Khuyến khích sử dụng hình thức hoả táng

ThienNhien.Net – Từng bước đưa việc sử dụng hình thức hỏa táng trở thành hình thức táng phổ biến của người dân Việt Nam tại các địa phương trên toàn quốc theo hướng văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, đối với các thành phố trực thuộc Trung ương trở lên tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng trung bình đạt 30%; đối với các thành phố, thị xã còn lại tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng trung bình đạt 15%; đối với các khu vực nông thôn, tỷ lệ sử dụng hình thức hoả táng trung bình đạt 5%.

Người chết mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao phải được hỏa táng

Về sử dụng hình thức hỏa táng, xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tuyên truyền lợi ích của việc sử dụng hình thức hỏa táng và vận động người dân tham gia sử dụng hình thức hỏa táng.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành các quy định bắt buộc về trường hợp người chết mắc bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây nhiễm cao cho cộng đồng hoặc các bệnh khác phải được hỏa táng.

Đồng thời, nghiên cứu, ban hành chính sách hỗ trợ chi phí cần thiết phục vụ hoả táng cho các đối tượng chính sách, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa sử dụng hình thức hỏa táng đảm bảo vệ sinh môi trường, tiết kiệm đất.

Nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng bao gồm: Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí hỏa táng, chi phí vận chuyển thi hài đi hỏa táng và các chi phí khác (bình đựng tro cốt, lưu giữ tro cốt…). Mức hỗ trợ tùy theo điều kiện kinh tế – xã hội của từng địa phương và do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

Khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng

Cũng theo Đề án, cần rà soát các cơ chế, chính sách liên quan đến việc ưu đãi, khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng; đề xuất bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam.

Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách có liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ngoài hàng rào đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trong đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng.

Cùng với đó, xây dựng, đề xuất các cơ chế cho vay ưu đãi vốn đầu tư xây dựng từ Ngân sách Nhà nước, tín dụng ưu đãi đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng; xây dựng các chính sách hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng tại các vùng dân tộc thiểu số đã có truyền thống hỏa táng người chết (đồng bào Khmer, Chăm…).