Làm thủy điện để… phá rừng – Bài 2

ThienNhien.Net – Từ khi các thủy điện đua nhau mọc lên, người dân vùng hạ du vừa mất đất sản xuất vừa thường xuyên đối mặt với khô hạn vào mùa nắng, lũ lụt vào mùa mưa

Mới đây, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Nam đã loại khỏi quy hoạch 2 dự án thủy điện Bồng Miêu và Hà Ra, đồng thời tạm dừng, chưa đầu tư xây dựng 18 thủy điện khác do ảnh hưởng lớn đến dân cư, đất rừng, đất sản xuất và môi trường…

Bỏ cho dân nhờ!

Người dân ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh – nơi có dự án thủy điện Bồng Miêu vừa bị loại bỏ – những ngày qua sống trong tâm trạng khấp khởi vui mừng. “Dẹp thủy điện Bồng Miêu là phải. Xã Tam Lãnh nhỏ xíu, nếu cho làm thủy điện thì còn đất đâu để sản xuất; chúng tôi cũng phải di dời đi nơi khác, khổ lắm! Mấy dự án đó phá rừng là chính, nên bỏ hết cho dân nhờ!” – ông Lê Văn Hậu, ngụ thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, nói.

Người dân xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam khổ sở vì dự án thủy điện Sông Tranh 4 bị ngưng trệ quá lâu (Ảnh: Trần Thường/www.nld.com.vn)
Người dân xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam khổ sở vì dự án thủy điện Sông Tranh 4 bị ngưng trệ quá lâu (Ảnh: Trần Thường/www.nld.com.vn)

Thủy điện Bồng Miêu dự kiến được xây tại khu vực Hầm Hố (thôn Bồng Miêu). Nếu dự án này khởi công thì hầu hết các hộ dân trong thôn đều bị ảnh hưởng; cây cối, hoa màu và đất sản xuất cũng sẽ bị mất nhiều.

Ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, cho biết loại bỏ 2 dự án thủy điện Bồng Miêu và Hà Ra là vì hiệu quả đầu tư thấp nhưng tác động tiêu cực đến môi trường, đời sống của người dân. Trong đó, dự án thủy điện Hà Ra (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang) chỉ có 1 MW nhưng diện tích rừng bị ảnh hưởng rất lớn. “Việc kiểm tra, rà soát được chúng tôi thực hiện thường xuyên hằng tháng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục xem xét. Các dự án không khả thi hay ảnh hưởng nhiều đến môi trường và dân cư sẽ bị loại khỏi quy hoạch” – ông Thử nói.

Trong 18 dự án thủy điện của tỉnh Quảng Nam bị tạm dừng, không có tên thủy điện Sông Tranh 4 (xã Quế Lưu, huyện Hiệp Đức). Dự án này nằm trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia năm 2006-2015 và là một trong 33 thủy điện bậc thang nằm trong quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam nhưng đã bị “treo” nhiều năm nay.

Từ năm 2007, người dân sống dọc sông Tranh ở xã Quế Lưu nhận được thông báo thủy điện Sông Tranh 4 sẽ khởi công. Thế nhưng, sau 6 năm nhận được thông báo quy hoạch, thủy điện thì chưa thấy đâu trong khi người dân lâm vào cảnh bức bí vì không được canh tác trên phần đất của mình do vướng quy hoạch. Anh Lương Xuân Đồng (ngụ thôn 5, xã Quế Lưu) bức xúc cho biết theo thông báo, gia đình anh có 2,4 ha rừng bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Sông Tranh 4 và phải di dời đến nơi ở mới. Ban quản lý dự án đã có khung giá đền bù cho gia đình anh nhưng từ tháng 4-2011 đến nay, mọi chuyện giẫm chân tại chỗ. Không được trồng rừng, lại chẳng có nguồn thu nào khác ngoài mấy sào ruộng nên gia cảnh anh Đồng trở nên túng bấn.

Theo ông Đào Bội Thuyên, Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức, do chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Sông Tranh 4 gặp khó khăn về tài chính nên dự án chưa được triển khai. Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Thử cho biết dự án thủy điện Sông Tranh 4 bị “treo” là do thủy điện Sông Tranh 2 không được Chính phủ cho tích nước bởi liên tục xảy ra động đất.

Theo thiết kế, hoạt động của thủy điện Sông Tranh 4 sẽ phụ thuộc vào thủy điện Sông Tranh 2. Nếu thủy điện Sông Tranh 2 được cho tích nước thì thủy điện Sông Tranh 4 mới hoạt động được. Chính vì thế, phải chờ thủy điện Sông Tranh 2 được phép tích nước thì dự án này mới chuyển động.

Hậu quả nặng nề

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Quảng Nam, toàn tỉnh hiện có 44 dự án thủy điện đã được phê duyệt với tổng công suất 1.584,6 MW, điện lượng bình quân năm 6,261 tỉ KWh/năm. Đặc biệt, hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn “gánh” thủy điện nhiều nhất với 10 dự án có tổng công suất 1.147 MW, điện lượng 4,521 tỉ kWh/năm, chiếm 72,37% công suất toàn tỉnh.

Tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích đất rừng và đất khác là hơn 763.000 ha, trong đó thu hồi để đầu tư 22 công trình thủy điện là hơn 11.000 ha nhưng đến nay chỉ mới phủ xanh lại được hơn 28 ha.

Chính việc quy hoạch, phát triển thủy điện ồ ạt lâu nay đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái, khiến tài nguyên thiên nhiên bị tàn phá. Đặc biệt, tình hình sản xuất và đời sống của nhân dân vùng thủy điện gặp rất nhiều khó khăn. Tại các khu tái định cư thủy điện, diện tích đất sản xuất mà các chủ đầu tư cấp cho các hộ chủ yếu là đất nương rẫy và chỉ bằng 1/4-1/3 diện tích nơi ở cũ. Hậu quả là các hộ dân bỏ khu tái định cư để đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Với hầu hết những người dân sống ở vùng hạ du dọc hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn, từ nhiều năm nay, hễ cứ vào đầu tháng 9 đến hết tháng 11 là họ phải sống trong nỗi thắc thỏm vì lũ lụt triền miên. Chỉ riêng nửa cuối tháng 9 đến đầu tháng 10 năm nay, vùng hạ du sông Vu Gia liên tiếp hứng chịu 3 đợt lũ lớn, trong đó có tác động của việc thủy điện xả lũ. Theo phản ánh của người dân, từ ngày xây dựng các thủy điện ở thượng nguồn như A Vương, Sông Bung, Đắk Mi 4…, lũ lụt trở nên hung dữ và sức tàn phá nặng nề hơn. Còn về mùa nắng, nhiều thủy điện giữ nước để phát điện nên vùng hạ du luôn bị thiếu nước sản xuất.