TP. HCM mất kiểm soát ô nhiễm không khí

ThienNhien.Net – Chín trạm quan trắc không khí tự động của TP.HCM đã xuống cấp và bị hư hỏng, cần phải đầu tư tu bổ hoặc thay thế để có những dự báo chính xác hơn về chất lượng không khí của TP hiện nay.

Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), đã đề nghị như thế tại buổi làm việc của đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội với TP.HCM về việc triển khai, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường trên địa bàn TP, sáng 30-7.

Quan trắc thiếu chính xác

Theo ông Tùng, Việt Nam đang đứng trong hàng “top ten” các nước bị ô nhiễm không khí, bụi của thế giới. Tình trạng ô nhiễm ở TP.HCM tuy chưa phải là quá trầm trọng nhưng cũng ở mức “báo động đỏ”. Dự thảo Báo cáo của UBND TP.HCM về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từ năm 2005 đến nay cũng cho hay: Ô nhiễm bụi là vấn đề đáng quan ngại đối với chất lượng môi trường không khí đô thị tại TP.HCM. Theo kết quả quan trắc ô nhiễm không khí giao thông, nồng độ bụi dao động từ 0,38 đến 0,93 mg/m3, 100% giá trị quan trắc bụi tại các tuyến đường giao thông chính ở TP không đạt chuẩn.

Ô nhiễm bụi là vấn đề đáng quan ngại đối với chất lượng môi trường không khí đô thị tại TP.HCM. Ảnh: HTD
Ô nhiễm bụi là vấn đề đáng quan ngại đối với chất lượng môi trường không khí đô thị tại TP.HCM (Ảnh: HTD)

Điểm đáng chú ý, dự thảo báo cáo trên cũng cho hay: Nồng độ bụi lại có xu hướng giảm tại các trạm quan trắc Hàng Xanh, Đinh Tiên Hoàng, Điện Biên Phủ, An Sương, Gò Vấp trong giai đoạn 2005-2012. Nồng độ NO­2, CO, chì cũng có xu hướng giảm dần tại các trạm quan trắc trong giai đoạn này. Tuy nhiên, ông Hoàng Dương Tùng cho rằng chín trạm quan trắc không khí tự động mà TP thiết lập từ năm 2000 đến nay đã quá cũ, hầu hết đã hư hỏng và “mấy tháng nay, TP.HCM không có báo cáo chính xác về hiện trạng không khí của TP”. Do đó, TP.HCM cần phải đầu tư tu bổ, thay mới các hệ thống quan trắc này.

Bên cạnh đó, ông Tùng cũng khuyến cáo TP.HCM cần đầu tư thêm hệ thống quan trắc nước tự động. Hiện nay, TP.HCM đã đặt nhiều trạm quan trắc nước tự động ở các khu công nghiệp và một số tuyến kênh chính nhưng nhiều khu kênh rạch, sông khác vẫn còn thiếu. Theo ông Tùng, việc sử dụng các trạm quan trắc tự động giúp kiểm soát tình hình một cách chặt chẽ hơn. Các trạm quan trắc này sẽ giúp cập nhật số liệu để kiểm soát trực tuyến nhằm phát hiện các địa chỉ gây ô nhiễm nhanh và chính xác hơn. Đại diện của Bộ Công Thương cũng cho rằng xây dựng hệ thống quan trắc tự động là vấn đề then chốt trong việc quản lý và bảo vệ môi trường hiện nay. Hệ thống kỹ thuật này sẽ đưa ra những con số trực quan để lãnh đạo địa phương hiểu rõ về thực trạng môi trường của mình và có những giải pháp hữu hiệu hơn.

Làm đã khó, giữ còn khó hơn

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín cho hay TP nhận thức rất rõ vấn đề phát triển bền vững. Vì thế, đi đôi với mục tiêu tăng trưởng kinh tế, TP rất quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Theo ông Tín, vấn đề bảo vệ môi trường của TP trong những năm qua tuy được cải thiện nhưng chưa tương xứng và chưa đáp ứng được yêu cầu. Song song với việc tiếp tục thực hiện nhiều chương trình, giải pháp giảm thiểu tiếng ồn, khói bụi, TP.HCM sẽ tập trung giải quyết ba vấn đề trọng tâm là: rác thải, nước thải và ô nhiễm kênh rạch.

Ông Tín cũng cho hay từ kết quả xử lý ô nhiễm ở kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, TP.HCM đang tiếp tục đầu tư, tập trung giải quyết tình trạng ô nhiễm ở các lưu vực kênh Bến Nghé – Tàu Hủ – Kênh Đôi – Kênh Tẻ và Tân Hóa – Lò Gốm… Việc giải quyết ô nhiễm kênh rạch tạo ra “lợi ích kép” là vừa bảo vệ môi trường, vừa giúp cho việc thoát nước chống ngập hữu hiệu hơn ở các địa bàn liên quan. Tuy nhiên, ông Tín cũng bày tỏ lo ngại trước tình trạng tái ô nhiễm từ việc vứt rác thải bừa bãi của bà con sống hai bên con kênh. Ông nói: “Để có được dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè hôm nay, TP.HCM đã nỗ lực rất nhiều trong 10 năm ròng rã. Nếu không giữ gìn, quản lý tốt thì dòng kênh sẽ trở về thực trạng trước đây”. Vì vậy, TP.HCM đang chỉ đạo các quận, huyện siết chặt công tác quản lý và vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ dòng kênh – môi trường sống của mình.

Di dời 1.300 cơ sở ô nhiễm

Trong 10 năm qua, TP.HCM đã di dời được khoảng 1.300 cơ sở (tập trung tại các quận 5, 6, 11) về các khu công nghiệp ở ngoại thành. Thành phố đang lên kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm còn lại.

Lưu ý hình thức xử lý nước thải phân tán

Theo ông Hoàng Dương Tùng, nước thải sinh hoạt mới là tác nhân gây ô nhiễm lớn nhất đối với các hệ thống sông (chiếm 60%-70%) trong đó có sông Sài Gòn – Đồng Nai chứ không phải chỉ nước thải ở khu công nghiệp. Do đó, song song với việc đầu tư các khu xử lý nước thải tập trung, cần có hình thức xử lý nước thải phân tán đến các hộ gia đình và khu dân cư.