Cơ hội mới để giảm phát thải

Trồng rừng để giảm phát thải khí nhà kính

ThienNhien.Net – Trong điều kiện các nguồn tài trợ không hoàn lại ngày càng hạn chế, việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA) mở ra các cơ hội để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đa phương, song phương, thông qua đó các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận các cơ chế mới đang hình thành để tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

NAMA là gì ?

Theo GS. TS. Trần Thục, Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, NAMA được hiểu như là một công cụ để cho các nước đang phát triển có thể thực hiện các biện pháp giảm nhẹ biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện quốc gia và phát triển bền vững với sự hỗ trợ về kĩ thuật, tài chính và tăng cường năng lực từ các nước phát triển. NAMA là một vấn đề mới, được Công ước khung Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) đề xuất từ Kế hoạch hành động Bali, năm 2007.

Các đề xuất thực hiện NAMA của các quốc gia sẽ được đề xuất lên Ban Thư ký Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) phê duyệt và giám sát. Hiện có hơn 50 quốc gia nộp đăng ký các dự án NAMA lên UNFCCC.

NAMA không phải chỉ là dự án cần thiết như các chính sách và các chương trình CDM mà còn giúp cơ cấu lại nền kinh tế – xã hội theo cách có thể đạt được hai mục tiêu là giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững.

Cơ hội và thách thức

Theo GS. Trần Thục, hiện tài trợ không hoàn lại cho các nước đang phát triển như Việt Nam về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và chuyển giao công nghệ ngày càng hạn chế. Trong khi đó, xu thế chung là tất cả các quốc gia (kể cả nước đang phát triển) cũng cần có các cố gắng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Việc xây dựng và thực hiện NAMA mở ra các cơ hội để thúc đẩy hợp tác toàn cầu, đa phương, song phương, thông qua đó các nước đang phát triển như Việt Nam có thể tiếp cận các cơ chế mới đang hình thành để tiếp nhận hỗ trợ tài chính và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển.

Thách thức lớn nhất hiện nay là thống nhất về nhận thức. Bởi NAMA còn quá mới mẻ nên sự hiểu biết về NAMA còn hạn chế và chưa có một định nghĩa chung về NAMA được chấp nhận rộng rãi cho tất cả các nước. Do đó các Bộ, ngành, địa phương còn nhiều khó khăn, lúng túng trong xây dựng các hoạt động giảm nhẹ, bao gồm về nhận thức, cơ cấu tổ chức, chính sách và năng lực, công nghệ trong xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phù hợp. Hơn nữa, công tác quản lý giảm nhẹ phát thải khí nhà kính còn thiếu kinh nghiệm và nhân lực…

Tiềm năng không nhỏ

Theo Thông báo Quốc gia lần thứ hai của Việt Nam cho UNFCCC, Việt Nam đã xác định được những lĩnh vực giảm phát thải với các phương án cụ thể. Đây cũng là những tiềm năng để chúng ta thực hiện các dự án NAMA.

Ba lĩnh vực chính có tiềm năng giảm nhẹ tại Việt Nam là năng lượng, nông nghiệp và sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF). 28 biện pháp giảm nhẹ đã được xây dựng và đánh giá, với tổng tiềm năng giảm nhẹ cho 28 biện pháp là 3270,7 triệu tấn CO2 tương đương.

Ngoài ra các dự án NAMA có thể bám sát Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Quốc gia về ứng phó với BĐKH (trong đó có nội dung về giảm nhẹ); Chương trình hành động quốc gia về “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng cácbon rừng giai đoạn 2011 – 2020” (Chương trình REDD+).

Hiện Bộ TN&MT đang xây dựng hướng dẫn xây dựng NAMA. Theo đó, để thực hiện dự án NAMA phải trải qua 5 bước: Xác định và cho điểm cho các phương án giảm nhẹ; Ưu tiên và lựa chọn NAMA; Chuẩn bị đề cương NAMA tổng quát; Xây dựng đề cương NAMA chi tiết; Tìm nguồn tài trợ cho NAMA.

Dự kiến, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường sẽ trình Bộ TN&MT phê duyệt trong tháng 12/2012.