Thiếu hỗ trợ, khó chuyển sang loại xe nhiên liệu sạch

ThienNhien.Net – Nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ thì khó chuyển đổi xe chạy xăng và dầu diesel sang các loại xe chạy bằng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Đây là ý kiến của một số chuyên gia giao thông tại Diễn đàn Việt Nam – Hàn Quốc về phương tiện vận tải sử dụng khí thiên nhiên năm 2013 diễn ra ngày 27/6 tại TP. Hồ Chí Minh.

TP. HCM hiện đã đưa vào sử dụng 21 xe buýt CNG (Ảnh: Anh Quân)

Bà Trịnh Thị Bích Thủy, Trung tâm Môi trường và Phát triển giao thông Vận tải, cho biết 90% nhiên liệu cho giao thông vận tải đang sử dụng hiện nay là xăng và dầu diesel. Nhiên liệu thân thiện với môi trường mới chỉ được thí điểm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Việt Nam cũng đang khuyến khích chuyển xe buýt, xe taxi sang sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên nén, khí hóa lỏng để thay thế cho xăng dầu đang sử dụng, với mục tiêu đạt 20% số xe sử dụng nhiên liệu khí tự nhiên vào năm 2020.

Việc phát triển các loại xe thân thiện với môi trường là rất cần thiết. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam việc phát triển nguồn năng lượng thân thiện với môi trường và trang bị các loại xe chạy khí thiên nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn do không có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Hiện hệ thống cung cấp nhiên liệu vẫn đang thiếu. Theo thống kê tại Hà Nội, chỉ có một trạm cung cấp LPG cho 30 xe taxi, Đà Nẵng có 2 trạm LPG cho taxi và xe máy, còn TP. Hồ Chí Minh có 3 trạm cung cấp khí CNG cho xe buýt.

Bên cạnh đó, cũng thiếu tiêu chuẩn định mức đối với phương tiện sử dụng LPG hoặc CNG (loại năng lượng từ thiên nhiên). Ngoài ra, việc thiếu cơ chế hỗ trợ tài chính, thuế từ Chính phủ khiến việc chuyển đổi rất khó khăn, bà Thủy cho biết.

Trong khi, ông Kuk Hyun Soo, Phó Vụ trưởng Vụ Giao thông Môi trường, Bộ Môi trường Hàn Quốc, cho biết, ở Hàn Quốc, Chính phủ trợ cấp tiền để mua xe buýt CNG, trong đó Trung ương hỗ trợ 50% và địa phương hỗ trợ 50%.

Khi chuyển sang dùng khí CNG, doanh nghiệp được trợ giá nhiên liệu được vay vốn để xây trạm cung cấp CNG, quy mô khoản vay tùy thuộc vào quy mô trạm. Ví dụ, trạm di động được vay 178.000USD. Thời gian trả nợ từ 5 – 10 năm, tùy theo tỷ lệ lãi suất được thỏa thuận.

Ngoài ra, khi chuyển sang xe chạy khí CNG còn được miễn thuế VAT, thuế và phí trước bạ đối với phương tiện vận tải với mức 13.967USD/xe; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp đối với trạm CNG với mức 17.849USD/trạm.

Ông Kuk Hyun Soo cho biết chính vì có sự hỗ trợ này nên đã khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang phương tiện sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường. Ông cũng cho rằng để thay thế các xe chạy xăng và dầu sang nhiên liệu sạch, Chính phủ Việt Nam cần hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách và tài chính.

Trao đổi thêm với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp hợp tác xã vận tải TP. Hồ Chí Minh (đơn vị đang vận hành xe buýt CNG), cho biết khi nhập khẩu loại xe buýt chạy CNG, đơn vị ông không được hưởng bất kỳ một ưu đãi nào về thuế nhập khẩu cũng như việc vay vốn để đầu tư, trong khi thành phố khuyến khích các đơn vị vận tải đầu tư xe chạy CNG để giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Hải cho biết thêm ngay cả khoản tiền chênh lệch nhờ tiết kiệm nhiên liệu do sử dụng xe chạy CNG cũng không được chấp thuận bởi các cơ quan cho rằng chưa có cơ sở để tính khoản chênh lệch này.

Theo ông Hải, nếu không có những chính sách hỗ trợ thì rất khó để khuyến khích doanh nghiệp chuyển sang loại xe thân thiện với môi trường.

Qua quá trình thí điểm xe buýt sử dụng khí CNG, Sở Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh cho biết, xe buýt chạy CNG có nhiều ưu điểm so với xe chạy dầu diesel như động cơ vận hành êm, không có bụi và khói đen, giảm các khí thải độc hại. Lượng khí thải gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người do xe chạy bằng khí CNG thải ra giảm đến 53% so với xe chạy dầu diesel, ngoài ra chi phí nhiên liệu cũng giảm 30 – 45%.