Sẽ không miễn, giảm tiền thuê đất dự án khai thác khoáng sản vùng khó khăn

ThienNhien.Net – Theo tin từ Bộ Tài chính, thời gian qua cơ quan này nhận được nhiều kiến nghị về việc tham mưu cho Chính phủ ban hành quy định đối với dự án chuyển đất rừng nghèo sang trồng cao su, giao đất để xây dựng các công trình thuỷ điện, đất khai thác khoáng sản… ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn không áp dụng việc ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất để đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Theo Bộ Tài chính, việc chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng sang trồng cây cao su được thực hiện như sau: Pháp luật đất đai hiện hành quy định người sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất rừng và đất lâm nghiệp được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang đất nông nghiệp để trồng cao su (đất sản xuất nông nghiệp) thuộc đối tượng phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để khuyến khích, thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn để chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp thì việc Nhà nước ban hành chính sách ưu đãi về đất đai nếu dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn là phù hợp.

Một điểm khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn (Ảnh: ThienNhien.Net)
Một điểm khai thác khoáng sản ở Bắc Kạn (Ảnh: ThienNhien.Net)

Đối với chính sách ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất thì dự án đầu tư xây dựng công trình thuỷ điện mới thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư theo Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư được hưởng các mức miễn, giảm tiền thuê đất tương ứng nếu đầu tư tại địa bàn khuyến khích. Cụ thể sẽ miễn 3 năm tiền thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn không được ưu đãi; miễn 11 năm tiền thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội khó khăn; miễn 15 năm tiền thuê đất nếu đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Việc xây dựng nhà máy thuỷ điện không những tăng nguồn điện năng cho đất nước mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tại địa phương nên để khuyến khích, thu hút các DN tham gia vào xây dựng nhà máy thuỷ điện thì Nhà nước ban hành chính sách ưu đãi về đất đai là phù hợp. Tuy nhiên, việc xây dựng công trình thuỷ điện gây mất rừng và đất của dân do hiệu quả kinh tế thấp tại một số địa phương là do công tác quản lý, không phải do chính sách.

Đối với dự án đầu tư khai thác khoáng sản, theo quy định hiện nay các trường hợp tổ chức, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, được Nhà nước cho phép thăm dò, khai thác khoáng sản mà không sử dụng lớp đất mặt và không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì không thu tiền thuê đất đối với diện tích không sử dụng lớp đất mặt. Trường hợp có sử dụng đến lớp đất mặt hoặc có ảnh hưởng đến việc sử dụng mặt đất thì phải thực hiện thuê đất và được ưu đãi tiền thuê đất nếu dự án đầu tư tại địa bàn ưu đãi theo quy định của pháp luật đất đai, Luật Đầu tư.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, qua ý kiến phản ánh của một số địa phương, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây nhiều tác động xấu đến tài nguyên môi trường như: Việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn khoáng sản, tàn phá mặt đất, làm ô nhiễm nguồn nước; đặc biệt việc khai thác này còn làm biến đổi về địa hình và cảnh quan xung quanh. Chính vì vậy, các địa phương đề nghị không cho phép miễn tiền thuê đất đối dự án hoạt động trong lĩnh vực này.

Về phía Bộ Tài chính sẽ xem xét và sửa đổi, bổ sung chính sách tài chính đất đai về việc không áp dụng miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án khai thác khoáng sản ở vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.