Giải pháp căn cơ chống hạn, mặn vùng ĐBSCL – Bài 2

Bài 2: Cần xây dựng chiến lược ứng phó hạn, mặn

ThienNhien.Net – Tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất trong nông nghiệp đang diễn ra trong những năm qua và thực tế trong mùa khô 2013 được cho là có yếu tố tác động của biến đổi khí hậu đối với vùng ĐBSCL. Ngành chức năng, chính quyền địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã và đang hoạch định dự án nhằm giải quyết căn cơ bài toán xâm nhập mặn, bảo đảm sinh kế cho người dân, qua đó giúp vùng ĐBSCL – vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước phát triển bền vững.

Giải pháp tình thế

Hiện nay, trước tình hình xâm nhập mặn và hạn, các địa phương ở vùng ĐBSCL đã và đang có những phương án để ứng phó nhằm đảm bảo đời sống cũng như sản xuất cho người dân.

Tại Tiền Giang, địa phương đã xây dựng phương án đầu tư trên 15 tỷ đồng dành bơm chuyền hai cấp và nạo vét các tuyến kênh mương nội đồng bị bồi lắng để ứng cứu khi cần thiết, không để thiệt hại đến sản xuất và đời sống người dân.

Còn tại Vĩnh Long, ảnh hưởng do hạn, mặn có thể khiến 7.000 ha trên địa bàn thiếu nước, cần bơm tát, và Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long đã tập trung nạo vét công trình thủy lợi nội đồng bị bồi lắng để nâng cao năng lực tưới. Tại các khu vực bị ảnh hưởng mặn, tập trung công tác quản lý vận hành công trình kết hợp nạo vét công trình thủy lợi để tiếp nước ngọt và bơm tát chống hạn do thiếu nguồn nước khoảng 37 công trình phục vụ 4.740 ha, với kinh phí trên 21 tỷ đồng.

Để giải quyết tình trạng người dân thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, ngành chức năng của Bến Tre cũng đã cấp hơn 2.600 bồn chứa nước ngọt loại 500 lít cho các hộ nghèo, đồng thời xây mới và nâng công suất nhiều nhà máy cấp nước nhưng tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt tại các xã ven biển vẫn chưa được cải thiện.

Ông Trần Gia Khảm – Trưởng phòng phụ trách phía Nam, Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) lưu ý, để hạn chế tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn tại ĐBSCL cần thực hiện một số biện pháp như: đóng cống ngăn mặn trữ nước ngọt kịp thời; đắp đập thời vụ trữ nước ngăn mặn; nạo vét một số trục kênh chính, củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt và sữa chữa cống, bọng, điều tiết nước.

Nông dân Trần Văn Dánh (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Ngành chức năng ngay từ cuối năm 2012 có biện pháp tích nước, trữ nước trên hệ thống kênh nội đồng nên vụ Đông xuân vừa rồi sản xuất không bị thiếu nước tưới, từ đó nông dân tụi tui rất an tâm và năng suất lúa vừa rồi đảm bảo lợi ích cho nông dân tụi tui”.

Tuy nhiên, những giải pháp nói trên của các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề của tình trạng xâm nhập mặn chỉ là giải pháp tình thế, ứng phó trước mắt và gần như năm nào cũng vậy. Do đó, để ứng phó với xâm nhập mặn và tình trạng thiếu nước ngọt vào những tháng mùa khô tại các tỉnh ven biển ĐBSCL cần một giải pháp căn cơ, bền vững.

Cống đập Ba Lai (Bến Tre) có tác dụng ngăn mặn, thau chua rửa phèn, cải tạo đất tự nhiên phía thượng nguồn
Cống đập Ba Lai (Bến Tre) có tác dụng ngăn mặn, thau chua rửa phèn, cải tạo đất tự nhiên phía thượng nguồn

… và giải pháp căn cơ, bền vững cho toàn vùng 

Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn (Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ), tiến trình xâm nhập mặn đang diễn ra ngày một gay gắt hơn buộc người dân vùng ĐBSCL cần phải có những giải pháp khẩn cấp để ứng phó như: giảm bớt diện tích canh tác lúa hoặc nên chuyển qua trồng các giống lúa kháng mặn kết hợp với nuôi tôm, triệt để bảo vệ và tiết kiệm các nguồn nước ngọt đang còn trữ ở các kênh, mương, ao hồ, đóng các cống ngăn mặn nhằm giữ ngọt ở các đoạn sông xung yếu. Tuy nhiên, đó chỉ là những giải pháp tình thế.

“Về lâu dài phải có chiến lược ứng phó với mặn như: quy hoạch sử dụng nguồn nước hợp lý, thu gom nước mưa ở các hệ thống trữ lớn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nghiên cứu các biện pháp giữ ngọt và lọc mặn tốt hơn cho việc cấp nước dân sinh, sử dụng nguồn nước thải sinh hoạt để tưới cây, áp dụng biện pháp trữ nước lũ mùa mưa xuống các tầng nước ngầm để sử dụng cho mùa khô hạn, xây dựng các hệ thống quan trắc và cảnh báo mặn. Các nhà nông học nên tiếp tục nghiên cứu để tạo ra những giống lúa, cây màu, cây ăn trái có khả năng kháng mặn ở nồng độ cao hơn, chuyển việc nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt sang một phần nuôi trồng thuỷ sản nước lợ và nước mặn. Các nhà thuỷ học môi trường nên nghiên cứu các biện pháp giữ ngọt và lọc mặn tốt hơn cho việc cấp nước dân sinh, sử dụng nguồn nước thải sinh hoạt để tưới cây, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nước ngọt ngày càng hạn chế, áp dụng biện pháp trữ nước lũ mùa mưa xuống các tầng nước ngầm để sử dụng cho mùa khô hạn” – PGS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất.

Cũng theo phân tích của PGS.TS Lê Anh Tuấn, năm nay, sự xâm nhập mặn vào ĐBSCL đến sớm hơn và đi xa vào nội đồng sâu hơn năm 2012. Ranh của độ mặn 4‰ ở các cửa sông Hậu, sông Tiền đã có lúc sâu hơn 50 km, ở phía biển Tây, nước mặn đi vào sông Cái Lớn khoảng 15 km. Sự xâm nhập mặn bất thường này chắc chắc liên quan đến sự giảm sút đáng kể lưu lượng nước sông Cửu Long từ thượng nguồn đổ về và các yếu tố gây hạn tại chỗ như gió mạnh, khô và nóng. Mực nước sông đo được tại Tân Châu ngày 25/2/2013 chỉ còn 1,26 m. Đây là có thể nói là một trong các biểu hiện của tình hình biến đổi khí hậu đang diễn ra.

Nhận định về các giải pháp ứng phó hạn, mặn lâu dài cho vùng ĐBSCL, Tiến sĩ Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển ĐBSCL cũng cho rằng: “Quan trọng nhất là người dân nơi đó phải ứng phó, mà người dân muốn ứng phó được thì phải có thông tin, thông tin thay đổi nhiệt độ, mặn, khô hạn để biết cách thay đổi kỹ thuật canh tác hay thay đổi giống như thế nào. Các nhà khoa học phải nghiên cứu chuyển giao xuống cộng đồng để người dân nắm được thì khi liên kết lại nó sẽ ra phương pháp thích ứng vừa tổng thể cho ĐBSCL vừa tổng thể cho cộng đồng và cũng cụ thể cho địa phương đó là một tiến trình để thích ứng với biến đổi khí hậu”.

Tại Hội thảo “Tham vấn định hướng chiến lược phát triển bền vững vùng ĐBSCL trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức giữa năm 2012, các nhà khoa học, chuyên gia cũng nhấn mạnh, vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và sự phát triển của vùng đang bị đe dọa bởi nguy cơ biến đổi khí hậu; trong tương lai, ĐBSCL được xác định là một trong những khu vực bị tổn thương nặng nề nhất của Việt Nam.

Trong khi đó, theo các nghiên cứu và dự báo của nhóm chuyên gia tham gia Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển ĐBSCL (trọng tâm là 7 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang)” do Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, khả năng cứ 10 năm nhiệt độ sẽ tăng 0,2-0,3oC khiến năng suất lúa đông xuân giảm 10% vào năm 2030 và 15% vào năm 2050.

Bên cạnh đó, mực nước biển sẽ dâng khoảng 8-9cm gây ra hiện tượng xâm nhập mặn nghiêm trọng. Tuy nhiên, xâm nhập mặn ở các tỉnh ven biển sẽ phức tạp hơn và khó dự báo do các tác động của lưu lượng nước sông Mê Kông.

Lượng mưa trung bình được dự báo sẽ tăng lên 0,4-0,6% cộng với tác động của nước biển dâng làm gia tăng nguy cơ lũ lụt và giảm năng suất mùa vụ.

Xâm nhập mặn sẽ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp của vùng, nhất là đối với cây ăn trái và lúa, trong đó, Sóc Trăng và Kiên Giang là 2 địa phương thiệt hại lớn nhất về lúa; Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cà Mau thiệt hại chủ yếu là cây ăn trái; Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi xâm nhập mặn so với các tỉnh trong vùng.

Tại Hội thảo để lấy ý kiến hoàn thiện Dự án nói trên vừa diễn ra tại Cần Thơ vào cuối tháng 1/2013, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết: “Dự án hiện đã xây dựng khung Quy hoạch tổng thể nhằm cụ thể hóa các vấn đề về biến đổi khí hậu và các vấn đề cần ưu tiên giải quyết đối với các tỉnh ven biển ĐBSCL. Trong đó xâm nhập mặn, khô hạn gây thiếu nước ngọt cho sản xuất và đời sống, nước biển dâng, lũ nghiêm trọng hơn, mưa cường độ lớn và nhiệt độ tăng trong tương lai là những vấn đề mà các tỉnh ven biển ĐBSCL phải ưu tiên giải quyết”.

Cũng theo Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, để ứng phó với biến đổi khí hậu cho các tỉnh ven biển, các dự án mục tiêu đã được xác định gồm xây dựng 68 cửa cống ngăn xâm nhập mặn (giai đoạn 2013-2050), cải tạo và bảo vệ bờ biển.

Song song với đó, các dự án đối phó cấp vùng sẽ được triển khai và ưu tiên Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi cù lao Bắc Bến Tre; Dự án phát triển nguồn nước ngọt ở tỉnh Trà Vinh; Dự án quản lý nước khu vực ven biển Bạc Liêu; Dự án cải thiện dòng chảy vùng giáp nước Cà Mau. Trong đó, Tre và Trà Vinh là 2 địa phương cần sớm được đầu tư xây dựng các cống ngăn mặn, cải thiện kênh dẫn nước để cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và đời sống và nhu cầu vốn cho Dự án cải tạo hệ thống thủy lợi cù lao Bắc Bến Tre dự kiến khoảng 200 triệu USD; Dự án phát triển nguồn nước ngọt ở tỉnh Trà Vinh từ 40-50 triệu USD. Hiện phía Bộ NN&PTNT đang xúc tiến để mời gọi tài trợ, đầu tư cho 2 dự án này.