Quảng Ngãi: Rừng phòng hộ bị đốn hạ, đốt cháy

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, một số diện tích rừng phòng hộ (RPH) tại các xã như Trà Nham, Trà Trung (huyện Trà Bồng), Sơn Bao (huyện Sơn Hà) bị người dân đốn hạ, đốt để lấy đất làm rẫy, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng bảo vệ rừng.

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi, trong tháng 2 – 3/2013, trên địa bàn xã Sơn Bao đã xảy ra tình trạng người dân phát, đốt rừng làm rẫy; Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương, chủ rừng (Ban quản lý RPH đầu nguồn Thạch Nham) và các ngành chức năng tiến hành kiểm tra hiện trường, lập hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật. Theo đó, diện tích RPH bị chặt phá trái phép ở xã này là 42.800m2, thuộc tiểu khu 206, chủ yếu là keo tai tượng được trồng từ năm 2004, với 18 hồ sơ vi phạm. Trong đó đã xác định được 1 đối tượng và đã xác lập 1 hồ sơ vi phạm, còn lại 17 hồ sơ vi phạm đến nay chưa xác định được đối tượng.

Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản
Ảnh: Báo điện tử Đảng cộng sản

Ngoài ra, cũng có một số trường hợp người dân ở khu tái định cư thôn 4 và tổ 1, thôn 1, xã Trà Thuỷ (huyện Trà Bồng) thuộc dự án thuỷ điện Hà Nang phá rừng để lấy đất sản xuất. Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi đã kiểm tra hiện trường, lập 16 hồ sơ vi phạm để xử lý theo quy định, với diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá là 8.720m2, trong đó có 5.550m2 rừng sản xuất thuộc hai tiểu khu 35 và 36 (do UBND xã Trà Thuỷ quản lý) và 3.170m2 RPH (do Ban quản lý RPH Trà Bồng quản lý).

Tính chung từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã xảy ra 47 vụ phá rừng, với diện tích bị phá là 80.633m2, trong đó, đã xử lý 20 vụ, còn lại 27 vụ đang thụ lý hồ sơ chờ xử lý.

Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ngãi thừa nhận: Việc để xảy ra tình trạng người dân phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn tỉnh nói chung và ở xã Sơn Ba nói riêng, trước hết trách nhiệm thuộc Sở, trực tiếp là Chi cục Kiểm lâm và chủ rừng (Ban quản lý RPH Thạch Nham). Thực tế thấy, tình trạng phá rừng trái phép dưới nhiều hình thức và mục đích khác nhau đang diễn ra hết sức phức tạp, gây khó khăn cho các cấp chính quyền cũng như cơ quan chức năng trong công tác quản lý, do đó, Sở đề nghị các ngành và địa phương tích cực tham gia phối hợp nhằm hạn chế tình trạng phá rừng.

Đồng thời, để hạn chế tình trạng phá rừng, bảo vệ có hiệu quả diện tích RPH, Sở cũng đề xuất các giải pháp như đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giao đất, giao rừng, đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT sửa đổi, bổ sung các chính sách hưởng lợi từ rừng cho người dân địa phương, tạo điều kiện cho bà con tham gia các hoạt động sản xuất lâm nghiệp, nông – lâm kết hợp. Các cấp chính quyền và chủ rừng phải xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả các kế hoạch hoạt động, phương án bảo vệ rừng từng năm, từng giai đoạn trên phạm vi địa phương mình quản lý. Chủ rừng tăng cường lực lượng và trang thiết bị để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng đối với diện tích rừng đã được giao; xác định cho được các vùng trọng điểm, các điểm nóng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cháy rừng để có phương án bảo vệ rừng cụ thể.

Chỉ đạo lực lượng kiểm lâm thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn được phân công, kịp thời phát hiện và ngăn chặn có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng, không để xảy ra tình trạng lợi dụng lấy đất sản xuất mà xâm hại đến tài nguyên rừng; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.