Ghi nhận loài nấm mới cho Việt Nam và khu vực Châu Á

ThienNhien.Net – Nhóm nghiên cứu thực vật của Viện Sinh thái học Miền Nam (SIE) trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tìm thấy trong rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới khu vực Yang Ly, VQG Bidoup Núi Bà với độ cao khoảng 1,700 m loài nấm lõ Dreswe (tên khoa học là Phallus drewesii Desjardin & B.A. Perry). Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học ghi nhận được sự có mặt của loài này tại Việt Nam và khu vực Châu Á.

Kết quả nghiên cứu nằm trong khuôn khổ Dự án Thành lập ô nghiên cứu định vị 25 ha để phục vụ nghiên cứu diễn thế rừng tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà, Lâm Đồng (ký hiệu TN3/T09) thuộc Chương trình Tây nguyên 3. Mẫu vật của loài này hiện đang lưu trữ tại Bộ sưu tập SGN / SIE.

Loài nấm lõ Drewes (Phallus drewesii)¬ chụp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. (Ảnh: Nguyễn Thanh Thảo)
Loài nấm lõ Drewes (Phallus drewesii)¬ chụp tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà. (Ảnh: Nguyễn Thanh Thảo)

Dự án triển khai với mục tiêu chính là thiết lập ô mẫu định vị (25 ha) trong rừng thường xanh hỗn giao cây lá rộng – lá kim tại Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà (VQGBDNB) làm cơ sở cho các nghiên cứu sâu và dài hạn về đa dạng sinh học, sinh thái học, động thái của hệ sinh thái rừng. Từ đó nhóm nghiên cứu sẽ tiến hành các hoạt động quan trắc lâu dài và trên qui mô đủ lớn với độ tin cậy cao, cho phép các nghiên cứu so sánh được và hợp tác với các nghiên cứu tương tự hàng đầu trên thế giới, cũng như theo dõi tác động của biến đổi khí hậu lên đa dạng sinh học và hệ sinh thái ở khu vực Tây Nguyên. Kết quả thu được của dự án nhằm cung cấp luận cứu khoa học cho bảo tồn, phục hồi một số kiểu thảm thực vật rừng đặc trưng có vai trò quan trọng ở Tây Nguyên.

VQG Bidoup Núi Bà, nơi đặt trạm nghiên cứu Ô Mẫu Định vị 25 Ha của đề tài TN3-09 (Ảnh: Vũ Ngọc Long)
VQG Bidoup Núi Bà, nơi đặt trạm nghiên cứu Ô Mẫu Định vị 25 Ha của đề tài TN3-09 (Ảnh: Vũ Ngọc Long)

Loài nấm Phallus drewesii Desjardin được phát hiện và mô tả trong ô mẫu định vị 25 ha là một ghi nhận lần đầu tiên cho khoa học kể từ năm 2009, và cho đến nay, người ta cũng chỉ biết có phân bố ở đảo São Tomé thuộc vùng biển tây châu Phi. Tại Việt Nam, theo tài liệu của Giáo sư Trịnh Tam Kiệt, trước đây chi Phallus được ghi nhận có 4 loài gồm: P. aurantiacus, P. indusiatus, P. multicolor và P. rubicundus. Như vậy, ghi nhận ở Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà là một phát hiện quan trọng đầu tiên về sự phân bố loài này ở khu vực châu Á và là loài thứ năm thuộc chi Phallus được mô tả ở Việt Nam.

Đặc điểm hình thái của loài được mô tả như sau: Thể quả có dạng hình tròn tới hình trứng màu vàng nâu khi còn non, chiều cao 0.3‒1.5 cm, đường kính 0.3‒0.8 cm. Khi trưởng thành thể quả nứt ra khỏi vỏ bọc và mọc nhô lên 7 cm, bề mặt dạng mắt lưới nhiều cạnh, màu trắng khi tươi và ngả vàng khi khô. Mô tạo bào tử dạng nhầy, màu nâu, có mùi hấp dẫn côn trùng. Bào tử có dạng bầu dục mỏng, bề mặt trơn láng.

Loài được ghi nhận mọc trên thân gỗ mục và rất hiếm gặp. Có thể tìm thấy thông tin chính thức được công bố tại đây.

TS. Vũ Ngọc Long và TS. Lưu Hồng Trường