Khai thác tài nguyên theo kiểu “ăn quỵt” môi trường – Bài 1

ThienNhien.Net – Gần ba mươi năm kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế cũng thành tựu trong một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, xét dưới góc độ môi trường, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, hoạt động bảo vệ môi trường vẫn tồn tại không ít bất cập. Nguyên nhân cơ bản là do các dự án phát triển, đặc biệt là các dự án khai thác tài nguyên thiên nhiên ít chú trọng tới công tác bảo vệ môi trường, thậm chí còn cố tình bỏ lơ trách nhiệm theo kiểu “ăn quỵt” môi trường.

Áp lực của chính sách đầu tư

Có thể nói, từ sau cột mốc đổi mới vào năm 1986, đầu tư ở nước ta phát triển mạnh nhờ sự kêu gọi đầu tư trực tiếp từ nước ngoài. Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được Quốc hội thông qua. Sau đó, cứ vài năm, Luật này lại được sửa đổi, bổ sung một lần. Đến năm 1994, Luật Khuyến khích đầu tư trong nước chính thức được ban hành. Từ đó, khả năng đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau đã tạo nên mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa hẳn vào vốn đầu tư.

Quá trình đẩy mạnh đầu tư thông qua các dự án đã đem lại nhiều cơ hội phát triển cho nền kinh tế, tuy nhiên, định hướng này cũng tác động không nhỏ tới các vấn đề trong xã hội, đặc biệt là vấn đề về đất đai và môi trường.

Tác động đến vấn đề về đất đai thể hiện chủ yếu ở cơ chế Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng đất để giao cho các nhà đầu tư gắn với việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Có thể nói, mong muốn của luật pháp và thực tế đã diễn ra rất khác nhau. Luật Đất đai 1987 cho phép Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích của Nhà nước và của xã hội, nhưng trên thực tế Nhà nước thu hồi đất cho tất cả các trường hợp vì nhà đầu tư không có đường nào khác để tiếp cận đất đai.

Tương tự, Luật Đất đai 1993 cho phép Nhà nước thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh nhưng Chính phủ cũng đã phải cho phép thực hiện thu hồi đất cho mọi dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cũng do nhà đầu tư chưa có quyền giao dịch đất đai.

Luật Đất đai 2003 mở rộng quyền giao dịch đất đai cho tất cả các tổ chức kinh tế trong nước và chỉ hạn chế quyền của các nhà đầu tư nước ngoài giao dịch đất đai trực tiếp với hộ gia đình, cá nhân. Việc mở rộng quyền giao dịch đất đai cho các nhà đầu tư đã tạo khả năng xây dựng quy định cụ thể về cơ chế nhà nước thu hồi đất, tránh tình trạng Luật quy định một đường mà thực tế triển khai một nẻo. Cơ chế Nhà nước thu hồi đất được áp dụng cho mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh và một số loại dự án phát triển kinh tế.

Luật Đất đai 2013 có quy định một tiêu chí tiến bộ hơn về thu hồi đất, đó là việc áp dụng cơ chế này cho các dự án quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Mặc dù vậy, danh sách các loại dự án được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất cũng không thu hẹp được bao nhiêu so với hệ thống pháp luật hiện hành.

Tác động đến vấn đề về môi trường được thể hiện qua việc nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng bị khai thác cạn kiệt và suy thoái, ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp… Mặc dù một số công cụ quản lý môi trường đã được thiết lập, đặc biệt là công cụ đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án đầu tư, song công cụ này cũng chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi do tồn tại nhiều bất cập trong quy định pháp luật cũng như công tác quản lý, thực thi. Những bất cập này một phần xuất phát từ định hướng ưu tiên phát triển kinh tế hơn bảo vệ môi trường.

… và những hệ lụy tất yếu

Trong khoảng mươi năm trở lại đây, chuyện khai thác tài nguyên thiên nhiên gây tác động xấu đến môi trường xảy ra ở khắp nơi. Các dạng khai thác gây tác động lớn tới môi trường chủ yếu bao gồm: Khai thác khoáng sản dạng lộ thiên, hệ quả là khiến rừng bị chặt phá, nguồn nước cạn kiệt, môi trường đất, nước, không khí… bị ô nhiễm; Khai thác thủy điện khiến rừng bị chặt phá nhiều và khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị chuyển đổi sang đất có mặt nước chuyên dùng, gây tác động không nhỏ tới hệ sinh thái tự nhiên và tiềm ẩn nguy cơ gây lũ lụt lớn khi xả nước từ các hồ chứa; Khai thác đất, đá, cát, sỏi làm vật liệu xây dựng khiến môi trường không khí, đất bị ô nhiễm nặng và nguồn nước mặt bị mất cân bằng.

Khai thác khoáng sản không chỉ làm mất rừng, mất đất, mất nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ con người (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)
Khai thác khoáng sản không chỉ làm mất rừng, mất đất, mất nước mà còn gây ô nhiễm nghiêm trọng cho các môi trường đất, nước, không khí và sức khoẻ con người (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ánh rất nhiều trường hợp khai thác tài nguyên thiên nhiên gây tác động xấu tới môi trường. Đơn cử như vụ khai thác bô-xít ở Tây Nguyên với nguy cơ ô nhiễm dạng nguy hiểm nếu sử dụng phương pháp tuyển quặng ướt tạo ra hồ bùn đỏ. Ngoài những lý do khác, riêng về mặt môi trường, các chuyên gia cho rằng cần thay đổi sang phương pháp tuyển quặng khô nếu thực sự cần khai thác. Tuy nhiên, trên thực tế, sử dụng ngay cả phương pháp tuyển quặng ướt cũng đã không mang lại hiệu quả kinh tế.

Trường hợp thứ hai cũng làm nóng nhiều trang báo trong một thời gian dài, đó là hoạt động khai thác quặng sắt tại vùng hồ Ba Bể, tỉnh Bắc Cạn, gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước hồ. Quanh vùng hồ, nhiều quả núi đã bị chặt hết rừng và đào bới, nguồn nước mặt và nước ngầm được sử dụng hết cỡ cho tuyển quặng. Hệ quả là lượng chất thải từ tuyển quặng chảy xuống hồ chứa thứ nhất, rồi lan xuống hồ thứ hai (có vẻ như đúng giải pháp) nhưng từ hồ thứ hai lại chảy vào sông, suối vốn cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân. Khi người dân khiếu nại lên huyện, tỉnh thì cơ quan tài nguyên và môi trường giải thích là đã cho đánh giá tác động môi trường và bà con cứ yên tâm!? Điều đáng nói là một vùng chiến khu xưa với nhiều sinh cảnh tự nhiên rất đẹp thì thay vì phát triển du lịch lại chuyển hắn sang khai thác khoáng sản. Kết quả là rừng bị mất, nước bị bẩn, đất bị nát và con người thì bức xúc.

Ví dụ thứ ba gắn với một trong những điểm nóng được đưa ra thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ 6, khóa XIII vừa qua, đó là vấn đề đánh đổi mất rừng và lũ lụt để lấy điện từ thủy điện. Hiện nay, những trận lũ lớn, ngập lụt dài ngày gây hậu quả nghiêm trọng cho vùng hạ du các tỉnh miền Trung như tại Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam… xuất hiện với tần xuất ngày càng cao và dự báo sẽ tiếp diễn nhiều hơn trong tương lai. Mặc dù mưa bão không lớn nhưng ngập lụt vẫn cận kề. Nguyên nhân chính là do việc phá rừng đầu nguồn trong nhiều năm qua, trong đó có phá rừng hợp pháp để làm thủy điện.

Nhiều chuyên gia cho rằng, tốc độ mất rừng do lấy gỗ, chuyển đất rừng thành đất nông nghiệp trồng cây lâu năm và khai thác khoáng sản ở Việt Nam hiện nay khoảng 100.000 ha/năm. Để làm thủy điện phải mất trung bình khoảng 14,5 ha rừng/MW ở Tây Nguyên và khoảng 16,5 ha rừng/MW ở lưu vực sông Đồng Nai.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 07/11/2013, từ năm 2006 tới tháng 10 năm 2013, cả nước có 205 dự án thuộc 27 tỉnh, thành có rừng chuyển đổi sang làm thủy lợi, thủy điện với diện tích gần 20.000 ha. Còn theo số liệu của ngành điện, hiện nay, ta đang có 268 dự án thủy điện đang vận hành và 205 dự án đang khởi công. Tổng công suất lắp đặt nguồn điện 2012 là 26.475 MW, trong đó thủy điện chiếm tỷ lệ 47,5%, tức là 12.575 MW, tương ứng với khoảng 150.000 ha rừng bị phá.

Ví dụ thứ tư vừa xảy ra gần đây là vụ vỡ hồ chứa bùn đỏ thải từ khai thác titan tại Công ty cổ phần đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận ngày 18/11/2013. Đây đã là vụ vỡ hồ chứa bùn thải thứ 4 tại Bình Thuận. Chắc chắn ĐTM đã được lập và được thẩm định nhưng hồ chứa bùn thải vẫn vỡ tới 4 lần?!

Hồ chứa bùn đỏ titan bị vỡ tại Bình Thuận ngày 18/11/2013 (Ảnh: btv.org.vn)
Hồ chứa bùn đỏ titan bị vỡ tại Bình Thuận ngày 18/11/2013 (Ảnh: btv.org.vn) 

Về sự cố này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận cho hay: “Tỉnh được Chính phủ chấp thuận “khoanh” thành một trung tâm lớn của cả nước về khai thác titan quy mô công nghiệp bởi trữ lượng titan lên đến gần 600 triệu tấn ở tầng khai thác sâu đến 100 m… Lâu nay toàn bộ quá trình đánh giá ĐTM và cấp phép dự án khai thác titan đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt theo kiểu khai thác “cuốn chiếu”, nghĩa là dùng nguồn nước ngầm tại chỗ để tuyển quặng titan, xong rồi hoàn thổ và cứ thế lấn sang vị trí kế cận. Điều này tạo ra những hố chứa bùn không cố định, các hố chứa bùn đỏ cứ lần lượt di động mọc lấn theo các vị trí khai thác từng ngày. Chưa kể địa hình ven biển Bình Thuận không bằng phẳng, chỗ lồi chỗ lõm nên nếu chủ đầu tư bất cẩn trong gia cố bờ bao, bể chứa bùn thì chỉ cần một cơn mưa lớn là có thể xảy ra sự cố vỡ hồ chứa, ảnh hưởng đến môi trường. Bất cập lớn trong quản lý khai thác titan ở Bình Thuận ở chỗ trong khi Bộ Tài nguyên và Môi trường cứ cấp phép, phê duyệt ĐTM nhưng trên thực tế các chủ đầu tư dự án khai thác titan lại không hoàn thổ như hiện trạng ban đầu, lơ là trong khâu gia cố bờ hồ chứa bùn, khi xảy ra sự cố môi trường thì địa phương lãnh hết”.

Như vậy, ở đây rõ ràng có vấn đề về giải pháp môi trường trong ĐTM. Thể chế quản lý ĐTM ở cả Trung ương và địa phương cũng không hợp lý nên dễ xảy ra các sự cố môi trường.

Ngoài ra, việc phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định cho việc bồi hoàn, khắc phục môi trường cũng là nguyên nhân cơ bản khiến các nhà đầu tư tìm mọi cách lẩn tránh trách nhiệm. Các nhà kinh tế thì gọi thực trạng này là “ăn quỵt” môi trường. Còn với các nhà quản lý, nếu họ không “vững tay” thì họ cũng có thể bỏ qua (thiếu trách nhiệm) hoặc trực tiếp tham gia (thiếu đạo đức) vào phương thức “ăn quỵt” môi trường này. 

Điều đáng nói không giống quy luật vay trả thông thường: vay (quỵt) của môi trường ngày hôm nay một đồng thì các thế hệ tương lai buộc phải trả hàng nghìn đồng hoặc hơn nữa để khắc phục.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ