Phú Yên không phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ

ThienNhien.Net – Lãnh đạo tỉnh Phú Yên khẳng định, tỉnh đã và đang nỗ lực rất nhiều để thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển, không có chuyện tỉnh này phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ quanh Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm.

“Là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn, điều kiện phát triển kinh tế còn hạn chế, tỉnh Phú Yên đã và đang nỗ lực rất nhiều để thu hút mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển. Chính vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân tỉnh Phú Yên cương quyết đấu tranh đến cùng trước những thông tin sai lệch, cố tình cản trở sự phát triển của địa phương”, ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên khẳng định.

Ông Lê Văn Trúc, Phó chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên
Ông Lê Văn Trúc, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Phú Yên

Gần đây, có ý kiến cho rằng, UBND tỉnh Phú Yên không tuân thủ luật pháp và chỉ đạo của Chính phủ xung quanh Dự án Đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm, cũng như việc điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô. Quan điểm của tỉnh về việc này thế nào, thưa ông?

Quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư của Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát để giao đất cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đầu tư xây dựng Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô là quyết định của tập thể lãnh đạo tỉnh Phú Yên, đã được Ban thường vụ Tỉnh ủy thông qua và được HĐND tỉnh thống nhất bằng nghị quyết.

Những quyết định này đều xuất phát từ việc cân nhắc để đảm bảo lợi ích của đất nước, nhân dân và sự phát triển lâu dài của địa phương.

Quy trình trên đã được tỉnh căn cứ vào Luật Đầu tư và theo đúng chủ trương của Chính phủ tại Thông báo số 52/TB-VPCP ngày 1/2/2013 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô.

Cơ sở pháp lý, cũng như chủ trương của tỉnh về vấn đề trên đã được UBND tỉnh thông tin rộng rãi đến các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương qua cuộc họp báo ngày 5/4/2013.

Tuy nhiên, gần đây, tác giả một số bài báo đã vô tình hay cố ý không hiểu chủ trương của Chính phủ và địa phương, thông qua việc đặt tít, đưa nội dung thông tin theo hướng phiến diện, thiếu khách quan, thiếu thiện ý.

Đặc biệt, có tác giả phân tích một cách võ đoán về số tiền đặt cọc của nhà đầu tư, tạo ra sự nghi ngờ, hiểu nhầm cho độc giả đối với cách giải quyết vấn đề của lãnh đạo địa phương, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh Phú Yên.

Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm do Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát làm chủ đầu tư đã treo nhiều năm, khiến người dân bức xúc. Dưới góc độ kinh tế, sự xuất hiện của Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Khu công nghiệp Hòa Tâm sau này?

Đúng vậy. Theo Luật Đầu tư, với việc chậm trễ đầu tư Dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm hơn 1 năm, làm chậm cơ hội thu hút các dự án đầu tư khác của địa phương, thì UBND tỉnh có đủ điều kiện để thu hồi dự án này. Nhưng với thiện chí của một cấp chính quyền địa phương muốn giữ chân các nhà đầu tư, nên tỉnh Phú Yên chưa tính đến việc thu hồi Dự án, mà chỉ có chủ trương điều chỉnh diện tích vốn quá lớn (hơn 2.000 ha) để giao một phần cho nhà đầu tư khác có năng lực thực hiện.

Tuy nhiên, nếu sắp đến, Hiệp Hòa Phát không tiếp tục triển khai dự án, thì UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi toàn bộ dự án này.

Theo giấy chứng nhận đầu tư, Hiệp Hòa Phát là nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Hòa Tâm. Nhưng đến nay, nhà đầu tư mới thực hiện bước nghiên cứu khảo sát lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000, chưa có quyết định thu hồi và giao đất, nên chưa thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng chưa đầu tư xây dựng bất kỳ công trình nào trong khu vực này…

Với tiến độ như vậy, vì lợi ích chung của địa phương, vì cuộc sống của hàng trăm hộ dân thuộc vùng Dự án, UBND tỉnh Phú Yên quyết định, không thể chờ đến khi Hiệp Hòa Phát làm xong quy hoạch trình duyệt, xây dựng hạ tầng theo giấy chứng nhận đầu tư mới kêu gọi đầu tư.

Như vậy sẽ bỏ qua rất nhiều cơ hội, ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế chung của tỉnh. Trong khi đó, Hiệp Hòa Phát lại cho rằng, chỉ có công ty mới có quyền kêu gọi đầu tư vào khu công nghiệp này là rất vô lý.

Việc UBND tỉnh Phú Yên tổ chức mời gọi đầu tư là theo thẩm quyền được pháp luật quy định, trên cơ sở khu công nghiệp này đã có quy hoạch chung được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1712/QĐ-TTg ngày 23/10/2009.

Việc này đã được Bộ Xây dựng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ trong báo cáo thẩm định Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô trước khi trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô đã thể hiện quyết tâm của mình trong việc triển khai Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô thông qua việc đặt cọc 5 triệu USD. Ông có thể nói rõ hơn về số tiền này?

Việc UBND tỉnh Phú Yên ký cam kết với Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, qua đó, Công ty sẽ chuyển 5 triệu USD ký gửi tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Phú Yên là theo yêu cầu của tỉnh để giữ niềm tin với nhau và khi nhà đầu tư không thực hiện Dự án, thì địa phương không bị thiệt thòi do chờ đợi, mất cơ hội kêu gọi nhà đầu tư khác.

Đây là thỏa thuận giữa 2 bên về một số nội dung để xin Chính phủ xem xét, quyết định. Trước đây, trong thời gian chưa có kết luận của Chính phủ, UBND tỉnh Phú Yên chưa thể công khai.

Mục đích sử dụng số tiền 5 triệu USD là dành cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, khi Dự án được phép triển khai.

Nếu Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô không triển khai đầu tư dự án theo cam kết, thì số tiền này sẽ được sung vào ngân sách tỉnh. Như vậy, khoản tiền 5 triệu USD là rất rõ ràng và minh bạch.

Có thông tin là, UBND tỉnh Phú Yên điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy Lọc dầu Vũng Rô đầu tháng 7 vừa qua là chưa thông qua ý kiến của các cơ quan chức năng?

Thông tin đó hoàn toàn không chính xác. Trước khi ký quyết định này, UBND tỉnh đã gửi văn bản dự thảo để xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành. Các bộ, ngành cũng đã có văn bản góp ý cho dự thảo này.

Đồng thời, ngày 25/3/2013, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, để cho ý kiến góp ý Dự thảo Giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh của Dự án (có biên bản họp đầy đủ).

Mãi đến ngày 1/7/2013, Chủ tịch UBND tỉnh mới ký giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh cho Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô.

Trên phương tiện truyền thông, Công ty cổ phần Hiệp Hòa Phát nhiều lần cho rằng, UBND tỉnh Phú Yên không phê duyệt quy hoạch cũng như chưa bồi hoàn thiệt hại khi điều chỉnh quy hoạch. Sự thật là thế nào, thưa ông?

Quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm do Hiệp Hòa Phát thuê đơn vị tư vấn lập có đề xuất bổ sung Trung tâm Điện lực Hòa Tâm không có trong Quy hoạch chung Xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được Chính phủ phê duyệt, nên phải lấy ý kiến của các bộ, ngành.

Về vấn đề này, Bộ Công thương đã có ý kiến tại Văn bản số 6620/BCT-TCNL ngày 23/7/2012 như sau: “Quy mô và khả năng liên kết lưới điện của dự án không thuận lợi trong giai đoạn 2016-2025, nếu như các trung tâm điện lực lớn của khu vực miền Trung vận hành đúng tiến độ của Quy hoạch Điện VII.

Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Nam Phú Yên
Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Nam Phú Yên

Việc bổ sung Trung tâm Điện lực Hòa Tâm trong giai đoạn 2016-2025 sẽ làm tăng độ dự phòng công suất của cả hệ thống trên 2,5% và của khu vực miền Trung trên 25%. Trong tình hình phát triển nguồn, lưới điện và nhu cầu tăng trưởng phụ tải hiện nay, quy mô của Trung tâm điện lực không nên vượt 2.400 MW và thời điểm xuất hiện không sớm hơn 2020”.

Như vậy, Hiệp Hòa Phát phải tiến hành điều chỉnh cơ cấu quy hoạch mới có thể trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Mặt khác, cũng chưa có ý kiến của Bộ Quốc phòng cho phép chuyển đổi 40 ha đất quốc phòng thuộc vị trí Kho ngầm chứa dầu thô dự trữ.

Ngày 21/3/2013, UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản số 797/UBND-ĐTXD gửi Hiệp Hòa Phát về việc điều chỉnh quy mô nghiên cứu quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 Khu công nghiệp Hòa Tâm, có yêu cầu Công ty bổ sung điều chỉnh lại quy mô và cơ cấu quy hoạch theo các thay đổi nêu trên.

Nhưng đến nay, Hiệp Hòa Phát vẫn chưa tiến hành điều chỉnh để trình các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét thẩm định, nên UBND tỉnh không thể phê duyệt được.

Liên quan đến vấn đề bồi hoàn thiệt hại, ngày 3/4/2013, UBND tỉnh Phú Yên đã làm việc với Hiệp Hòa Phát và đề nghị, việc yêu cầu giảm quy mô nghiên cứu quy hoạch đã ảnh hưởng đến việc nghiên cứu đầu tư của Hiệp Hòa Phát, UBND tỉnh có trách nhiệm bồi hoàn các chi phí trong quá trình đầu tư khảo sát, nghiên cứu lập quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật.

Để có cơ sở bồi thường thiệt hại, đề nghị Hiệp Hòa Phát có văn bản đề xuất để UBND tỉnh xem xét, bàn bạc, giải quyết. Tuy nhiên, đến nay, Hiệp Hòa Phát chưa có văn bản yêu cầu, đề xuất về việc này.

Dư luận trong nước rất bất ngờ với thông tin “tỉnh Phú Yên phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”. Ông có thể nói rõ hơn về việc này?

Vừa qua, Hội Luật gia Việt Nam cho biết, đã nhận được nhiều đơn kêu cứu của Hiệp Hòa Phát, nên có Văn bản số 233/HLGVN ngày 10/6/2013 gửi Thủ tướng Chính phủ.

Tại Văn bản số 5325/VPCP-V.I của Văn phòng Chính phủ ngày 2/7/2013, Phó thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã chỉ đạo, giao UBND tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành và các bên liên quan (mời Hội Luật gia Việt Nam dự) để xem xét, xử lý các nội dung phản ánh, kiến nghị của Hội theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2013.

Tuy nhiên, tháng 7/2013, lãnh đạo UBND tỉnh Phú Yên bận chủ trì một số cuộc họp quan trọng theo chương trình kế hoạch đã bố trí lịch và chuẩn bị nội dung trình kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 8 – khóa VI.

Ngày 29/7/2013, UBND tỉnh Phú Yên đã có Văn bản số 2377/UBND-ĐTXD gửi Hội Luật gia Việt Nam về việc sang tháng 8/2013 sẽ tổ chức họp về các vấn đề liên quan đến dự án Khu công nghiệp Hòa Tâm và mời Hội tham dự.

Như vậy, UBND tỉnh Phú Yên không phớt lờ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như thông tin đã đưa.