Đến 2020: Thêm 41 khu bảo tồn thiên nhiên mới

ThienNhien.Net – Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học và góp ý cho dự thảo quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước”, do Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên – Môi trường, tổ chức tại Hà Nội ngày 24- 9.

Theo đánh giá của Cục Bảo tồn Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), Việt Nam là nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, sinh cảnh. Đồng thời, Việt Nam cũng nằm trong 238 vùng sinh thái ưu tiên toàn cầu được Quỹ Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) ghi nhận với nhiều loài đặc hữu, loài nguy cấp được ghi nhận trong Sách Đỏ, nhiều loài mới được khám phá cho khoa học. Do vậy, ĐDSH của Việt Nam được đánh giá có vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế xã hội và điều tiết khí hậu, bảo vệ môi trường…

Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/ ThienNhien.Net
Ảnh minh họa: Hoàng Chiên/ ThienNhien.Net

Thực tế cho thấy, trong những năm gần đây tình trạng ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy thoái. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy thoái đó là việc khai thác quá mức, trái phép và buôn bán tiêu thụ động thực vật hoang dã; tình trạng chia cắt các sinh cảnh do chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng, thủy điện; tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt ở các lưu vực sông khiến hệ sinh thái xuống cấp…

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý ĐDSH của Việt Nam còn nhiều bất cập; tổ chức bộ máy chưa được hoàn thiện, cũng như việc đầu tư cho bảo tồn ĐDSH chưa được quan tâm một cách đúng mức.

Thứ trưởng Tài nguyên – Môi trường Bùi Cách Tuyến cho rằng: Để khắc phục tình trạng trên, nhiệm vụ và mục tiêu chủ yếu của “Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước” là tập trung tối đa cho nhu cầu bảo tồn, bao gồm 148 khu bảo tồn thiên nhiên hiện có và đến năm 2020 phấn đấu có thêm 41 khu bảo tồn thiên nhiên mới được thành lập theo quy định của Luật Đa dạng sinh học, trong đó có 17 khu thuộc hệ thống vùng đất ngập nước; 8 khu thuộc hệ thống biển; 12 khu tỉnh đề xuất và bốn khu theo nhu cầu bảo tồn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nâng cao chất lượng và tăng diện tích của các hệ sinh thái tự nhiên. Bảo đảm đến năm 2020, diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên trên cạn đạt 9% diện tích lãnh thổ, diện tích các khu bảo tồn biển đạt 0,24% diện tích vùng biển; độ che phủ của rừng đạt 45%; rừng nguyên sinh được giữ ở mức 0,57 triệu ha và có kế hoạch bảo vệ hiệu quả; diện tích rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, rạn san hô được duy trì ở mức hiện có; 15% diện tích hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị suy thoái được phục hồi; số lượng các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được quốc tế công nhận đạt 10 khu Ramsar, 10 khu dự trữ sinh quyển, 10 vườn di sản ASEAN.

Bảo tồn đa dạng sinh học là một trong ba nhiệm vụ trong công tác bảo vệ môi trường đã được đề cập trong Văn kiện các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, cũng như Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đáng chú ý, Nghị quyết 24 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và môi trường” đã nhấn mạnh quan điểm tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học…

Bởi vậy, việc góp ý của các đại biểu tham dự hội thảo “Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học cả nước”, với các nội dung, mục tiêu, phương án cụ thể có một vai trò hết sức quan trong đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học cả nước trong thời gian tới, cũng là cơ sở có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học cả nước, đây cũng là cơ sở dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch trong năm 2013, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết thêm.