Giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo kinh tế

ThienNhien.Net – Được đánh giá là một trong những tỉnh giàu tài nguyên nhưng Bắc Kạn hiện vẫn nằm trong danh sách những tỉnh nghèo của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 20%, số hộ cận nghèo chiếm 11,25%.

Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2012 ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-LĐTBXH ngày 13/5/2013 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 12 trong tổng số 63 tỉnh, thành về tỷ lệ hộ nghèo (chiếm 20,39%) và xếp thứ 15 về số hộ cận nghèo (11,25%). Đáng chú ý, tại một số huyện nghèo thuộc tỉnh như Pác Nặm, Ba Bể, con số hộ nghèo tương ứng chiếm trên 40% và hơn 26%; số hộ cận nghèo chiếm gần 9% và gần 16%.

Hình ảnh một hộ nghèo tại thôn Tiến Bộ, xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn - thôn có mỏ vàng do Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát khai thác
Hình ảnh một hộ nghèo tại thôn Tiến Bộ, xã An Thắng, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn – thôn có mỏ vàng do Công ty cổ phần Thương mại và Khoáng sản Nguyên Phát khai thác (Ảnh: Hoàng Chiên)

Không chỉ chiếm tỷ lệ cao về số hộ nghèo và hộ cận nghèo, 91% ngân sách của tỉnh Bắc Kạn hiện vẫn phụ thuộc vào nguồn ngân sách Nhà nước. Điều đáng nói là nguồn thu ngân sách địa phương phụ thuộc chủ yếu vào việc thu thuế, phí liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, tuy nhiên việc nợ đọng thuế, phí của các doanh nghiệp khai khoáng trong tỉnh lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Thông tin từ một vị cán bộ tỉnh Bắc Kạn cho hay, mỗi năm, tỉnh thu ngân sách khoảng 300 tỷ đồng, trong đó hơn 2/3 nguồn thu từ thuế, phí khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, riêng Công ty Cổ phần Thương mại và Khai thác Khoáng sản Nguyên Phát đã nợ 180 tỷ đồng, các công ty khai khoáng còn lại cũng nợ vài chục tỷ đồng.

Tại Hội thảo về quản trị tài nguyên khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức mới đây, một số chuyên gia đã nhận định: Sở dĩ Bắc Kạn giàu tài nguyên nhưng vẫn nghèo về kinh tế là do công tác quản lý, khai thác tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập. Những bất cập này không chỉ khiến địa phương bị thất thu mà còn đẩy người dân vào tình thế khó khăn hơn trong việc tìm kiếm, duy trì sinh kế. Đặc biệt, ở khu vực nào có khoáng sản là ở đó cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, an ninh trật tự không đảm bảo, cuộc sống bấp bênh vì không có đất sản xuất, không có việc làm, môi trường sống bị ô nhiễm do hoạt động khai thác mỏ.

Trong chuyến công tác gần đây tại Bắc Kạn, chúng tôi có dịp trò chuyện với nhiều người dân thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn – nơi đang có 4 mỏ chì, kẽm hoạt động – và ghi nhận được không ít tâm tư về đời sống khó khăn của bà con liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại địa phương.

 Ông Trần Thái Học, Trưởng thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Ông Trần Thái Học, Trưởng thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Chiên)

Tiếp chuyện chúng tôi tại nhà riêng, ông Trần Thái Học, Trưởng thôn Nà Nọi cho biết: trong thôn có 4 mỏ khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp Vinh San, Hamico, Ánh Mai và Vạn Lợi. Ngay từ khi các mỏ được cấp phép, bà con trong vùng đã được vận động bán đất và tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp. Thế nhưng, từ khi đi vào khai thác đến nay, vẫn chưa thấy họ đóng góp gì cho thôn, thậm chí còn gây mất trật tự an ninh do tranh chấp với nhau về ranh giới khai thác.

Điển hình là vụ ẩu đả xảy ra vào ngày 1/10 giữa hai mỏ Ánh Mai và Vạn Lợi khiến một số người bị thương phải nhập viện. Hôm xảy ra tranh chấp có khoảng 45 người đi trên hàng chục chiếc ô tô, trong đó có một số người trước đây là công nhân Công ty Vạn Lợi, nhóm đông người xông vào đâm chém một số công nhân của Công ty Ánh Mai, thậm chí đuổi đánh bất cứ ai có mặt ở khu vực mỏ lúc đó, kể cả người dân địa phương đi chăn trâu, lấy củi.

“Họ đánh nhau gây náo loạn cả thôn, công an đến thu được nhiều vũ khí như dao, kiếm, súng hoa cải. Nguyên nhân hai công ty tranh chấp là do mâu thuẫn về ranh giới đất. Hiện trên địa bàn thôn có mỏ của Công ty Hamico cũng tranh chấp với doanh nghiệp khác nên không hoạt động nữa, người dân chúng tôi cứ mong ngóng mỏ hoạt động để nhận chúng tôi vào làm thì mới có cái ăn nhưng mãi chẳng thấy gì” – Ông Học cho biết thêm.

Không chỉ gây rối làm mất trật tự an an ninh địa phương, doanh nghiệp Vạn Lợi trong lúc tuyển quặng còn sử dụng hóa chất, gây ô nhiễm nguồn nước và làm chết nhiều cá nuôi của bà con. Bà con trong thôn đã kéo lên đập phá máy móc, bắt nhà máy tuyển quặng phải đóng cửa, không cho hoạt động.

Đối với Công ty Ánh Mai, đơn vị này cũng đào rỗng lòng đất dưới nương của hai hộ trong thôn nhưng kiên quyết không đền bù. Khi doanh nghiệp đang xây dựng bể nước để tuyển rửa quặng, người dân trong thôn đã kéo lên bắt phải dỡ bỏ vì nếu dây chuyền tuyển đi vào hoạt động, nước rửa chứa chất độc sẽ trôi xuống ao và ruộng của bà con. Sau lần phản đối này, doanh nghiệp đã phải chuyển quặng thô đi nơi khác rửa tuyển.

Một điểm mỏ khai thác quặng chì, kẽm không hiệu quả tại thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Một điểm mỏ khai thác quặng chì, kẽm không hiệu quả tại thôn Nà Nọi, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn (Ảnh: Hoàng Chiên)

Cũng theo ông Học, để tránh tình trạng môi trường bị ô nhiễm trong quá trình khai thác mỏ, thôn Nà Nọi đã xây dựng quy ước đối với các mỏ theo hướng các công ty được phép khai thác quặng, được phép chuyển quặng đi, được phép tuyển nhưng không được sử dụng hóa chất trong quá trình khai thác, đồng thời phải tạo công ăn việc làm cho bà con. Tuy nhiên, quy ước này không được các doanh nghiệp chấp thuận và tuân thủ. Hầu hết người dân sống quanh khu vực mỏ đều khẳng định, cả bốn doanh nghiệp gần như không sử dụng bất cứ một lao động nào tại địa phương.

Điều đáng nói là hiện có tới 3 trong tổng số 4 mỏ đã đóng cửa nhưng không thực hiện nghĩa vụ hoàn thổ như đã hứa với người dân nên rất nhiều gia đình đã bán đất không còn tư liệu sản xuất, buộc lòng phải đi làm thuê, làm mướn… Số hộ nghèo, vì vậy ngày càng gia tăng.

Được biết, thôn Nà Nọi có 45 hộ dân với 186 nhân khẩu, diện tích ruộng ít nên cuộc sống bà con chủ yếu dựa vào nương ngô trên đồi. Từ khi các mỏ bắt đầu khai thác đến nay đã có 13 hộ bán khoảng 5 ha đất cho doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là đất sản xuất, đất đồi nương.

Nằm sát thôn Nà Nọi là thôn Cốc Sở, thôn này cũng có một số hộ bán đất cho các mỏ khai thác khoáng sản và cũng trong tình trạng không ai được nhận vào làm tại các mỏ. Thôn có 27 hộ nhưng có đến 25 hộ thuộc diện nghèo(?!).