Thu phí dịch vụ môi trường rừng: Nông dân hưởng 1.200 tỷ đồng

ThienNhien.Net – Chủ trương thu và chi trả phí dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được thực hiện trên toàn quốc từ năm 2012 trên cơ sở Nghị định 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR của Chính phủ. Phóng viên NTNN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn về chính sách này.

Ông Hà Công Tuấn đánh giá, qua 1 năm thực hiện đã khẳng định, đây là một chính sách đúng đắn, tạo ra nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ và phát triển rừng. Năm 2012, nguồn thu từ DVMTR xấp xỉ 1.200 tỷ đồng, tương đương với ngân sách T.Ư đầu tư cho ngành lâm nghiệp năm 2012. Người cung ứng dịch vụ là chủ rừng và người nhận khoán, cụ thể là người dân tham gia bảo vệ và trồng rừng được hưởng toàn bộ kinh phí này. Cho nên, phí DVMTR có ý nghĩa rất lớn để đảm bảo kinh tế, an sinh xã hội cho người nghèo.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn

Tuy nhiên, năm 2012, phí DVMTR mới chỉ thu từ các nhà máy thủy điện và một số nhà máy cung cấp nước sạch. Nhiều các dịch vụ sử dụng DVMTR như dịch vụ du lịch sinh thái, dịch cung cấp tín chỉ CO2 đang tiếp tục nghiên cứu để thu. Vì thế, phí DVMTR không chỉ thành công ở trong nước, mà còn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, coi đây là bài học kinh nghiệm.

Trước đây, khi mới thực hiện ở giai đoạn thí điểm, việc thu phí có gặp khó khăn do các công ty thủy điện còn nợ tiền. Vậy đến nay, việc này đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

– Trước kia thì đúng là có khó khăn như vậy, song đến nay tôi đánh giá rất cao các nhà máy thủy điện lớn lớn và ngành điện lực. Mặc dù, trong năm 2011 – 2012 gặp nhiều khó khăn, nhưng họ vẫn cố gắng nộp tiền. Hiện nay, chỉ có các nhà máy có công suất dưới 30MW là chưa nộp. Chúng tôi đã có công văn đề nghị Bộ Công Thương đốc thúc các đơn vị này thực hiện trách nhiệm. Các địa phương cũng cần có triển khai thu phí ở các nhà máy trên địa bàn trong năm 2013.

Dự kiến, năm 2013 các nhà máy thủy điện sẽ phải nộp 1.000 tỷ đồng vào Quỹ DVMTR (trong ảnh, Nhà máy Thủy điện Sơn La- công trình thủy điện lớn nhất nước ta hiện nay)
Nhà máy Thủy điện Sơn La – công trình thủy điện lớn nhất nước ta hiện nay

Việc chi trả cho các hộ dân hiện nay vẫn chậm, nguyên nhân là gì, thưa ông?

– Mục đích cuối cùng của dịch vụ này là phải chi trả đến đúng người cung ứng dịch vụ. Hiện nay, mới có khoảng 60% các tỉnh chi trả được dịch vụ cho bà con nông dân. Nguyên nhân là do năm 2012, việc triển khai quỹ ở địa phương, cũng như hướng dẫn của các bộ, ngành ban hành chậm. Ngoài ra, muốn chi trả được đến người dân, thì phải xác định được diện tích rừng mà họ có trong các lưu vực. Việc này đòi hỏi chính xác đến từng chủ rừng, song hiện đang gặp khó khăn là nhiều nơi, diện tích rừng bị chia nhỏ. Chẳng hạn, khu vực miền núi phía Bắc, có hộ sở hữu dưới 1ha. Hơn nữa, để xác định diện tích phải có nguồn vốn để thực hiện. Nhìn chung, các địa phương đang lúng túng do không bố trí được ngân sách và trình tự thủ tục đang gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi đang chỉ đạo đẩy nhanh việc này; trước mắt phải trả tạm ứng cho bà con ngay trong Tết Nguyên đán.

“Trong năm 2013, dự kiến sẽ thu được 1.000 tỷ đồng cho Quỹ DVMTR. Mức thu này thấp hơn năm 2012, vì trong năm qua có phần truy thu của năm 2011 là 450 tỷ. Song đây cũng là con số rất lớn và có ý nghĩa để chi trả, hỗ trợ cho các hộ dân”.

Hiện nay, việc tổng điều tra, kiểm kê rừng vẫn chưa xong nhưng việc chi trả vẫn phải tiến hành. Liệu việc chi trả có chính xác?

– Dù đang tổng điều tra, kiểm kê rừng thì vẫn phải chi trả phí DVMTR. Hai cái việc này hỗ trợ tích cực cho nhau, nhưng không hoàn toàn thay thế cho nhau. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng tôi sẽ chỉ đạo chi trả hoàn thành trong năm 2013. Hiện nay hầu hết các tỉnh có diện tích rừng đã xác định xong.

Đây đang là thời điểm chúng ta bắt đầu triển khai kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2012-2020, việc mở rộng thêm Quỹ DVMTR sẽ giúp cho công tác bảo vệ rừng như thế nào, thưa Thứ trưởng?

– Người dân nhận được tiền rất vui mừng, phấn khởi. Những nơi như Lâm Đồng, Sơn La, Lai Châu… có những hộ một năm thu được đến 15 – 20 triệu đồng. Đây là một số tiền rất lớn, rất có ý nghĩa đối với các hộ gia đình nghèo, kích thích họ tham gia bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc trồng, phát triển rừng trong giai đoạn hiện nay thì chưa đáp ứng được. Một ha rừng tối thiểu cần hơn 20 triệu đồng, nguồn thu từ phí DVMTR chưa có tác động trực tiếp.

Số tiền nông dân được hưởng tùy thuộc vào khu vực, diện tích rừng của từng hộ. Có những vùng thu đến được 600.000 đồng/ha/năm nhưng có những vùng chỉ được có vài chục nghìn đồng/ha/năm.

Xin cảm ơn ông!