Tái cơ cấu ngành lâm nghiệp: Sẽ giải tán nhiều công ty lâm nghiệp

ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Bá Ngãi – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho rằng, đây là hệ quả và xu thế tất yếu khi các công ty lâm nghiệp làm ăn không hiệu quả…

Thưa ông, Bộ NNPTNT đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, ông có thể cho biết cụ thể đề án này? 

– Chúng tôi đã xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp và được Bộ trưởng Bộ NNPTNT phê duyệt. Theo đề án, sẽ tập trung vào 4 nội dung chính: Tái cơ cấu lại 3 loại rừng trong 16,24 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp theo hướng xác định rõ lại khoảng 2 triệu ha rừng đặc dụng sẽ được tiến hành bảo vệ nghiêm ngặt. Tiến hành giảm một phần diện tích rừng phòng hộ (ở dạng ít xung yếu) sang sản xuất, kinh doanh tương tự như với loại rừng sản xuất, nâng cao diện tích rừng sản xuất (50% toàn bộ diện tích rừng); nâng cao giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất lâm nghiệp đến chế biến và thương mại…

Vườn cây giống của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy tại huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk (Ảnh minh họa: Dân Việt)
Vườn cây giống của Công ty Lâm nghiệp Ea Wy tại huyện Ea H’Leo, Đăk Lăk (Ảnh minh họa: Dân Việt) 

Chúng tôi cũng nhấn mạnh cấu trúc lại các công ty lâm nghiệp, bao gồm các loại lâm trường quốc doanh (LTQD) như: LTQD thực hiện hạch toán theo Luật Doanh nghiệp, sẽ hướng tới cổ phần hóa; LTQD thực hiện các nhiệm vụ công ích do Nhà nước đặt hàng (quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…). Theo đó, đối với các LTQD hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ sẽ phải giải thể. Đồng thời củng cố lại hệ thống ban quản lý các loại rừng theo hướng các đơn vị sự nghiệp có thu… Ngành cũng sẽ tái cơ cấu lại đầu tư trong ngành lâm nghiệp theo hướng giảm nguồn vốn đầu tư từ Nhà nước, huy động chủ yếu nguồn vốn xã hội hóa. Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào bảo vệ khoảng 2,2 triệu ha rừng đặc dụng; đầu tư cho rừng phòng hộ: 50 – 60%…

Để “hiện thực hóa” đề án, ngành lâm nghiệp sẽ đột phá vào những vấn đề gì?

– Ngành lâm nghiệp sẽ tiến hành quy hoạch, rà soát hệ thống lâm nghiệp từ việc quy hoạch rừng, mạng lưới chế biến, vùng nguyên liệu, các tổ chức quản lý công ty lâm nghiệp, toàn bộ hệ thống các ban quản lý rừng… Trong triển khai thực tiễn, Chính phủ đã cho ngành lâm nghiệp, Bộ NNPTNT triển khai tổng dự án tổng điều tra tài nguyên rừng và đã làm thí điểm tại 2 tỉnh Bắc Kạn, Hà Tĩnh. Năm nay, dự án đang triển khai tại 13 tỉnh Tây Nguyên, 8 tỉnh tại ĐBSCL. Các tỉnh còn lại sẽ triển khai ở các năm tiếp theo.

Trong số 148 công ty lâm nghiệp, sẽ có nhiều công ty phải giải tán (do hoạt động không hiệu quả, thua lỗ). Các công ty đầu đàn muốn tiếp tục khẳng định chỗ đứng của mình cần phải chuyển đổi, từng bước tiến tới cổ phần hóa.

Bên cạnh đó, sẽ tiến hành quy hoạch mạng lưới chế biến, rà soát lại 148 công ty lâm nghiệp, 256 ban quản lý rừng; xem xét lại khâu giống; các đề tài, công trình nghiên cứu sẽ tập trung vào các giống cho năng suất cao. Mỗi vùng sẽ chọn 1 loại cây trồng chính, phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu… Đưa một số loại lâm sản ngoài gỗ có ưu thế vào sản xuất như các loại lâm sản cho tinh dầu, tre nứa, cây dược liệu, các loại cây cho thực phẩm (hồi, quế, song mây…).

Nhưng thực tế, giá trị thu từ rừng, chế biến lâm sản chưa tương xứng với tiềm năng; ngành lâm nghiệp sẽ tham mưu giải quyết với Bộ NNPTNT và Chính phủ như thế nào?

– Thực tế, chúng tôi đang triển khai theo hướng giảm chế biến, xuất khẩu thô, khuyến khích việc quy hoạch mạng lưới chế biến, liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài, đẩy mạnh áp dụng KHKT để chế biến sâu, tăng giá trị cho sản phẩm. Yêu cầu đối với ngành chế biến hiện nay là từng bước hạn chế việc nhập khẩu gỗ để thay bằng sản phẩm, nguyên liệu trong nước… sử dụng phương pháp biến tính gỗ, biến gỗ có chất lượng thấp thành gỗ có chất lượng cao (áp dụng các cây như bạch đàn, keo…). Đây là công nghệ đã được nghiên cứu ở Việt Nam và sắp tới sẽ đưa vào áp dụng trong sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm xuống thấp hơn các loại gỗ nhập khẩu.

Để sử dụng tổng hợp, khai thác tối đa tiềm năng từ rừng, ngành lâm nghiệp xác định không tuyệt đối hóa chức năng của 3 loại rừng mà cần phải có sự kết hợp, đan xen phù hợp. Rừng phòng hộ phải đảm nhiệm thêm chức năng sản xuất, phải có nguồn thu nhất định. Rừng sản xuất phải đảm bảo chất lượng đất, chống xói mòn, bảo vệ sự đa dạng sinh học…

Chủ trương giao đất- giao rừng cho dân là đúng đắn nhưng trên thực tế, “những người gác rừng” là những người dân gắn bó cả cuộc đời với rừng lại chưa được hưởng lợi. Ông đánh giá về thực tế này như thế nào và trong thời gian tới, ngành lâm nghiệp giải quyết vấn đề này ra sao? 

– Thực tế có 2 yếu tố khiến người dân mất lợi thế khi nhận đất chuyển giao từ doanh nghiệp là: Các công ty lâm nghiệp chỉ chuyển giao đất cho người dân những vùng đất cằn cỗi, vùng sâu, vùng xa, địa hình không thuận lợi. Nếu đất có rừng, chủ yếu là loại rừng nghèo, trữ lượng thấp… Khi chuyển đổi, bàn giao đất rừng cho dân, thiếu kèm theo những hướng dẫn, những hỗ trợ cho dân về kỹ thuật, tập huấn, giống cây, thị trường… dẫn đến tình trạng dân làm nhưng hiệu quả thấp, sản phẩm không có, họ chán và đất đai dần bị bỏ hoang. Đây là khuyết điểm của các doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn của chính quyền địa phương khi không xây dựng được các biện pháp hỗ trợ, quan tâm kịp thời đến người dân sau quá trình bàn giao đất. Sắp tới chúng tôi yêu cầu các công ty lâm nghiệp phải xây dựng được các chương trình để đánh giá về chất lượng đất, có những biện pháp cụ thể để hỗ trợ người dân.

Xin cảm ơn ông!