Đồng bằng sông Cửu Long: Hấp hối môi trường ven biển

ThienNhien.Net – Ngày 14.12, tại TP.Rạch Giá (Kiên Giang), Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT các tỉnh ĐBSCL tổ chức hội thảo bảo vệ môi trường biển khu vực ĐBSCL. Tại hội thảo, một lần nữa vấn đề môi trường của vùng đất này được đề cập, trong đó môi trường ven biển được các đại biểu ví von “đang hấp hối”.

Biển đẹp và… rác

Tác động đến môi trường biển ĐBSCL, nhất là khu vực ven biển những năm gần đây được cho là nghiêm trọng. Tại hội thảo, các đại biểu nêu lên một thực trạng, vùng ĐBSCL có những bãi biển mang tính đặc thù, chủ yếu là biển bồi. Một số địa phương có bờ biển xanh. Tuy nhiên, dù loại nào cũng đang hứng chịu thảm trạng về môi trường. Ông Nguyễn Văn Khiết – Chủ tịch LH Hội KHKT Kiên Giang – nhìn nhận “Phú Quốc được xem là vùng biển đẹp của ĐBSCL, nhưng bờ biển này đang dần bị ô nhiễm môi trường. Thậm chí rác thải đang hằng ngày, hằng giờ tác động đến hòn đảo xinh đẹp này”.

Hội thảo đưa ra con số: Biển Việt Nam trong vòng 10 năm qua đã có 21.000 – 51.000 tấn dầu tràn ra biển. Các địa phương nỗ lực thu gom, nhưng cũng chỉ “thu về” 1.721 tấn. Số còn lại, chẳng ai biết đi đâu và đây là nguyên nhân làm cho 20 tỉnh, thành trong cả nước hứng chịu cảnh ô nhiễm môi trường.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Đúng – Chủ tịch LH Hội KHKT Đồng Tháp, nơi không có bờ biển tại ĐBSCL – cho rằng, ô nhiễm biển, và vùng ven biển ĐBSCL có nguyên nhân từ việc sản xuất nông nghiệp, tốc độ gia tăng dân số, chế biến, nuôi trồng thủy sản và tàn phá rừng trồng. Những tác nhân này làm tổn thương môi trường ven biển, môi trường biển nói chung.

Ảnh minh họa: Lao động
Ảnh minh họa: Lao động

Tài nguyên dần cạn

Hội thảo cũng nêu lên thực trạng, ĐBSCL có lượng tàu khai thác thủy sản lớn. Thời gian gần đây tình trạng khai thác quá mức, khai thác theo kiểu hủy diệt môi trường được phát hiện ngày càng nhiều. Ông Hứa Chu Khem – Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Sóc Trăng – nêu giải pháp: “Các địa phương cần cấm các phương tiện có công suất dưới 25CV, vì đây là những phương tiện nhỏ, khai thác cá non, làm ảnh hưởng đến môi trường ven biển”.

ĐBSCL là vựa lúa, vựa tôm của cả nước. Dù không muốn đề cập, nhưng các đại biểu thống nhất đưa ra một thực trạng việc sản xuất lúa nước quá mức dẫn đến ô nhiễm môi trường sống nói chung và môi trường biển nói riêng. Ông Đỗ Xuân Niệm (Kiên Giang) nêu thực tế: “Chỉ tính riêng địa bàn tỉnh Kiên Giang, người nông dân hằng năm đã quẳng xuống cánh đồng lúa 3.794.700kg thuốc bảo vệ thực vật. Dư lượng của thuốc BVTV theo sông chảy ra biển”.

Bà Nguyễn Ngọc Phượng – nguyên Phó GĐ Sở NNPTNT Kiên Giang – phân tích: “Kiên Giang có 143 đảo, bờ biển dài trên 200km có vùng ngư trường rộng 63.000km2. Phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh. Tuy nhiên, đảm bảo môi trường bền vững cho biển vẫn chưa được đề cập”.

Hội thảo thừa nhận môi trường biển đang bị đe dọa. Tuy nhiên, cho đến nay công tác nghiên cứu cụ thể vẫn chưa được thực hiện.