Bài toán điện tái tạo – Kỳ 2

Áp dụng mô hình hợp tác công tư

ThienNhien.Net : Trong điều kiện khó khăn về vốn và kinh nghiệm quản lý, Việt Nam nên tham khảo và áp dụng mô hình hợp tác công-tư để giải bài toán điện tái tạo

 Hiện nay mức nợ công của Việt Nam tăng đáng báo động, điều này tạo gánh nặng và áp lực lên ngân sách quốc gia trong việc quyết định đầu tư vào hạ tầng ngành điện tái tạo. Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Năng lượng, Việt Nam phải chi trung bình khoảng 6,19 tỉ USD/năm (giai đoạn 2011-2030) cho dự án Quy hoạch điện quốc gia, trong khi tài chính của Tập đoàn Điện lực VN (EVN) luôn trong tình trạng khó khăn, mất cân đối.

Hai thách thức lớn trong đầu tư

Sở dĩ Việt Nam vẫn chưa thể tiến mạnh trong cuộc chơi năng lượng tái tạo là do vấp phải sự cản ngại lớn về vốn đầu tư và kinh nghiệm quản lý hệ thống.

Yêu cầu về vốn trong đầu tư ngành năng lượng tái tạo là rất lớn. Điển hình trong lĩnh vực sản xuất pin mặt trời, năng lượng gió, chỉ tính riêng việc chuẩn bị hạ tầng, xây dựng nhà máy sản xuất điện đã chiếm hàng tỉ USD. Bên cạnh đó, giá cả nguồn nguyên tố silicium để chế tạo một pin mặt trời được dự báo là sẽ tăng lên trong tương lai, từ 60 USD/kg vào năm 2007 lên đến 67 USD/kg vào năm 2015. Bên cạnh đó, nhà sản xuất đầu tư phải chi tiêu cho các hoạt động dịch vụ (hậu mãi, bảo hành, chăm sóc khách hàng), tiền trả cho lao động…

Theo số liệu dẫn từ tập đoàn năng lượng mặt trời hàng đầu của Mỹ First Solar, giá thành mỗi tấm pin mặt trời khoảng 100-150 USD. Với mức giá trên, không phải nhà đầu tư nào cũng có khả năng “mạo hiểm bỏ ra” khi rất ít nhu cầu được tìm thấy trên thị trường Việt Nam. Đó là chưa tính đến mức cạnh tranh khốc liệt từ pin mặt trời Trung Quốc – quốc gia vượt mặt Đức và một số nước trong việc sản xuất và phân phối pin mặt trời giá rẻ ở thị trường châu Á và nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, vấn đề quản lý hệ thống, vận hành hệ thống điện tái tạo vẫn còn là thách thức lớn đối với Việt Nam. Thực tế cho thấy có rất nhiều khâu cần triển khai trong đầu tư và sử dụng điện tái tạo như thu hút đầu tư, triển khai dự án, đưa điện tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia, hỗ trợ người tiêu dùng, vận hành hệ thống nhà máy… Tất cả giai đoạn trên cần được lập thành lộ trình thích hợp sau thời gian nghiên cứu, thí điểm hợp lý. Việc tiếp thu kinh nghiệm quản lý và triển khai dự án điện tái tạo từ các quốc gia đi trước là điều rất quan trọng mà với Việt Nam hiện nay, đây vẫn còn là thách thức rất lớn.

Hàng tuabin điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: TRẦN VŨ
Hàng tuabin điện gió ở Bạc Liêu. Ảnh: TRẦN VŨ

Giải pháp hợp tác công-tư

Việc ứng dụng mô hình hợp tác công-tư (PPP) trong đầu tư năng lượng tái tạo giải quyết được cả hai vấn đề: vốn đầu tư lẫn kinh nghiệm quản lý vận hành hệ thống điện tái tạo.

Thứ nhất, PPP là chất kết dính giữa nhà nước (đảm bảo chính sách, quản lý và môi trường đầu tư) cùng nhà đầu tư tư nhân (đảm bảo về vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý). Như vậy, khi “túi tiền” công đang gặp khó thì việc tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi từ người dân và các nhà đầu tư quốc tế là một giải pháp ưu việt.

Thứ hai, chính sự xuất hiện của yếu tố tư nhân nên mọi thông tin, chính sách trong đầu tư năng lượng sẽ đảm bảo được tính minh bạch, rõ ràng do cả hai đều muốn đảm bảo lợi ích của mỗi bên và lợi ích chung. Bên cạnh đó, không ít nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam với sự chuẩn bị rất kỹ về các mô hình xây dựng hạ tầng, đầu tư, chuyển giao cùng nguồn nhân lực có chất lượng để đảm bảo việc quản lý và thực hiện lộ trình của dự án đầu tư.

Hơn nữa, điều quan trọng nhất là hệ thống điện tái tạo có thể được tiếp cận dễ dàng hơn từ phía người dân do điện được hai bên cùng đầu tư, cùng nhau gánh một phần giá cả cho người tiêu dùng. Thế nên trong phương thức PPP này, cả ba bên nhà nước, nhà đầu tư và người tiêu dùng đều có lợi trong ngắn hạn lẫn dài hơi.

Vai trò nhạc trưởng của Nhà nước

Dù biết PPP là một giải pháp tất yếu cho ngành điện tái tạo nhưng việc đầu tư PPP tại Việt Nam vẫn đang còn gặp những khó khăn đáng kể, điển hình là những khúc mắc trong khâu chính sách khuyến khích đầu tư.

Với vai trò là người điều phối, Nhà nước phải làm một lúc hai chức năng: Một là thu hút, thuyết phục, hấp dẫn các nhà đầu tư chịu bỏ số vốn khổng lồ vào đầu tư ngành năng lượng tái tạo, cũng như bảo đảm đầu ra cho giá điện tái tạo để nhà đầu tư có lợi nhuận. Hai là Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện tiếp cận và sử dụng nguồn điện tái tạo giá rẻ trong thời gian dài.

Muốn thế, Nhà nước phải có những chính sách phù hợp và nguồn lực to lớn. Trong khi đó, Tờ trình số 57/TTr-CP ngày 3-4-2012 của Chính phủ trình Quốc hội cùng với Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi vẫn còn khá mơ hồ và thiếu chi tiết trong khuyến khích đầu tư năng lượng tái tạo. Điều này khiến các nhà đầu tư nước ngoài còn nhiều băn khoăn, đặc biệt khi họ phải rót một lượng tiền lớn để đầu tư vào ngành. Thế nên không ít các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế góp ý cần phải bổ sung thêm chương “Đầu tư năng lượng tái tạo” vào Luật Điện lực sửa đổi để tạo sự yên tâm và hào hứng cho giới đầu tư.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư tư nhân vẫn chưa có những chính sách mang tính thuyết phục cao đối với nhà đầu tư công. Nghĩa là các nhà đầu tư tư nhân, đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài, vẫn xem năng lượng tái tạo là ngành “béo bở” và chú ý nhiều đến lợi nhuận hơn là tập trung xây dựng đề xuất để thuyết phục Chính phủ. Những “dự án tỉ đô” nhưng thiếu chính sách đề xuất, thiếu lộ trình chi tiết, thiếu công trình thí điểm sẽ khó thuyết phục được Nhà nước chấp thuận những chính sách hỗ trợ phù hợp.

Như vậy, để có thể sử dụng PPP như một quân bài chiến lược trong đầu tư và phát triển điện tái tạo, Nhà nước nhất thiết phải làm trung tâm trong mọi hoạt động nghiên cứu thông tin, kinh nghiệm về mô hình PPP. Từ đó, Nhà nước ban hành chính sách thu hút đầu tư, đảm bảo lợi ích các bên tham gia, đảm bảo nguồn lực cho đầu tư vào ngành điện tái tạo hiện nay và trong nhiều năm tới.

Tiềm năng bị đóng băng

Câu chuyện tập đoàn năng lượng First Solar (Mỹ) tuyên bố rút đầu tư dự án pin mặt trời 1,2 tỉ USD sau một thời gian nghiên cứu, “động thổ” tại Việt Nam khiến giới khoa học, chuyên gia và người dân đắng lòng trước tiềm năng bị đóng băng. Theo thống kê mới nhất về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam (các dự án còn hiệu lực đến ngày 20-6-2012) của Cục Đầu tư nước ngoài, trong tổng số các dự án 100% vốn nước ngoài thì hợp đồng BTO, BOT, BT chỉ chiếm 1,28% (14 dự án) đã thể hiện sự ngần ngại của nhà đầu tư tư nhân đối với Nhà nước.

Giá điện tái tạo vẫn chưa rẻ

Khâu hỗ trợ người tiêu dùng trong sử dụng điện tái tạo ở Việt Nam cũng còn chuyện phải bàn. Chính sách hỗ trợ tự sản xuất và tiêu dùng điện tái tạo vẫn còn “im hơi bặt tiếng” khi giá điện tái tạo vẫn chưa đủ rẻ để người dân có thể sử dụng thay thế nguồn thủy điện hiện nay. Việc chưa thể “kích cầu” của Nhà nước khiến đầu ra sản phẩm điện tái tạo của nhà đầu tư gặp khó khăn do sự bất đối xứng về cung-cầu. Như vậy, dẫu có người chịu đầu tư thì điện bán ra cũng không ai dùng và khả năng “chết yểu” là điều khó tránh khỏi.Không ít các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế góp ý cần phải bổ sung thêm chương “Đầu tư năng lượng tái tạo” vào Luật Điện lực sửa đổi để tạo sự yên tâm và hào hứng cho giới đầu tư.

Đan Mạch được biết đến như cường quốc số một về điện gió. Năm 2012, có đến 33,8% lượng điện của Đan Mạch được sản xuất từ năng lượng gió trên mặt đất và trên biển. Họ đã làm thế nào để có được thành quả này? Kỳ tới: Bài học từ những cường quốc điện tái tạo