Bảo tồn đa dạng sinh học: Nghèo giữa “rừng vàng”

ThienNhien.Net – “Rừng vàng, biển bạc” là niềm tự hào của Việt Nam và điều này hoàn toàn dễ hiểu khi Việt Nam được biết đến như là một trong các trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) của thế giới với các hệ sinh thái tự nhiên phong phú và đa dạng. Thế nhưng, ĐDSH của Việt Nam lại đang suy thoái với tốc độ rất nhanh.

Rừng nguyên sinh ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận (Ảnh: Thiên Bình/Đại đoàn kết)
Rừng nguyên sinh ở huyện Bác Ái, Ninh Thuận (Ảnh: Thiên Bình/Đại đoàn kết)

Phải giải quyết những xung đột lợi ích

Sự tăng trưởng kinh tế và sự gia tăng dân số nhanh chóng đã tạo ra các nhu cầu lớn về tiêu thụ tài nguyên cũng như sử dụng đất, diện tích các khu vực có các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng bị thu hẹp dần, số loài và số lượng cá thể của các loài hoang dã bị suy giảm mạnh nhất là ở núi Bà Tài (Kiên Giang), Vườn quốc gia (VQG) Núi Chúa…

Phát biểu tại hội thảo “Giới thiệu chiến lược quốc gia về ĐDSH và góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tổ chức ngày 13-9 tại Tp.Hồ Chí Minh, ông Bùi Cách Tuyến – Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết: Tổng số động thực vật hoang dã đang bị đe dọa hiện nay là 882 loài và đã có 9 loài động vật được xem đã tuyệt chủng ngoài tự nhiên Việt Nam như tê giác 2 sừng, heo vòi, cầy rái cá, bò xám, hươu sao… Chiến lược quốc gia về ĐDSH đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 31-7-2013 và công tác bảo tồn ĐDSH là một trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo vệ môi trường theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Vấn đề quan trọng nhất trong công tác bảo tồn ĐDSH theo ý kiến nhiều đại biểu đó là sự lựa chọn giữa tăng trưởng kinh tế hay bảo tồn ĐDSH. Ông Nguyễn Đình Xuân – Giám đốc VQG Lò Gò – Xa Mát (Tây Ninh) nhấn mạnh: “Đã quyết định chọn bảo tồn thì không thể có thủy điện, không có khai thác khoáng sản và ngược lại nếu có thủy điện và khai thác khoáng sản thì không thể bảo tồn! Nếu đã chọn làm bảo tồn thì phải tập trung nguồn lực cho bảo tồn”.

Ông Nguyễn Văn Yên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng có quan điểm tương tự khi nêu quan điểm của lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng hạn chế việc phát triển thủy điện. “Một thủy điện nhỏ công suất 50MW cũng đã lấy mất 100ha rừng, chưa kể tình trạng sa mạc hóa của hậu thủy điện. Như thế không đáng để đánh đổi” – ông Nguyễn Văn Yên cho biết.

Khắc phục những hạn chế trong công tác bảo tồn 

Nhận xét chung của các đại biểu là địa phương nào có nhiều rừng, nhiều khu vực bảo tồn ĐDSH thì càng nghèo, bảo tồn là cho quốc gia nhưng chi phí hầu hết là địa phương chịu. Chính vì vấn đề kinh tế, vì càng nhiều rừng càng nghèo mà nhiều địa phương đã tìm cách chuyển đổi rừng đặc dụng. Theo quy định nếu chuyển đổi trên 50ha rừng thì phải xin ý kiến Quốc hội nhưng nếu chuyển đổi rừng đặc dụng thành rừng kinh tế thì lại không phải xin phép, nên nhiều nơi đã lợi dụng điều này rồi khai thác khoáng sản… vì nó mang lại lợi ích kinh tế hơn là làm bảo tồn ĐDSH. Đó chính là lỗ hổng của luật pháp.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, vấn đề là làm sao khu bảo tồn không là gánh nặng của địa phương, do đó phải giải quyết bài toán: địa phương nào có nhiều rừng thì sẽ được Trung ương hỗ trợ gì, như thế công tác bảo tồn mới phát triển được. Mặt khác cơ chế hưởng lợi từ rừng cho những người dân được giao giữ rừng cần phải thay đổi, quy định lại, vì hiện nay công tác giữ rừng cứ như giữ bảo tàng, tức là chỉ được nhìn chứ không được lấy gì ra hết.

Ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc VQG Cát Tiên nêu thực trạng ranh giới, vùng đệm của VQG nhiều diện tích bị chuyển đổi. Nên nếu không có quy định về ranh giới, vùng đệm thì “cái áo” bảo vệ của các VQG sẽ tiếp tục bị rách và Bộ TN&MT cần có những đánh giá về tình trạng này. Ngoài ra việc bảo vệ rừng, bảo vệ ĐDSH nhưng pháp luật thực thi lại hạn chế trong các hình thức chế tài, xử phạt. Vấn đề nhân lực cho công tác bảo tồn ĐDSH cũng đang là vấn đề bức thiết hiện nay, cần quan tâm đào tạo để việc quản lý, bảo tồn ĐDSH hiệu quả hơn.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho rằng: Các đại biểu góp ý rất chính xác về vấn đề tài chính cho công tác bảo tồn, đào tạo nhân lực, thực thi pháp luật còn yếu và đó là điều sẽ được Bộ tập trung cải thiện. Quy hoạch tổng thể bảo tồn ĐDSH của cả nước đang được Bộ TN&MT xây dựng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ vào cuối năm 2013. Trong đó vấn đề thiếu liên kết, giữ vững hành lang bảo tồn, vùng đệm giữa các địa phương sẽ được khắc phục.