Lợi dụng chính sách giao rừng để… phá rừng

ThienNhien.Net – UBND huyện Đakrông phê duyệt khai thác tạm ứng 62m3 gỗ cho 6 hộ dân làm nhà, tuy nhiên số lượng gỗ đã khai thác lại lớn hơn nhiều.

Từ năm 2005, tỉnh Quảng Trị triển khai “Đề án giao khoán rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư, thôn, hộ gia đình và cá nhân” chăm sóc, quản lý. Sau 8 năm, người dân nhận bảo vệ rừng được hưởng lợi từ khai thác gỗ để làm nhà. Mới đây, UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị quyết định cho phép 6 hộ dân đầu tiên trong Đề án ở thôn Kỳ Ne, xã A Ngo khai thác gỗ làm nhà.

Tuy nhiên, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, người dân vùng cao xã A Ngo, huyện miền núi Đakrông, tỉnh Quảng Trị bất bình về việc rừng phòng hộ tại thôn Kỳ Ne, xã A Ngo bị lợi dụng chính sách “Giao rừng cho cộng đồng quản lý…” để khai thác quá mức.

Gỗ rừng được xẻ thành phách chất đầy bãi bên bìa rừng (Ảnh: VOV Online)
Gỗ rừng được xẻ thành phách chất đầy bãi bên bìa rừng (Ảnh: VOV Online)

Mới đây, phóng viên VOV vào rừng tiểu khu 757, thôn Kỳ Ne, xã A Ngo chứng kiến nhiều cây gỗ to cao bị đốn hạ, gỗ cưa thành phách nằm ngổn ngang. Bên bờ suối sát bìa rừng, hàng trăm phách gỗ hộp, nhiều phách dài hơn 3m, rộng cả sải tay tập kết thành bãi lớn.

Ông Hồ Văn Lên, ở xã A Ngo, huyện Đakrông cho biết, bà con thấy nhóm người đưa trâu và máy cưa vào rừng chặt cây, cưa xẻ gỗ kéo ra, ai cũng ái ngại nhưng nghĩ có cả cán bộ địa phương, kiểm lâm giám sát nên tin rằng gỗ rừng được phép khai thác.

Gỗ thành phẩm ở trong rừng chưa được đưa ra (Ảnh: VOV Online)
Gỗ thành phẩm ở trong rừng chưa được đưa ra (Ảnh: VOV Online)

Thực hiện “Đề án giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư, thôn, hộ gia đình và cá nhân” quản lý, năm 2006, UBND huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị giao 20ha rừng Tiểu khu 757 tại thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông cho 6 hộ dân quản lý, bảo vệ. Người dân giữ rừng được hưởng lợi từ việc khai thác gỗ để làm nhà, thay tiền công chăm sóc.

Ngày 14/10/2013, UBND huyện Đakrông quyết định phê duyệt phương án khai thác tạm ứng gỗ của 6 hộ dân này để làm nhà, số lượng 21 cây, tổng cộng hơn 62 m3 gỗ. Văn bản thiết kế của ngành Kiểm lâm là vậy, nhưng trên thực tế số gỗ đã khai thác bị đưa ra khởi rừng lại lớn hơn rất nhiều.

Ông Hồ Đức Diệp, một trong 6 hộ dân được hưởng lợi cho biết, đến nay đã có hơn 70 m3 gỗ hộp, tương đương 120 m3 gỗ tròn đã được khai thác đưa ra khỏi rừng. Cũng theo ông Diệp, tất cả các khâu từ đo đạc khối lượng gỗ, lựa chọn cây, hồ sơ thiết kế khai đều do cán bộ Kiểm lâm địa bàn và cán bộ xã phụ trách.

“Gỗ này dùng để làm nhà, có một số bán đi để trả chi phí xăng dầu, công cán khai thác. Thực tế cây gỗ chỗ nào thì còn nguyên gỗ đó. Biên bản đo đạc Kiểm lâm kiểm kê và nắm giữ, bà con không có”, ông Hồ Đức Diệp nói.

Cây gỗ rừng bị hạ, còn trơ gốc (Ảnh: VOV Online)
Cây gỗ rừng bị hạ, còn trơ gốc (Ảnh: VOV Online)

Theo Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ quy định về quyền hưởng lợi, nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân được giao, được thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp: Nếu người hưởng lợi có nhu cầu làm nhà mới để tách hộ hoặc thay thế nhà cũ, sửa chữa lớn nhà ở cho mình tại xã nơi có rừng, thì hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác nhưng không quá 10m3 gỗ tròn/hộ. Nghiêm cấm mọi hành vi lợi dụng việc khai thác gỗ làm nhà để buôn bán.

Theo quyết định này, thì 6 hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng ở thôn Kỳ Ne chỉ được phép khai thác 60 m3 gỗ tròn. Vì sao kiểm lâm đã trình chính quyền địa phương phê duyệt phương án khai thác gỗ vượt quy định?

Giải thích về sự chênh lệch khối lượng gỗ được phép khai thác, ông Văn Lợi, Trạm trưởng Kiểm lâm La Lay, Hạt kiểm lâm huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nói: “Tôi khẳng định khai thác có chênh lệnh, nhưng số lượng không nhiều. Khi khai thác được 20/21 cây, phát hiện có dư khối lượng nên đình chỉ khai thác. Nguyên nhân do lỗi thiết kế kỹ thuật khi đo đạc, địa hình dốc cao, khi anh em đo chiều cao, nhiều cây cao quá cán bộ không đo được”.

Nhiều phách gỗ rộng gần mét (Ảnh: VOV Online)
Nhiều phách gỗ rộng gần mét (Ảnh: VOV Online)

Sau 8 năm thực hiện “Đề án giao rừng tự nhiên cho cộng đồng dân cư thôn, hộ gia đình và cá nhân quản lý” đã góp phần hạn chế tình trạng phá rừng làm nương rẫy, độ che phủ rừng ở Quảng Trị tăng lên đáng kể. Thế nhưng khi thực hiện chủ trương đúng đắn này, cơ quan chức năng huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị vẫn chưa tuân thủ một cách triệt để. Điều đó khiến dư luận không khỏi đặt ra câu hỏi trong quá trình áp dụng chính sách.