Ban hành quy định quản lý tài nguyên huyện Hoàng Sa

ThienNhien.Net – Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng đã ban hành Quy định quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa bao gồm 3 chương và 17 điều, nhằm góp phần bảo vệ tốt tài nguyên và môi trường biển, khai thác huyện đảo Hoàng Sa có hiệu quả, lâu dài và bền vững.

Quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: VietNam+)
Quần đảo Hoàng Sa (Ảnh: VietNam+)

Quy định này ra đời là cơ sở bảo đảm cho sự quản lý thống nhất của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và trách nhiệm trực tiếp của Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, sự phối hợp liên ngành, liên vùng giữa các ngành, địa phương của thành phố Đà Nẵng với địa phương có liên quan đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Điều này cũng đảm bảo hài hòa lợi ích chung giữa các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa, hướng đến kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển huyện Hoàng Sa với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Các nội dung cụ thể của Quy định này chủ yếu tập trung vào các vấn đề liên quan đến việc sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa như: Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch; hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản; hoạt động giao thông đường thủy; bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; hoạt động nghiên cứu khoa học, thăm dò, khảo sát, khảo cổ; ứng phó sự cố môi trường; tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ; hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo…

Quần đảo Hoàng Sa là một trong hai quần đảo xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam từ lâu đời. Trong lịch sử quần đảo Hoàng sa còn có tên là “Bãi cát vàng.”

Tên quốc tế thường được thể hiện trên các hải đồ là Paracels. Quần đảo gồm 37 đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm và một số đối tượng địa lý khác thuộc huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Khu vực quần đảo nằm trên vùng biển rộng khoảng 30.000km2. Phạm vi quần đảo được giới hạn bằng các đảo, bãi đá ở các cực Bắc- Đảo Đá Bắc, Nam- Bãi ngầm Ốc Tai Voi, Đông- Bãi cạn Gò nổi, Tây- đảo Tri Tôn.

Về khoảng cách đến đất liền, từ đảo Tri Tôn đến mũi Ba Làng An, tỉnh Quảng Nam là 135 hải lý, đến Cù Lao Ré, tỉnh Quảng Ngãi 123 hải lý. Tổng diện tích phần nổi của quần đảo Hoàng Sa khoảng 10km2, đảo lớn nhất là đảo Phú Lâm với diện tích khoảng 1,5km2. Quần đảo Hoàng Sa nằm ngang bờ biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và một phần tỉnh Quảng Ngãi.

Việc thành phố Đà Nẵng cụ thể hóa hoạt động quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa, đơn vị hành chính thuộc thành phố là việc làm nhằm bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường biển huyện Hoàng Sa, hướng đến kết hợp chặt chẽ giữa phát triển vùng biển huyện Hoàng Sa với phát triển vùng nội địa theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.