“Đói năng lượng” sẽ tiếp tục là thách thức toàn cầu

ThienNhien.Net – Tuy rằng trong hai thập kỷ qua, loài người đã đạt được những thành quả to lớn trong việc tiếp cận nguồn điện năng trên phạm vi toàn cầu, song các chính phủ và các tổ chức phát triển vẫn phải không ngừng đầu tư vào điện khí hóa nhằm cải thiện y tế, môi trường và các cơ hội sinh kế cho người dân. Đây cũng chính là thông điệp mà Viện Quan sát Thế giới (Worldwatch Institute) truyền đi thông qua báo cáo nghiên cứu mới nhất.

Không thể phủ nhận giai đoạn 1990 – 2008, thế giới đã có gần 2 tỷ người được tiếp cận nguồn điện, nhưng theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vẫn còn hơn 1,3 tỷ người chưa được tiếp cận điện năng và theo như Liên Hợp quốc (UN) ước tính thì còn có 1 tỷ người khác đạt được sự tiếp cận điện năng, song thiếu bền vững.

Chưa hết, hiện đang có ít nhất 2,7 tỷ người, thậm chí con số có lẽ là trên 3 tỷ người, không được tiếp cận với các nhiên liệu nấu ăn và sưởi ấm hiện đại. Thay vào đó, họ phải sống dựa vào các nguồn sinh khối truyền thống mà khi đốt cháy có khả năng phát thải những chất gây ô nhiễm không khí ngay trong nhà như củi, than, phân bón và các phần “dư thừa” của mùa vụ. Những chất này chính là nguyên nhân dẫn đến gần 2 triệu trường hợp tử vong sớm mỗi năm, trong đó ước tính tới 44% là trẻ em.

Ngoài ra, việc sử dụng năng lượng truyền thống cũng góp phần vào các tác động môi trường, bao gồm suy thoái rừng và đất rừng, xói mòn đất, phát thải các-bon đen…, làm trầm trọng hơn cho thảm họa khí hậu mà loài người đang phải đối mặt.

Tình trạng nấu ăn bằng than, củi... vẫn hết sức phổ biến ở Ethiopia, kéo theo các căn bệnh về đường hô hấp (Ảnh: Lynn Johnson/National Geographic)

Nhằm thúc đẩy đối phó với tình trạng “đói” năng lượng – một thách thức lớn mang tính toàn cầu, Đại Hội đồng Liên Hợp quốc đã chọn năm 2012 là Năm Quốc tế về Năng lượng Bền vững, tạo cơ hội nâng cao nhận thức cộng đồng về quy mô và những tác động của công cuộc điện khí hóa đối với cuộc sống con người.

Ngày càng có nhiều chính phủ, cơ quan quốc tế, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp đang chứng tỏ nỗ lực muốn thoát khỏi tình trạng thiếu năng lượng. Họ tập trung chủ yếu vào vấn đề sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo mà điển hình là năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Tính đến nay, đã có 68 nước đang phát triển thông qua mục tiêu chính thức cải thiện cơ hội tiếp cận điện năng cho người dân; 17 nước đặt mục tiêu cung cấp cho người dân nguồn nhiên liệu hiện đại và 11 quốc gia quyết tâm đạt được sự tiếp cận với các bếp đun cải tiến.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, trong năm 2009, thế giới đã đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD cho thúc đẩy việc tiếp cận với các dịch vụ năng lượng hiện đại như điện năng hay loại nhiên liệu nấu nướng sạch. Mặc dù vậy trong tương lai, lượng đầu tư trung bình hàng năm sẽ cần tăng lên 48 tỷ USD trên quy mô toàn cầu thì may ra các quốc gia đang phát triển và kém phát triển mới có cơ hội tiếp cận toàn diện với năng lượng hiện đại.

Theo thống kê, nơi có số dân lớn nhất thiếu sự tiếp cận điện năng rơi vào khu vực châu Phi cận Sahara và Nam Á. Cộng gộp lại, hai khu vực này chiếm tới trên 80% tổng số dân không được tiếp cận đầy đủ với việc sử dụng điện năng. Bên cạnh đó, nơi có số dân lớn nhất sống dựa vào nguồn năng lượng từ sinh khối truyền thống đều thuộc các khu vực đang phát triển ở châu Á, riêng Ấn Độ đã chiếm 836 triệu người. Tựu chung lại, có khoảng 54% số dân châu Á sống dựa vào các nguồn năng lượng này. Tương phản với bức tranh trên, mức độ tiếp cận điện năng ở Mỹ Latin về cơ bản khá cao, vào khoảng 93,2%, chỉ riêng Haiti vẫn còn nằm ngoài luồng khu vực với tỷ lệ tiếp cận khiêm tốn là 39%. Đáng lưu ý, ở các quốc gia đang phát triển, điện khí hóa có sự khác biệt rất lớn giữa nông thôn và thành thị. Chẳng hạn, tại khu vực châu Phi cận Sahara, tỷ lệ điện khí hóa nông thôn mới chỉ đạt 14%, trong khi tỷ lệ này ở đô thị lên tới 60%.