Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A: Chủ đầu tư cố biện minh

ThienNhien.Net – Trong khi chủ đầu tư cho rằng việc xây dựng 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A sẽ phá những khu rừng nghèo của Vườn Quốc gia Cát Tiên để tạo hệ sinh thái thủy vực mới thì các nhà khoa học vẫn phản ứng quyết liệt.

Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, chủ đầu tư 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, vừa gửi báo cáo phản hồi thông tin liên quan 2 dự án đến HĐND tỉnh Đồng Nai.

Các nhà khoa học khảo sát thực địa trên khu vực dự kiến của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A
Các nhà khoa học khảo sát thực địa trên khu vực dự kiến của 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A

Có một không hai!

Theo chủ đầu tư, trong phạm vi sử dụng đất của các dự án này không có dân cư và đất nông nghiệp nên không phải đền bù nhà cửa, đất nông nghiệp (chỉ hỗ trợ đền bù hoa màu cho 2,9 ha do người dân xâm canh) và không phải di dân, tái định cư. Đây là ưu điểm lớn mà hầu như không có ở các dự án thủy điện lớn khác trên cả nước.

Ông Trần Văn Mùi, Phó trưởng Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Đồng Nai, nói hơn 370 ha xây dựng dự án hầu hết là rừng phòng hộ đầu nguồn, khu bảo tồn là các khu vực cấm thì làm sao có dân sinh sống. “Dân không được sinh sống còn thủy điện lại được xây dựng trong khu bảo tồn, đó là nghịch lý. Phá khu dự trữ sinh quyển thế giới để xây thủy điện là thảm họa chứ không phải ưu điểm” – ông Mùi phản đối.

Tạo hệ sinh thái mới?

Về hệ sinh thái và đa dạng sinh học, chủ đầu tư cho rằng động – thực vật trong khu vực dự án không phải là các loài đặc hữu mà có phổ biến ở toàn bộ Vườn Quốc gia Cát Tiên cũng như các khu vực khác trên cả nước. Do đó, tác động gây mất một số cá thể không phải sẽ làm mất hẳn hay suy giảm đa dạng sinh học, ngược lại “việc chuyển một phần đất dọc sông mà chủ yếu là rừng nghèo, lồ ô, đất trống để hình thành một đoạn sông – hồ sẽ làm tăng độ ẩm và mực nước ngầm khu vực này, tạo điều kiện cho rừng khu vực xung quanh phát triển, hình thành nên một hệ sinh thái mới, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên của khu vực”.

Còn nhớ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang xây dựng thủy điện vào cuối năm 2012, Bộ NN-PTNT đánh giá: Hầu như việc chuyển đổi mục đích rừng đã làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, gây ra tình trạng lũ lụt, sạt lở đất đá, ảnh hưởng đến hệ sinh thái khu vực dự án.

TS Vũ Ngọc Long, Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho biết trong chuyến khảo sát vào tháng 7-2011, ông và rất nhiều đồng nghiệp đã phát hiện khá nhiều động – thực vật quý hiếm hoặc thuộc loại đặc hữu ở khu vực 2 dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, như: voọc chà vá chân đen, vượn đen má vàng, gà hung cổ so, gà tiền… Đặc biệt, loài trà lạ chỉ có ở khu vực này và 1 họ gừng chưa rõ tên. “Nếu chủ đầu tư cho rằng các loài này phổ biến trên cả nước thì phải dẫn chứng cụ thể vùng miền, tỉnh, thành nào” – TS Long quyết liệt.

Phản khoa học

Trước những lo ngại về tác động đến dòng chảy hạ lưu, chủ đầu tư cho rằng thủy điện kiểu đập dâng, khi phát điện nước được trả lại ngay sông nên không gây ra đoạn sông chết mà ngược lại sẽ góp phần chủ động thêm vai trò điều tiết nước phát điện, đẩy mặn cho hạ lưu của hồ Trị An đồng thời tác dụng tích cực duy trì dòng chảy và mực nước cho Bàu Sấu trong mùa khô. Ngoài ra, hồ điều tiết ngày nên khắc phục được lưu lượng xả không liên tục trong ngày của các thủy điện ở bậc thang trên và không làm tăng thêm lũ cho hạ du.

TS Đào Trọng Tứ, Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước thích ứng với biến đổi khí hậu, cho rằng đây là những giải thích phản khoa học nhất mà ông từng nghe. Bởi lẽ, hồ Trị An xả nước theo biểu đồ phát điện của riêng hồ Trị An và đây là hồ lớn, giả thiết có lượng tăng nhất định từ hồ thượng lưu thì không thể làm ảnh hưởng đến việc xả nước xuống hạ lưu đẩy mặn của hồ Trị An. Chưa kể vào mùa khô, việc điều hành hồ điều tiết ngày gây nên biến động dòng chảy ngày của sông là lớn, có thể gây ra đoạn sông chết mà theo Luật Tài nguyên nước 2002, các hồ chứa không được phép gây ra đoạn sông chết. Hồ điều tiết ngày có nghĩa là trong ngày sẽ tích đến mực nước cao nhất và xả phát điện đến mức nước thấp nhất.

“Vậy, nếu có lũ lớn, hồ đã đầy không thể chứa và cắt lũ trong trường hợp lũ vẫn lớn, có khả năng tràn qua đập thì buộc phải xả sâu. Hai dự án là hồ chứa nhỏ, nước đến bao nhiêu xả phát điện bấy nhiêu thì không thể có tác dụng giảm lũ hạ lưu, hồ điều tiết ngày càng không thể cắt lũ cho hạ du” – ông Tứ băn khoăn.

Tai họa cho hệ sinh thái

Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), hồ điều tiết ngày còn là một tai họa cho hệ sinh thái khu vực hồ chứa và hạ du vì chỉ trong 24 giờ, dòng sông có thể dâng nước lên vài chục mét rồi rút xuống còn một vài mét nên không loài sinh vật nào phát triển nổi trong điều kiện lũ – hạn luân phiên liên tục như vậy. Người dân hạ lưu cũng không canh tác loại cây trồng nào được với kiểu nước ngập, nước rút liên tục như vậy. Ngoài ra, tình trạng ướt – khô xen kẽ sẽ tạo sự phát tán khí metan nhanh hơn, gây hiệu ứng nhà kính.

 

Bộ NN-PTNT vừa có văn bản trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Trương Văn Vở, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Bộ NN-PTNT đang phối hợp cùng Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Công Thương chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và các tài liệu liên quan trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.