Phản hồi loạt bài “Lãng phí KCN, CCN”: Mạnh dạn điều chỉnh quy hoạch

ThienNhien.Net – Báo SGGP số ra các ngày 13, 14, 15-2 đã đăng loạt bài “Lãng phí khu công nghiệp, cụm công nghiệp”. Sau khi báo đăng, một số chuyên gia cho rằng, để việc phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp hiệu quả, Nhà nước cần mạnh dạn điều chỉnh lại quy hoạch đối với những KCN, cụm công nghiệp không khả thi.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Phó trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM: Cần có luật về quy hoạch phát triển

Hiện nay, Quốc hội đã thông qua nghị quyết quy hoạch đất cho KCN, khu kinh tế (KKT) đến năm 2020. Ngay cả diện tích quy hoạch hiện nay, nếu chúng ta phát triển nhanh cũng không phát triển hết được, nhất là các KKT. Vì vậy, để khắc phục hệ quả quy hoạch tràn lan KCN, KKT, bây giờ phải mạnh dạn điều chỉnh lại và những nơi nào nếu quy hoạch mà chưa thực thi hoặc mới bắt đầu thực thi nhưng thấy không khả thi thì nên dừng lại.

Và đưa ra tiêu chí nghiêm ngặt, ở địa phương nào khi mất một diện tích đất nông nghiệp để làm KCN thì phải tính toán cho được là bao nhiêu nông dân mất đất canh tác và phương án giải quyết việc làm cụ thể như thế nào? Nếu không đảm bảo tính toán đó thì không cho phép lấy đất nông nghiệp để làm công nghiệp. Không nên cứ chọn chỗ nào gần quốc lộ, thuận lợi về mặt giao thông là lấy đất nông nghiệp làm KCN, mà chúng ta nên chọn những vùng đất không thể làm nông nghiệp và Nhà nước chấp nhận chi phí đầu tư hạ tầng để kết nối. Còn nơi nào không có điều kiện làm hạ tầng như vậy thì thôi không làm, chứ không thể làm bằng mọi giá.

Muốn kêu gọi đầu tư, Nhà nước phải tính toán, nếu làm hạ tầng hoàn chỉnh thì các nhà đầu tư sẽ vào đầu tư dù nó xa mấy chục cây số so với quốc lộ. Cuối cùng, 63 tỉnh, thành không nên xếp hàng để làm KCN mà phải thực hiện có trọng điểm, phải gắn kết cấu hạ tầng với kết cấu cảng, giao thông vận tải. Ngoài ra, chủ đầu tư KCN phải là những chủ doanh nghiệp có khả năng tập hợp doanh nghiệp.

Mặt khác, đầu tư phải đổi mới về nhận thức. Hiện nay, chúng ta thiếu một đạo luật về quy hoạch phát triển, đề nghị phải có một đạo luật về quy hoạch phát triển. Và trong đạo luật này, chúng ta không nên tiếp tục tư duy kinh tế địa phương theo kiểu lấy đơn vị hành chính ra mà làm, mà phải đặt ra bài toán phát triển kinh tế vùng.

KCN Kim Huy, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm hình thành vẫn còn nhiều diện tích bỏ trống (Ảnh: Đình Lý/Sài Gòn Giải Phóng)
KCN Kim Huy, tỉnh Bình Dương sau nhiều năm hình thành vẫn còn nhiều diện tích bỏ trống (Ảnh: Đình Lý/Sài Gòn Giải Phóng)

PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM: Chuyển đổi công năng đối với các KCN còn trống

Mấy chục năm qua, chúng ta phát triển theo quy luật mà bất cứ nước nào trên thế giới cũng vượt qua. Về mặt nguyên tắc, trong thế kỷ 20, động lực phát triển trên thế giới trong thời kỳ đổi mới là phát triển công nghiệp, chỉ có phát triển công nghiệp mới phát triển kinh tế – xã hội. Thực ra, ngay từ khâu quy hoạch, hoạch định chính sách của TPHCM và tất cả các tỉnh, thành trong cả nước những năm qua đều tập trung vào phát triển công nghiệp; TP nào có công nghiệp sẽ có đường phố lớn, có giai cấp công nhân phát triển.

Trên thế giới, theo quy luật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, công nghiệp là động lực phát triển chủ yếu nhưng đến giữa thế kỷ 20, thương mại dịch vụ trở nên mạnh hơn đối với những TP có thiên thời, địa lợi. Nhưng ở Việt Nam, thời kỳ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, sự chuyển đổi đó nhanh hơn.

Chính vì vậy, TPHCM và một số tỉnh, thành mới bước vào thời kỳ công nghiệp hóa chưa được bao lâu đã phát triển ở mức độ chuyển sang dịch vụ thì tất nhiên quy hoạch không theo kịp được. Thế giới mất 50 năm để phát triển từ công nghiệp sang dịch vụ, còn ở châu Á và Việt Nam mất 10 – 15 năm là đốt cháy giai đoạn.

Vì vậy, hiện nay Việt Nam thừa các KCN do chuyển sang dịch vụ, công nghiệp không còn là lĩnh vực chúng ta ưu tiên số một nữa (trừ công nghiệp công nghệ cao). Một lý do nữa là tại sao chúng ta không lấp kín được các KCN trong thời gian ngắn, rõ ràng lúc đó nếu như chúng ta có điều kiện thuận lợi thì các KCN hầu như được lấp kín rồi; nhưng hệ thống giao thông, bến bãi, kho cảng chưa thuận lợi, chưa kết nối do thiếu vốn nên không đầu tư đồng bộ được. Chính vì vậy, ở chỗ nào giao thông thuận lợi thì KCN phát triển và ngược lại.

Do đó, đối với các KCN còn trống, chúng ta cần nghiên cứu để chuyển đổi dần công năng, quỹ đất trống chuyển sang làm dịch vụ; mà dịch vụ ở đây phải hiểu rất rộng như logictics, vận chuyển hàng hóa…

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần có công trình nghiên cứu sâu về quá trình phát triển đô thị, phân tích với từng đô thị một khác nhau, không có bài toán chung cho tất cả các đô thị. Thực ra, bài toán cho đô thị Việt Nam dựa trên quy luật của thế giới, Việt Nam có địa hình rất đặc biệt tức là có núi, đồng bằng, biển, sông nên không có bài toán chung mà phải nghiên cứu theo từng nhóm đô thị một. Chia từng nhóm ra, nhóm nào ưu tiên phát triển thế nào và bây giờ phải đẩy mạnh liên kết vùng, chỉ có liên kết vùng mới nhìn ra được cái thuận lợi, không thuận lợi của tỉnh, thành để phát triển.

Hiện nay, mối liên kết vùng của chúng ta chưa hiệu quả, quan hệ đó vẫn chưa xác định đúng được cách chỉ đạo. Vì về mặt quản lý hành chính quốc gia theo Hiến pháp, chúng ta không có cái nào gọi là đơn vị hành chính vùng cả mà chỉ là đơn vị hành chính tỉnh. Vậy thì chúng ta đưa ra cái liên kết vùng như thế này, một là quá lỏng lẻo không phát huy được; hai là vì chúng ta không có đơn vị hành chính vùng nên mối quan hệ hành chính vùng chưa mang hiệu quả cao.

Nên chăng hướng tới mô hình hội đồng điều phối vùng. Hội đồng đó luôn luôn báo động cho các thành viên tham gia vùng nguy cơ về môi trường, lợi ích phát triển kinh tế, nguồn lao động, sử dụng tài nguyên… và khi nhận được cảnh báo các thành viên phải xử lý ngay, đó là một hội đồng mang tính chuyên môn cao. Còn hiện nay ở mình, nửa hành chính thì không có cơ chế, nửa còn lại chỉ là hô hào không đi vào cuộc sống. Do đó, phải có quản lý vùng phù hợp với điều kiện thể chế, theo đúng Hiến pháp.