Hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch

ThienNhien.Net – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp, hỗ trợ UBND Thành phố Hồ Chí Minh hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của Thành phố giai đoạn 2013-2020 theo yêu cầu của Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia.

Để hoàn thiện Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục nghiên cứu, làm rõ yếu tố thị trường trong phát triển các sản phẩm vi mạch, đặc biệt là nhu cầu đối với các sản phẩm vi mạch cụ thể trong nước, các lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, những bài học thực tiễn về phát triển ngành công nghiệp vi mạch của các nước Châu Á, qua đó khẳng định sự cần thiết và tất yếu của Chương trình.

Đồng thời tiếp tục hoàn thiện nội dung các đề án, dự án cụ thể trong Chương trình như các dự án xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch, nhà thiết kế, ươm tạo công nghệ, phát triển thị trường vi mạch, đào tạo nhân lực, thể hiện tính liên kết của đề án, làm cho Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của Thành phố Hồ Chí Minh có tính hiệu quả và tự phát triển bền vững; làm rõ định hướng các nhóm sản phẩm, các giải pháp giảm thiểu rủi ro và phân tích, dự báo hiệu quả kinh tế của Chương trình với Thành phố và cả nước.

Bên cạnh đó tăng cường tính liên kết, phối hợp trong triển khai thực hiện Chương trình của Thành phố với các Chương trình quốc gia về khoa học và công nghệ như Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Chương trình quốc gia đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin đến năm 2020.

Giai đoạn 2013-2020, Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu thu hút ít nhất 5 tập đoàn quốc gia về lĩnh vực vi mạch điện tử đầu tư và hoạt động tại Thành phố; ươm tạo khoảng 25 doanh nghiệp khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, xây dựng nhà máy chế tạo vi mạch đầu tiên của cả nước với công xuất khoảng 1,8 tỷ con chip/năm; đào tạo được khoảng 2.000 kỹ sư, kỹ thuật viên hoạt động trong lĩnh vực vi mạch điện tử.