Chung tay “cứu” loài hoang dã khỏi bờ vực tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, cùng với sự tăng trưởng kinh tế, suốt hai thập kỷ qua, nạn buôn bán và tiêu thụ động vật, thực vật hoang dã tại Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng, khiến nhiều loài quý hiếm đã và đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng.

Nhận thức được mối quan ngại trên, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm các giải pháp nhằm kiểm soát tình hình buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật, thực vật hoang dã. Tuy nhiên, công tác bảo tồn đa dạng sinh học hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và bất cập.

Nhiều loài quý hiếm đã và đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng (Ảnh: TTXVN)
Nhiều loài quý hiếm đã và đang đứng trước bờ vực tuyệt chủng (Ảnh: TTXVN) 

Tại hội thảo “Tăng cường công tác tuyên truyền bảo vệ động vật, thực vật hoang dã” diễn ra chiều nay (17/12), do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến khẳng định, nguyên nhân khiến nạn buôn bán, tiêu dùng trái phép động vật, thực vật hoang dã vẫn tiếp diễn là do mô hình tăng trưởng kinh tế còn thiếu bền vững, ý thức của người dân chưa cao…

“Cũng vì những hạn chế trên, nên tài nguyên đa dạng sinh học của đất nước tiếp tục bị suy giảm, nguy cơ mất cân bằng sinh thái đang diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội, sức khỏe và đời sống của nhân dân,” Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến nhìn nhận.

Đồng tình quan điểm trên, bà Hoàng Thị Nhàn, Phó Cục trưởng, cục Bảo Tồn đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường) cho rằng, động vật, thực vật hoang dã là một phần quan trọng cấu thành sự đa dạng sinh học độc đáo của nước ta. Sự biến mất của chúng đã làm giảm giá trị đa dạng sinh học mà chúng ta đang nỗ lực bảo tồn và phát triển.

Theo bà Nhàn, một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng buôn bán, tiêu thụ động thực vật còn phổ biến là do các văn bản pháp luật có sự chồng chéo giữa các quy định và chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành liên quan. Bên cạnh đó, một số văn bản còn thiếu sự liên kết, tham chiếu lẫn nhau, gây khó hiểu và nhầm lẫn khi thực thi.

Dẫn chứng về sự tuyệt chủng của cá thể tê giác Java cuối cùng ở Việt Nam vào năm 2010, bà Nguyễn Thị Bích Thọ, Hàm vụ trưởng, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học, Nghiệp vụ và Tư liệu (Ban Tuyên giáo Trung ương) cho rằng, nếu chúng ta không có giải pháp ngăn chặn, mỗi loài hoang dã đều có thể đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

Do vậy, để “cứu” các loài hoang dã, quý, hiếm khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng, theo các chuyên gia, chính phủ Việt Nam cần tăng cường khung pháp lý và chính sách; xây dưng các tài liệu hướng dẫn, hỗ trợ năng lực cho các cán bộ thực thi, cán bộ tư pháp trong việc thụ lý các vụ vi phạm cũng như tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, các nhà bảo tồn cũng kiến nghị cần có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của nhiều cơ quan, ban, ngành, tổ chức và người dân. Sự kết hợp này nhằm tăng cường nhận thức và hiểu biết của toàn thể xã hội về các vấn đề liên quan đến tiêu thụ quá mức động vật hoang dã cũng như thay đổi hành vi mua bán, tiến tới tiêu dùng xanh.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia đa dạng sinh học, với hơn 49.200 loài động vật, thực vật; trong đó, 882 loài (chiếm 2%) đang bị đe dọa ở nhiều cấp độ và được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007.

Từ năm 2.000 đến tháng 6/2013, Cục Kiểm lâm ghi nhận gần 18.500 vụ vi phạm, tịch thu hơn 199.000 cá thể tương đương gần 700.000kg. Tuy nhiên, theo ước tính, con số này mới chỉ chiếm 5-10% số lượng trên thực tế.