Sớm giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ di dân tái định cư

ThienNhien.Net – Ngày 7/1/2014, một số hộ dân ở bản Ðin Lanh và Na Co Chom, thuộc xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) rào đường, ngăn cản công nhân vận hành hệ thống đập Nhà máy thủy điện Nậm Chiến. Một số người còn kéo ra tỉnh, làm đơn thư vượt cấp, với lý do chủ đầu tư chậm thực hiện đền bù, hỗ trợ di dân. Vì sao có tình trạng kể trên, xử lý vướng mắc này như thế nào là câu hỏi cần giải đáp.

Áp dụng chính sách thủy điện Sơn La

Cách đây tròn 10 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 739/CP-CN ngày 28-5-2004, cho phép đầu tư dự án thủy điện Nậm Chiến và Công văn số 1763/CP-CN ngày 23-11-2004 của Chính phủ đồng ý chuyển đổi chủ đầu tư từ Tổng Công ty Sông Ðà sang Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến.

Dự án thủy điện Nậm Chiến khởi công năm 2005, có công suất thiết kế 200 MW, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 6.500 tỷ đồng, do Tổng Công ty Sông Ðà nắm giữ cổ phần chi phối 55%, Tổng Công ty Tài chính dầu khí 5%, Công ty Ðiện lực miền bắc 5% và Ðiện lực dầu khí 35%. Ðây là công trình thủy điện thi công phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật cao, được hình thành từ một hồ trên núi có độ chênh lớn mặt đập so với nhà máy, mang lại hiệu quả kinh tế lớn.

Việc triển khai thủy điện Nậm Chiến được tiến hành cùng thời điểm thực hiện công tác di dân tái định cư (TÐC) thủy điện Sơn La. Do mức độ thiệt hại của người dân ở hai dự án này có nhiều điểm tương đồng, diễn ra cùng một thời điểm và cùng trên địa bàn huyện Mường La nên đây chính là cơ sở để UBND tỉnh Sơn La ban hành Công văn số 1831/UBND-TH ngày 11-8-2005 về việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TÐC thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La. Theo đó, mọi chính sách, chế độ bồi thường, hỗ trợ di dân thủy điện Sơn La được áp dụng vào dự án thủy điện Nậm Chiến.

Sau đó, UBND tỉnh Sơn La đã chỉ đạo thành lập Hội đồng bồi thường – hỗ trợ giải phóng mặt bằng (BT-GPMB) thủy điện Nậm Chiến, huyện Mường La. Tiến hành phê duyệt quy hoạch chi tiết bảy điểm TÐC, trong đó 205 hộ dân di chuyển tập trung, 74 hộ di chuyển hình thức tự nguyện, tám hộ di chuyển hình thức khác, với tổng số hộ phải di rời khỏi vùng ngập là 287 hộ. Theo tính toán ban đầu, chi phí bồi thường hỗ trợ di dân là khoảng 125 tỷ đồng, còn chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, gồm: đường giao thông, nhà lớp học, nhà văn hóa, công trình điện, nước, nền nhà các khu điểm TÐC… khoảng 210 tỷ đồng. Như vậy, bình quân suất đầu tư cho công tác bồi thường, hỗ trợ di dân của thủy điện Nậm Chiến khoảng 1,5 tỷ đồng/hộ. Cùng với giá trị xây dựng đập và nhà máy, tổng vốn đã lên đến 6.857 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này không dừng ở đó, bởi còn rất nhiều nội dung trong chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân đến nay chưa thực hiện, tiến độ chậm, kết quả đạt thấp.

Khu tái định cư Thủy điện Sơn La (Ảnh: baodienbienphu.info.vn)
Khu tái định cư Thủy điện Sơn La (Ảnh: baodienbienphu.info.vn)

Khó khăn, vướng mắc

Tìm hiểu vấn đề này, chúng tôi có cuộc làm việc với đồng chí Trương Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Mường La, Chủ tịch Hội đồng BT-GPMB thủy điện Nậm Chiến. Ðồng chí Dũng cho biết, mới nhận nhiệm vụ này từ người tiền nhiệm hơn một năm nay. Khi rà soát, tìm hiểu tình hình mới biết 776 hồ sơ bồi thường, hỗ trợ di dân thủy điện Nậm Chiến có thời gian dài nằm trong tủ không được phê duyệt. Lý do vì Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến không có tiền, lại ở giai đoạn khó khăn, các nhà thầu, đơn vị tư vấn, đo đạc, thu hồi đất đều dừng công việc. Do khối lượng công việc lớn, nhiều hạng mục phức tạp, nhất là công tác thu hồi, bàn giao đất ở, đất sản xuất, công tác đo đạc, kiểm đếm, áp giá, phê duyệt bồi thường đều gặp vướng mắc kéo dài. Nhìn tổng thể, bức tranh về thực hiện chính sách di dân TÐC thủy điện Nậm Chiến loang lổ như da báo, chưa xong việc gì, thậm chí có một số việc chưa thực hiện được do nhiều bất cập.

Khó khăn nhất là công tác thu hồi, bàn giao đất, thanh toán bù chênh lệch giá trị đất. Ðến nay, công tác thu hồi đất mới đạt 75%, đất lâm nghiệp chưa tiến hành bàn giao. Diện tích đất đến nơi ở mới phải bàn giao, chủ yếu là đất sản xuất chỉ đạt 186,3 ha/863 ha, bằng 22% kế hoạch. Khó khăn ở chỗ, Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến đã tiến hành thu hồi, áp giá đền bù, nhưng người dân sở tại không đồng ý. Lý do giá thị trường bà con đang chuyển nhượng cho nhau lên tới 45 nghìn đến 50 nghìn đồng/m2, trong khi công ty chỉ có thể thanh toán 16 nghìn đồng/m2. Hiện nay, trong số 202 hộ TÐC tập trung, có 146 hộ đã cam kết nhận tiền để tự đi mua ruộng đất. Ông Lò Văn Hao, Bí thư chi bộ bản Nậm Hoi, nhà có sáu khẩu được công ty thanh toán tiền đất 55 triệu đồng, ông mua được hơn 1.000 m2 ruộng. Hiện lương thực của cả nhà chỉ trông vào diện tích này, với sản lượng thu hoạch khoảng 20 bao thóc, tính ra còn thiếu một nửa chưa biết tìm ở đâu.

Còn ông Quàng Văn Hảy, Trưởng bản Ðin Lanh cho biết: “Không hiểu thế nào, bản Ðin Lanh chỉ được quy hoạch đất ở, không có đất sản xuất. Ðề nghị công ty bố trí đất đổi đất, vì tiền thanh toán không đủ mua đất”. Việc thanh toán, bồi thường hỗ trợ đất của dự án này kéo dài nhiều năm, với nhiều loại đất, có hộ đã được nhận tiền, có hộ được phê duyệt nhưng chưa nhận tiền, có hộ không chịu nhận dẫn đến chồng chéo khó khăn, vướng mắc. Giá đất nông nghiệp của tỉnh Sơn La quy định bồi thường chỉ 4.800 đồng/m2, nhưng sang thời điểm 1-1-2014, giá đất theo quy định mới tăng lên hơn ba lần. Trong khi Quyết định số 02/QÐ-TTg ngày 09-01-2007 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ di dân TÐC thủy điện Sơn La quy định, thanh toán thời điểm nào thì áp dụng giá thời điểm đó. Vướng mắc này dẫn đến tình trạng người dân sẽ so bì cùng một dự án mà hưởng giá trị khác nhau; hộ dân chây ỳ, không chấp hành chính sách thì lại được hưởng giá mới cao hơn?

Một phát sinh mới Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến không ngờ tới là ngày 20-6-2013, Chính phủ đã có Công văn số 883/TTg-KNT về việc hỗ trợ hộ dân bị thu hồi đất dự án thủy điện Sơn La 4.800 đồng/m2. Nếu áp dụng chính sách này vào thủy điện Nậm Chiến, số tiền phải bù tăng thêm hàng chục tỷ đồng.

Vì những khó khăn vướng mắc kể trên, đã đến lúc Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến cần phối hợp với huyện Mường La tích cực vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chính sách di dân. Dự án càng kéo dài càng phức tạp. Tập trung rà soát lại toàn bộ các công việc của dự án, tháo gỡ những vấn đề chính, như: phê duyệt, thanh toán bù chênh giá trị tiền đất, thu hồi đất, để có thể giải quyết dứt điểm từng phần việc, tránh dây đưa kéo dài. Ðẩy nhanh tiến độ thi công xây dựng cơ sở hạ tầng ở địa phương, góp phần ổn định đời sống người dân.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân TÐC thủy điện Nậm Chiến cần nghiên cứu, xem xét theo hướng sớm tháo gỡ khó khăn. Việc áp dụng chính sách bồi thường, hỗ trợ di dân theo thủy điện Sơn La được Chính phủ cho phép cơ chế đặc thù còn phù hợp đối với thủy điện Nậm Chiến hay không? Tỉnh Sơn La cần chủ động sớm làm việc với Công ty cổ phần thủy điện Nậm Chiến để giải quyết triệt để, toàn diện cả phần bồi thường, hỗ trợ trên cơ sở nguyện vọng của nhân dân. Ðây là dự án Chính phủ đồng ý đầu tư, vì thế cần xin ý kiến Chính phủ tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn.