TP.HCM: “Đánh” mạnh cơ sở gây ô nhiễm trong năm 2013

ThienNhien.Net – Năm 2013, 14/14 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 100% nước thải y tế được thu gom và xử lý. Từ nay đến năm 2015, đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải răn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế đúng tuyến 100%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiêm môi truòng nghiêm trọng được xử lý đạt 100%. Đó là một số chỉ tiêu của ngành tài nguyên môi trường Tp.HCM để ra trong năm 2013.

Ông Nguyễn Văn Phước, Phó GĐ Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho biết, trong năm 2012, về chất thải rắn sinh hoạt, khu vực nội thành thu gom và xử lý khoảng 95% và 5% còn lại thu gom dọc theo tuyến đưòng. Khu vực ngoại thành thu gom, xử lý từ các hộ dân khoảng 70-80%, còn lại do người dân tự xử lý.

Về xử lý chất thải nguy hại (CTNH), các công ty trên địa bàn có công suất tiếp nhận khoảng 30-40% CTNH phát sinh. Phần còn lại được các công ty ngoài tỉnh thu gom, vận chuyên về xử lý hoặc được chứa tạm thời tại các chủ nguồn thải.

Đáng mừng là Tp.HCM không phát hiện tình trạng thải CTNH không đúng qui định. Phần lớn các chủ nguồn thải đều có hợp đồng chuyển giao cho các công ty vận chuyển hoặc công ty xử lý CTNH. Khối lượng chất thải rắn y tế phát sinh trong năm từ 12-17 tấn/ngày. Hiện tỉ lệ thu gom chất thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, các trung tâm lớn đạt 100%. Riêng chất thải ở các phòng khám nhỏ lẻ, tỷ lệ thu gom trực tiếp đúng tuyến đạt 85-90%, còn lại thải bỏ chung với chất thải sinh hoạt và chuyển về bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Tỷ lệ các KCX, KCN, khu công nghệ cao đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 100%. Hiện nay, các KCX, KCN đang tiếp tục đầu tư mở rộng nhà máy xử lý nước thải tập trung để đáp ứng yêu cầu phát triển. KCN Lê Minh Xuân và Tân Bình đang xây dựng thêm 01 đơn nguyên 2.000 m3/ngày, KCN Tân Tạo và KCN Hiệp Phước mở rộng thêm 01 đơn nguyên 3.000 m3/ngày.

Nhìn chung các nhà máy xử lý nước thải tập trung vận hành ổn định, chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn nưóc thải công nghiệp. Đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, hiện có 35/37 cơ sở nằm trong QĐ 64/TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được rút tên vì đã di dời, ngưng hoạt động hoặc hoàn tất việc xử lý ô nhiễm triệt để. Còn lại 2 cơ sở trực thuộc Trung ương nên sở đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.

Trong năm 2013, TP.HCM sẽ tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt những hành vi ảnh hưởng đến môi trường (Ảnh minh họa: hiendaihoa.com)
Trong năm 2013, TP.HCM sẽ tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt những hành vi ảnh hưởng đến môi trường (Ảnh minh họa: hiendaihoa.com)

Bên cạnh kết quả đạt được, thực trạng ô nhiễm môi trường còn nhiều bức xúc. Các khu quy hoạch xử lý chất thải vẫn chưa ổn định, vẫn đang điều chỉnh phân khu chức năng xử lý chất thải rắn. Vì vậy, việc xét duyệt các dự án xử lý chất thải thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về đất đai.

Tuy nhiên, bất cập nhất hiện nay là công tác thu gom chất thải rắn y tế. Cụ thể, theo chỉ thị của UBND TP trước đây, các công ty dịch vụ công ích tại 22 quận/huyện có thẻ vào tận các ngõ hẻm để thu gom rác y tế phát sinh. Do đó, đảm bảo thu gom, xử lý 100% chất thải y tế phát sinh. Nhưng theo quy định của Thông tư 12, việc giới hạn các đại lý vận chuyển vào một đơn vị xử lý (1 đơn vị xử lý thành lập không quá 5 đại lý) làm hạn chế hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế của các công ty dịch vụ công ích 22 quận, huyện.

Trong năm 2013, ngành tài nguyên môi trường TP đề ra một sốchỉ tiêu: từ nay đến năm 2015, đảm bảo thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế đúng tuyến 100%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 100. Số KCN, KCX và khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung là 14/14 khu; 100% nước thải y tế được thu gom và xử lý.

Bên cạnh những chỉ tiêu này, Sở tăng cường thanh kiểm tra và xử phạt những hành vi ảnh hưởng đến môi trường, trong đó đặt trọng tâm vào các KCN, KCX và các cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn. Khuyến khích các doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ sản xuất sạch hơn, thân thiện với môi trường.

Một số nội dung khác đáng chú ý như đẩy mạnh thực hiện chương trình phân loại chất thải rắn đô thị tại nguồn trên địa bàn. Cụ thể, tập trung triển khai cho các đối tượng ngoài hộ dân (chợ, siêu thị, các trung tâm lớn, các KCN-KCX…). Phấn đấu đến năm 2015 triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đến các hộ dân.

Năm 2013, Tp.HCM đưa thêm ít nhất 1 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ compost đi vào hoạt động, giảm thêm tỷ lệ khối lượng rác tại các bãi chôn lấp. Từ nay đến năm 2015, Sở TN-MT tham mưu UBND TP chấp thuận ít nhất 2 dự án đầu tư về xử lý chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại hoạt động trên địa bàn.

Cũng trong năm nay, ngành sẽ trình UBND TP các qui hoạch tổng thể về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải công nghiệp – chất thải nguy hại, chất thải y tế, bùn thải…