Mỹ – Bắc Âu đạt thỏa thuận liên quan đến khí hậu

ThienNhien.Net – Trong chuyến thăm Thụy Điển hôm 04/9, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã đạt được thỏa thuận với lãnh đạo các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Phần Lan, Ai-xơ-len, Na Uy và Thụy Điển về việc ngừng đầu tư vào các nhà máy nhiệt điện chạy than mới ở nước ngoài, ngoại trừ trường hợp đặc biệt.

Tại đây, các lãnh đạo nhất trí kêu gọi sự ủng hộ của các quốc gia khác và các ngân hàng phát triển đa phương đối với chính sách này, đồng thời hạn chế việc trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch vốn đang diễn ra phổ biến trên thế giới.

“Việc hạn chế các chất gây ô nhiễm khí hậu ngắn hạn có thể giúp giảm một nửa tốc độ nóng lên toàn cầu và giảm 2/3 tốc độ nóng lên của Bắc cực. Chỉ bằng cách giảm thật nhanh các chất này, chúng ta mới có hy vọng cứu được Bắc cực và các khu vực cùng các cộng đồng dễ bị tổn thương khác trên thế giới” – Ông Durwood Zaelke, Chủ tịch Viện Quản trị và Phát triển bền vững (IGSD), cho biết.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Mỹ và các nước Bắc Âu cam kết tăng cường nỗ lực nhằm giảm thiểu các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn như HFCs, methane, khí ozone ở tầng đối lưu và carbon đen.

Cũng tại cuộc họp mặt này, các lãnh đạo nhấn mạnh bước phát triển nhanh chóng của Liên minh Khí hậu và Không khí sạch(*); và kỳ vọng Liên minh sẽ đóng vai trò cầu nối thúc đẩy toàn cầu giảm đáng kể các chất gây ô nhiễm khí hậu ngắn hạn.

Ảnh: Ralph Orlowski/Getty Images
Ảnh: Ralph Orlowski/Getty Images

Cùng với đó, cam kết bảo vệ môi trường Bắc cực và giảm phát thải các-bon đen tại Bắc cực tiếp tục được Mỹ và các nước Bắc Âu tái khẳng định trong cuộc họp vừa qua. Ngoài ra, lãnh đạo các nước Bắc Âu còn thống nhất về tầm quan trọng của việc đạt được một hiệp ước khí hậu công bằng, toàn diện và khoa học dưới Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào năm 2015.

Nỗ lực bảo vệ khí hậu cấp lãnh đạo các quốc gia của Tổng thống Mỹ Obama đánh dấu bằng cam kết loại bỏ HFC theo khuôn khổ Nghị định thư Montreal với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 6 năm nay. Nỗ lực này cùng với động thái mới đây chính là cơ sở để lãnh đạo các nước xây dựng niềm tin nhằm đi đến thỏa thuận về một hiệp ước khí hậu thực sự hiệu quả vào năm 2015 và là nền tảng quan trọng cho việc hiện thực hóa mục tiêu đẩy lùi biến đổi khí hậu trong tương lai.


(*)Liên minh Khí hậu và Không khí sạch nhằm giảm các chất gây ô nhiễm khí hậu tồn tại trong thời gian ngắn – The Climate and Clean Air Coalition to Reduce Short-Lived Climate Pollutants (CCAC) do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và sáu quốc gia thành lập vào 16 tháng 2 năm 2012. Liên minh hoạt động với mục tiêu giảm nhanh chóng các chất gây ô nhiễm khí hậu ngắn hạn để bảo vệ sức khỏe con người, Liên minh đã nhận được cam kết tài trợ 16 tỷ USD từ Canada, Đan Mạch, Liên minh Châu Âu, Đức, Na Uy, Hà Lan, Thụy Điển và Mỹ thành lập vào 16 tháng 2 năm 2012.