Săn trộm voi vẫn ở mức báo động

ThienNhien.Net – Mặc dù số lượng voi châu Phi bị giết đã có chiều hướng giảm nhẹ vào năm ngoái, song tỷ lệ săn trộm voi tại châu lục này vẫn còn ở mức báo động – nhóm bảo tồn thuộc Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) cảnh báo.

Theo dữ liệu Liên Hợp quốc (UN) mới công bố đầu tháng 12, năm 2012, ước tính có khoảng 22.000 cá thể voi châu Phi bị tàn sát bởi tay những kẻ săn trộm, giảm ít nhất 3.000 cá thể so với con số kỷ lục năm 2011 – khoảng 25.000 cá thể.

Trong đó, Trung Phi vẫn là điểm nóng nhất của nạn săn trộm voi với tỷ lệ săn trộm gấp 2 lần mức trung bình của toàn châu lục. Các nhà khoa học cho biết, khu vực này đã mất gần 2/3 số voi chỉ trong vòng 1 thập kỷ qua và hiện cũng chẳng còn bao nhiêu thời gian để cứu vãn tình hình.

Tuy rằng năm ngoái, lượng ngà voi bị thu giữ đã tăng lên, báo hiệu bước tiến mới của công tác thanh kiểm tra, nhưng mặt khác lại hé lộ một thực tế dễ khiến người ta chùn bước là: sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức đang ngày một gia tăng.

Trong năm nay đã có hơn 40 tấn ngà voi lậu bị thu giữ tại các điểm trung chuyển (Ảnh minh họa: WWF)
Trong năm nay đã có hơn 40 tấn ngà voi lậu bị thu giữ tại các điểm trung chuyển (Ảnh minh họa: WWF)

Theo các nhà phân tích đến từ Mạng lưới Giám sát Buôn bán Động Thực vật Hoang dã (TRAFFIC) thì cứ nơi nào luật pháp được thắt chặt, bọn buôn lậu đều nhanh chóng thay đổi lộ trình để lách luật. Và ngay cả khi các tuyến đường buôn lậu trên toàn cầu đã đổi khác, điểm đến hàng đầu của các loại ngà voi trái phép vẫn là Trung Quốc.

Để ngăn chặn tình trạng này, ông Lamine Sebogo, Quản lý Chương trình Voi Châu Phi của WWF cho rằng phải có sự đồng lòng, nhất trí cao độ của tất cả các quốc gia cũng như các bên liên quan, bởi đây không còn đơn thuần là loại hình tội phạm quốc gia hay khu vực nữa mà đã được thừa nhận là loại hình tội phạm toàn cầu đặc biệt nghiêm trọng.

Hiện tại, WWF đang nỗ lực thúc đẩy các quốc gia trên thế giới thông qua Tuyên ngôn Marrakech – kế hoạch hành động 10 điểm chống lại nạn buôn bán trái phép động vật hoang dã do Ngân hàng Phát triển Châu Phi (AfDB) và WWF khởi xướng hồi tháng 5 năm nay.