“Nóng” vấn đề thủy điện xả lũ và nuôi tôm trên cát

ThienNhien.Net – Trong ngày làm việc thứ 2 (11/12) của Kỳ họp thứ 9, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Nam khóa VIII, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội, trong đó “nóng” nhất vẫn là vấn đề thủy điện xả lũ và nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát.

Nước lũ nhấn chìm đường sá, nhà dân tại huyện Nông Sơn, Quảng Nam (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)
Nước lũ nhấn chìm đường sá, nhà dân tại huyện Nông Sơn, Quảng Nam (Ảnh: Nguyễn Sơn/TTXVN)

Về vấn đề thủy điện xả lũ, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Thông thường, khi mưa bão lớn thì lũ lên, tuy nhiên trong thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng lũ lên rất nhanh, chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ là lũ trên các sông đã lên hàng mét nước. Sau khi các thủy điện trên địa bàn không xả lũ thì nước cũng rút rất nhanh. Các thủy điện nói xả lũ đúng quy trình nhưng do địa hình Quảng Nam rất đặc thù khi sông ngắn, dốc và thời gian thông báo trước khi xả lũ ngắn quá khiến người dân cũng như cơ quan chức năng không kịp “trở tay”.

Có thể nói quy trình xả lũ hiện nay không phù hợp với Quảng Nam, chính vì vậy Quảng Nam kiến nghị cần minh bạch lượng nước về hồ và lượng nước xả. Thủy điện cần phải hạ mực nước hồ xuống để tăng dung tích phòng lũ trong mùa mưa bão. Trung ương nghiên cứu ban hành quy trình xả lũ phù hợp hơn với mùa lũ cũng như mùa hạn.

Ông Mai Đình Lự, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam, đơn vị huyện Đại Lộc cho biết: Huyện là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do lũ gây ra hàng năm. Các nhà máy thủy điện nói xả lũ đúng quy trình nhưng qua thực tế tại địa phương, chúng tôi thấy mỗi khi mưa bão về cộng với thủy điện xả lũ thì nước chảy xiết hơn, tốc độ dòng chảy lớn và sạt lở hai bên dòng sông Vu Gia trái với quy luật như trước đây. Vì vậy, cần có quy trình xả lũ phù hợp hơn, các ngành chức năng cũng cần có sự đầu tư xây dựng hệ thống kè để bảo vệ tài sản và tính mạng người dân.

Cũng về vấn đề xả lũ của thủy điện, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành quy chế xả lũ theo mùa, chứ không phải theo đợt lũ như hiện nay.

Đối với việc ồ ạt đào ao nuôi tôm thẻ chân trăng trên cát, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết: Do lợi nhuận cao, “đầu ra” dễ nên hiện nhà nhà đào ao nuôi tôm. Qua khảo sát sơ bộ đã phát hiện khoảng 700 hộ vi phạm.

Để bảo vệ môi trường và tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, UBND tỉnh đã lập đoàn khảo sát. Những hộ đang thả nuôi, tỉnh tạo điều kiện cho sản xuất đến hết vụ. Sau đó, tỉnh yêu cầu cam kết và xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định. Những hộ nào đủ điều kiện, tỉnh sẽ bố trí cho nuôi tiếp, còn không phải kiên quyết xử lý. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Quảng Nam cũng đang khảo sát để tìm những vùng nuôi tôm phù hợp, bố trí vùng nuôi tôm tạm thời cho những hộ dân có nhu cầu. Về lâu dài, Quảng Nam sẽ quy hoạch vùng nuôi tôm để phát triển lợi thế, nuôi trồng thủy hải sản bền vững.