại Bangalore, Ấn Độ. Tổ chức phi lợi nhuận WorldLoop (Bỉ) cũng hỗ trợ một loạt chương trình tái chế thiết bị điện tử ở châu Phi, kết nối các cơ sở tái chế tự do với các cơ sở tái chế tiên tiến nhất ở nước ngoài chuyên tái chế bảng mạch in, máy biến áp và kính có chì.

Theo các nhà nghiên cứu, việc bắt đầu với các bảng mạch chứa vàng và các kim loại quý là khởi đầu tốt cho các dự án xử lý rác điện tử vì đây là phần giá trị nhất nhưng cũng độc hại nhất đối với môi trường trong quá trình tái chế. Mục đích của việc này là khuyến khích những người thu gom phế liệu sửa chữa để tiếp tục tái sử dụng hoặc tháo dỡ bảng mạch theo cách thủ công, sau đó bán lại cho các cơ sở tái chế chuyên nghiệp thay vì tự nấu chảy hoặc tách kim loại quý bằng cách sử dụng dung dịch xyanua. Cơ sở tái chế tiên tiến sử dụng công nghệ phân tách, nghiền phế liệu, phục hồi tài nguyên và kiểm soát ô nhiễm, giúp giảm đáng kể các nguy cơ gây hại đến sức khỏe và môi trường.

Cũng theo các chuyên gia, các chương trình xử lý rác thải điện tử như thế này đã cung cấp những bài học đầu tiên về giải pháp chuyển đổi lĩnh vực tái chế tự do sang phương thức hoạt động bền vững hơn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh tính phức tạp của thị trường rác điện tử toàn cầu, vì nếu được xử lý theo cách thông thường, rác điện tử thường sẽ thu được lợi nhuận cao hơn so với việc bán cho các cơ sở tái chế quy mô lớn hay đại lý trung gian.

Ảnh minh họa: eiainvestigator.com
Ảnh minh họa: eiainvestigator.com

Khi cục diện về rác điện tử thay đổi, các nhà sản xuất ở Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ngày càng coi rác điện tử là hàng hóa có giá trị nhờ tách kim loại và sản xuất các trang thiết bị mới từ các linh kiện cũ. Điều này một phần là do những năm gần đây rác điện tử ngày càng gia tăng giá trị, song song với nhu cầu ngày càng tăng đối với thành phần được gọi là “đất hiếm” sử dụng trong sản xuất máy tính xách tay, điện thoại di động và các thiết bị điện tử khác.

Theo ông Michael Biddle – Chủ tịch Công ty tái chế nhựa MBA Polymers có trụ sở tại California và một nhà máy tái chế tại Trung Quốc thì Singapore, Đài Loan và Hàn Quốc đã có các chính sách khuyến khích thu gom tài nguyên rác điện tử. “Những quốc gia này đang áp dụng chính sách đó không chỉ để bảo vệ môi trường của chính đất nước họ mà họ còn nhận thức được rằng đó là nguồn tài nguyên mà chúng ta cần duy trì như nền tảng của hoạt động sản xuất” –  Ông Michael cho biết thêm.

Tuy nhiên, các chuyên gia về lĩnh vực này cho hay, việc phối hợp giữa các cơ sở tái chế chuyên nghiệp và những người thu gom rác thải tự do vẫn còn nhiều khó khăn. Và một trong những giải pháp có thể tháo gỡ khó khăn này là phải xây dựng được các ưu đãi để đảm bảo không chỉ xử lý an toàn các linh kiện sinh lời cao mà cả các phế liệu giá trị thấp, tiềm ẩn nhiều độc hại.

Ảnh minh họa: sujaynarayan.com
Ảnh minh họa: sujaynarayan.com

Trong những năm qua, nhiều sáng kiến đã được áp dụng nhằm xây dựng luật và thỏa thuận quốc tế để giảm thiểu tác động tiêu cực của rác điện tử đối với môi trường và sức khỏe con người. Đáng lưu ý nhất là Công ước Basel năm 1992, trong đó giới hạn những sản phẩm điện tử mà các quốc gia giàu có thể vận chuyển sang các quốc gia nghèo.

Tuy nhiên, kể từ đó, lượng rác điện tử trên toàn cầu lại tăng. Năm 2013, nghiên cứu của Dự án Sáng kiến Giải quyết vấn đề rác điện tử (STEP) dự báo lượng rác điện tử trên toàn cầu có thể tăng 1/3 từ gần 49 triệu tấn lên 64,5 triệu tấn trong 5 năm tiếp theo. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia trong ngành, Công ước Basel và các tranh luận liên quan không còn phản ánh sự dịch chuyển của dòng rác điện tử về mặt địa lý.

Trong một nghiên cứu sắp hoàn thành, chuyên gia Josh Lepawsky cho biết rằng dù năm 1996 Indonesia là nước nhập khẩu rác điện tử nhưng hiện nay đã trở thành nước xuất khẩu với ba thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc và Hồng Kông.

Hoa Kỳ và các quốc gia phát triển vẫn xuất khẩu thiết bị điện tử. Năm ngoái, nghiên cứu của Ủy ban Thương mại Hoa Kỳ cho thấy hầu hết thiết bị điện tử đã qua sử dụng mà Hoa Kỳ xuất khẩu đều được tân trang và bán lại, chỉ có một phần nhỏ trong số này bị bỏ đi. Ông Jim Lynch – chuyên gia tái chế của tổ chức Tổ chức phi lợi nhuận TechSoup Global cho biết, việc gia tăng tuổi thọ của máy tính có thể tiết kiệm năng lượng từ 5-20 lần so với việc tái chế hoàn toàn. Theo ông, việc giữ gìn tuổi thọ của máy tính rất quan trọng vì sản xuất một màn hình máy tính sẽ tốn khoảng 200kg nhiên liệu hóa thạch, gần 20kg hóa chất và gần 1.818 lít nước.

Các công ty tái chế mới thành lập tại các quốc gia đang phát triển thường mua bảng mạch từ những người thu gom phế liệu tự do để tái xử lý tại cơ sở tái chế hiện đại gần đó hoặc vận chuyển đến một cơ sở tái chế ở nước phát triển hơn. Chẳng hạn, công ty Peru Recicla ở Peru mua bảng mạch từ những người thu gom phế liệu tự do và vận chuyển đến một cơ sở tái chế tiên tiến nhất tại Đức. Năm 2008, Công ty đã xuất khẩu khoảng 50 tấn bảng mạch nghiền nhỏ đến Hamburg và đội ngũ quản lý của Công ty cho biết khoảng một nửa hàng xuất khẩu được thu mua từ các nhà tái chế tự do. Theo các nhà nghiên cứu, Peru Recicla là một mô hình đầy triển vọng trong hướng kết nối hai kênh tái chế và thu mua, nhưng vấn đề nan giải là làm thế nào để mở rộng phạm vi của những hợp tác này nhằm xử lý hết rác điện tử giá thị thấp hơn.

Theo các chuyên gia về rác điện tử, nỗ lực cải cách, đổi mới nên bắt đầu từ nhận thức rằng những người thu gom rác điện tử tự do rất giỏi trong việc tìm ra “núi vàng” trong đống rác thải và phải coi họ là một nhân tố không thể thiếu trong bất kỳ giải pháp môi trường nào.