Xử lý tranh chấp nguồn nước: Có thể kiện ra tòa

ThienNhien.Net – Ngày 12/4, tại buổi họp báo do Bộ TN-MT tổ chức, ông Lê Hữu Thuần, Cục phó Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, nếu hòa giải không thành công trong việc xử lý tranh chấp nguồn nước, các bên liên quan có thể “đâm đơn” nhờ tòa án giải quyết.

Ông Thuần lưu ý, trong luật Tài nguyên nước 1998 và luật Tài nguyên nước mới được ban hành tháng 6/2012, khẳng định, mọi tổ chức cá nhân đều có quyền tiếp cận nguồn nước nhưng không được tự ý ngăn chặn, chuyển đổi làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân sử dụng nước khác có chung nguồn nước.

Việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác, từ nhánh sông này sang nhánh sông khác phải tuân theo quy định và dựa vào chiến lược quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và các ngành liên quan, đánh giá khả năng nguồn nước, nhu cầu sử dụng nước, khả năng ảnh hưởng của việc chuyển nước đến khai thác sử dụng nước, duy trì dòng chảy, đặc biệt trong kiểm soát lũ, dòng chảy mùa cạn và các lợi ích khác.

“Việc chuyển nước này, nhất thiết phải có ý kiến của Bộ TN-MT, pháp luật đã quy định rõ như vậy”, ông Thuần nói.

Thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: saigonnews.vn)
Thủy điện Sông Tranh 2 (Ảnh: saigonnews.vn)

Trên thực tế, theo ông Thuần, đã từng có việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác, trong đó có sự kiện thủy điện Đắk Mi 4 chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn. Hiện nay, hơn 1,7 triệu dân Quảng Nam, Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt, ngoài liên quan đến việc xả nước của thủy điện Đắk Mi 4 còn là do tình hình xả nước của các thủy điện khác trên lưu vực sông và khô hạn đang diễn ra nghiêm trọng, nguồn nước đến các hồ bị hạn chế đáng kể.

“Việc chuyển nước từ lưu vực sông này sang lưu vực sông khác, cần cân nhắc đến nhiều vấn đề, phải đem lại lợi ích cho nhiều bên, ảnh hưởng ít nhất đến đời sống dân sinh và nếu ảnh hưởng đến đời sống dân sinh thì phải có giải pháp thỏa đáng”, ông Thuần cho biết.

Về cơ chế giải quyết tranh chấp tài nguyên nước, viện dẫn Điều 76, Chương 9 của luật Tài nguyên nước năm 2012, ông Thuần cho biết, nhà nước khuyến khích giải quyết các tranh chấp này bằng biện pháp hòa giải, nếu hòa giải bất thành các bên liên quan có thể “đâm đơn” ra tòa án nhờ phân giải theo pháp luật.