Góc khuất thị trường hổ Hoa Kỳ

Loạt phim tài liệu Tiger King phát sóng trên Netflix năm 2020 làm dấy lên tranh cãi về số lượng hổ bị nuôi nhốt ở Hoa Kỳ. Rất ít người dân Mỹ biết về quy mô buôn bán hổ và các bộ phận cơ thể hổ ở nước này.

Nghiên cứu mới đây công bố trên Tạp chí Khoa học và Thực hành Bảo tồn (Conservation Science and Practice) nêu bật vai trò từng bị xem nhẹ của Hoa Kỳ trong buôn bán hổ bất hợp pháp: Theo dữ liệu của Cơ quan Bảo vệ Cá và Động vật Hoang dã Hoa Kỳ (USFWS) tổng hợp từ năm 2003 đến 2012, Mỹ chiếm gần một nửa số lượng hổ bị buôn bán trái phép toàn cầu.

Ước tính có khoảng 3.900 cá thể hổ hoang dã còn lại trên thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng do nạn săn bắn bất hợp pháp để lấy da, xương; các bộ phận cơ thể khác để sử dụng làm thuốc và đồ trang trí.

Monique Sosnowski, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, New York, cho hay: “Mỹ được lý tưởng hóa như quốc gia không tồn tại nạn buôn bán động vật hoang dã trái phép. Song, với trường hợp loài hổ, số liệu đã chứng minh ngược lại”.

Hổ ở Khu bảo tồn Tadoba-Andhari, Ấn Độ (Ảnh: Sarika Khanwilkar/Mongabay)

Thị trường ẩn

Từ dữ liệu của USFWS, các nhà nghiên cứu đã xác định được tổng cộng 292 vụ buôn bán hổ trái phép vào Mỹ từ năm 2003 đến 2012. Trong khi các nghiên cứu trước đó, dựa trên dữ liệu từ các báo cáo truyền thông, các cơ quan chính phủ và tổ chức phi chính phủ chỉ xác định được 6 vụ bắt giữ ở Mỹ, trong tổng số 624 vụ bắt giữ buôn bán hổ trái phép trên toàn cầu trong cùng khoảng thời gian.

Theo Sarika Khanwilkar, tác giả chính của nghiên cứu, phát hiện “rất đáng quan tâm” của nghiên cứu là hổ hoang dã chiếm khoảng 2/3 số sản phẩm bị tịch thu.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra Trung Quốc và Việt Nam là mối hàng đáng chú ý nhất trong 24 quốc gia có thương mại hổ và các sản phẩm từ hổ với Mỹ. Số lượng hổ nhập khẩu vào Mỹ từ Ấn Độ, nơi có quần thể hổ hoang dã lớn nhất thế giới, lại sụt giảm đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, do nhiều vụ việc bị bắt giữ chưa có xuất xứ rõ ràng nên không thể loại trừ hoàn toàn các tuyến thương mại từ Ấn Độ.

Các bộ phận của hổ bị thu giữ (Ảnh: Steve Winter/Mongaby)

Thịnh hành thuốc cổ truyền

Các loại thuốc cổ truyền thống làm từ hổ như thuốc viên, rượu cao hổ và miếng dán giảm đau là các sản phẩm bị tịch thu phổ biến. Hơn 18.500 sản phẩm thuốc, chiếm khoảng 80% tổng số mặt hàng, đã bị USFWS thu giữ trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2012.

Việc bắt giữ nhiều các sản phẩm thuốc là do cơ quan hải quan và thanh tra Hoa Kỳ thực hiện Đạo luật ghi nhãn sản phẩm tê giác và hổ (1998), cho phép thu giữ các sản phẩm có thành phần là tê giác hoặc hổ, bất kể các thành phần này có được chứng minh hợp pháp hay không.

Khối lượng lớn thuốc đông dược làm từ hổ bị tịch thu từ năm 2003 đến 2012 cho thấy Mỹ là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm y học cổ truyền từ hổ.

10 năm sau, các nỗ lực cải cách ghi nhãn sản phẩm và giảm cầu thông qua các chiến dịch nâng cao nhận thức đã đem lại hiệu quả, việc buôn bán các sản phẩm đông y từ hổ đã giảm đáng kể.

Crawford Allan, Giám đốc toàn cầu của Sáng kiến Chống tội phạm Động vật hoang dã của TRAFFIC và WWF nói: “Sự suy giảm này không có nghĩa là không còn hoạt động buôn bán hổ ở Mỹ. Nó vẫn tồn tại nhưng ở mức độ thấp hơn nhiều so với 10 – 20 năm trước. Việc buôn bán xương, răng, sọ, thịt, lông thú và các loại thuốc vẫn là mối đe dọa đối với hổ. Tuy nhiên, các thị trường chính thúc đẩy nhu cầu là ở châu Á”.

Các bộ phận và sản phẩm từ hồ bị thu giữ ở Mỹ (Ảnh: Steve Winter/Mongabay)

Sai lệch số liệu

Allan cho biết tỷ lệ các vụ bắt giữ nhập khẩu trái phép các sản phẩm từ hổ ở Mỹ tương đối cao so với các quốc gia khác có thể do sai lệch trong phương pháp thống kê dữ liệu giữa các quốc gia. Có thể nhiều quốc gia không ưu tiên hoặc thiếu nguồn lực để giám sát, thống kê buôn bán trái phép động vật hoang dã, trong khi “Mỹ là một trong số ít quốc gia thực hiện việc thu thập dữ liệu toàn diện về các vụ bắt giữ buôn bán động vật hoang dã trái phép trên toàn quốc và cho phép công chúng tiếp cận nguồn dữ liệu này. Do đó, sẽ không thực tế nếu so sánh dữ liệu của Mỹ với những số liệu được báo cáo ở các quốc gia khác”.

Theo Allan, việc tính toán tác động thực tế của việc buôn bán hổ đối với quần thể hổ hoang dã cũng là một thách thức lớn. Bởi vì, các sản phẩm qua chế biến như thuốc truyền thống có thể được lấy từ một hoặc nhiều cá thể hổ. Tuy nhiên, đây vẫn là “dữ liệu tốt nhất có thể hiện có” và khối lượng tuyệt đối hổ nhập khẩu bị tịch thu tại Mỹ trong thời gian nghiên cứu là không thể bàn cãi.

Hổ nuôi nhốt trong các trang trại (Ảnh: Steve Winter/Mongabay)

Hổ bị nuôi nhốt cũng gặp nguy hiểm

Nghiên cứu cũng điều tra quy mô buôn bán hổ hợp pháp và các bộ phận của chúng vào Mỹ. Thống kê cho biết, có 49 vụ nhập khẩu hổ hợp pháp vào Mỹ để làm vật trưng bày trong các vườn thú hoặc rạp xiếc ven đường. Mặc dù hổ được bảo vệ theo Đạo luật về Các loài nguy cấp của Hoa Kỳ, nhưng khuôn khổ pháp lý xung quanh việc nuôi nhốt và buôn bán hổ vẫn không rõ ràng. Các quy định quản lý phúc lợi và tình trạng của khoảng 5.000 con hổ bị nuôi nhốt ở Hoa Kỳ rất khác nhau giữa các bang.

Leigh Henry, Giám đốc Chính sách về Động vật hoang dã của WWF cho hay: “Vẫn thiếu dữ liệu để kết luận hổ bị nuôi nhốt ở Mỹ đang thúc đẩy hoạt động buôn bán quốc tế bất hợp pháp. Tuy nhiên, sự chắp vá hiện tại của luật liên bang, tiểu bang và địa phương không đủ để ngăn điều đó xảy ra. Không có một cơ quan chính phủ nào giám sát, theo dõi tất cả những con hổ này ở đâu, do ai sở hữu, điều gì xảy ra khi chúng bị bán và trao đổi, hay điều gì sẽ xảy ra với những bộ phận có giá trị của chúng sau khi chúng chết. Sự thiếu chặt chẽ trong quy định đối với hổ thuộc sở hữu tư nhân và các loài mèo lớn khác ở Mỹ đang làm suy yếu tiếng nói trong việc vận động bảo tồn hổ với các quốc gia có hổ”.

Chẳng hạn như, các chuyên gia hổ quốc tế và Mỹ đang kêu gọi chấm dứt hoạt động nuôi hổ, vốn ảnh hưởng đến hơn 8.000 con hổ hoang dã ở Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Những con hổ được nuôi riêng trong các tầng hầm nhà, địa điểm du lịch và các hoạt động trang trại cho mục đích thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc nuôi nhốt hổ đang làm suy yếu các nỗ lực bảo tồn, bởi hoạt động này sẽ tạo điều kiện, tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.

Để giải quyết những thiếu sót về mặt lập pháp, những người ủng hộ ở Mỹ đã đề xuất Đạo luật An toàn Công cộng cho loài Mèo lớn. Đạo luật này yêu cầu giấy phép liên bang đối với việc nuôi nhốt tất cả các loài mèo lớn, cấm công chúng tiếp xúc với con non, từ đó làm giảm động cơ khuyến khích nhân giống và cải thiện phúc lợi động vật.

Theo Henry, nếu các nhà lập pháp thông qua dự luật thì đó sẽ là một “bước tiến lớn” nhằm đảm bảo những con hổ bị nuôi nhốt ở Mỹ và các bộ phận của chúng không bị buôn bán bất hợp pháp.