Việt Nam có 5 trong số 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất

Thiennhien.net – 25 loài linh trưởng nguy cấp nhất đã được liệt kê trong một báo cáo mới công bố. Trong số đó, với 5 loài bị đe dọa tuyệt chủng, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 sau Madagascar về số lượng loài lọt vào danh sách này.

Báo cáo cho thấy họ hàng gần gũi nhất với loài người hiện đang đứng trên bờ tuyệt chủng và cần phải có các biện pháp khẩn cấp để bảo tồn.

Các loài linh trưởng đang bị đe dọa chủ yếu do tình trạng phá rừng, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã, thịt thú rừng trái phép.

Voọc quần đùi trắng là 1 trong 5 loài của Việt Nam nằm trong danh sách các loài nguy cấp nhất (Ảnh: Camnangdongvat.com)

Trong danh sách linh trưởng được liệt kê có 9 loài của châu Á, 6 loài của Madagascar, 5 loài châu Phi và 5 loài thuộc khu vực tân nhiệt đới (Neotropic).

5 loài linh trưởng của Việt Nam nằm trong danh sách 25 loài nguy cấp nhất 2012-2014 bao gồm:Voọc quần đùi trắng (Trachypithecus delacouri)

Voọc đầu vàng Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus)

Voọc chà vá chân xám (Pygathrix cinerea)

Voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus)

Vượn Cao vít (Nomascus nasutus)

Xếp theo quốc gia, Madagascar đứng đầu danh sách với 6 trong số 25 loài nguy cấp nhất, theo sau là Việt Nam với 5 loài, Indonesia có 3 loài, Brazil có 2 và các quốc gia Trung Quốc, Colombia, Bờ Biển Ngà, Congo, Ecuador, Guinea Xích đạo, Gana, Kenya, Peru, Sri Lanka, Tanzania và Venezuela mỗi nước có một loài bị đe dọa.

Báo cáo nhấn mạnh tình trạng đáng báo động hiện nay của các loài linh trưởng. Chẳng hạn, loài Pygmy Tarsier (Tarsius pumilus) sống tại khu vực phía nam và trung tâm Sulawesi, Indonesia. Đây là loài trước đó chỉ được biết đến nhờ 3 mẫu vật trong viện bảo tàng cho tới năm 2008, khi 3 cá thể bị bắt trong vườn quốc gia Lore Lindu và một cá thể khác quan sát được ở ngoài tự nhiên. Các quần thể ít ỏi còn sót lại bị phân tán và cô lập của loài này đang bị đe dọa do môi trường sống bị xâm phạm và tình trạng xung đột vũ trang.

Loài vượn cáo Northern Sportive hiện chỉ ghi nhận được 19 cá thể ngoài tự nhiên (Ảnh: Northern Sportive)

Các loài vượn Madagascar cũng chịu chung số phận do môi trường sống bị tàn phá và tình trạng săn bắn trái phép leo thang kể từ năm 2009. Loài vượn cáo Northern Sportive (Lepilemur septentrionalis) quý hiếm nhất hiện chỉ còn 19 cá thể được ghi nhận sống ngoài tự nhiên.

Riêng đối với loài vượn cáo, thống kê cho thấy 91% trong số 103 loài và các phân loài hiện bị đe dọa tuyệt chủng. Đây là mức độ đe dọa cao nhất từng được

 “Tuy chúng ta chưa mất đi loài linh trưởng nào trong thế kỷ này, nhưng có nhiều loài đang trong tình trạng đáng báo động. Đặc biệt, loài vượn cáo hiện là một trong các loài bị đe dọa nhiều nhất trong nhóm động vật có vú trên thế giới sau hơn ba năm khủng hoảng chính trị và thiếu các hành động thực thi pháp luật hiệu quả tại quốc gia chúng cư trú – Madagascar. Một khủng hoảng tương tự đang xảy ra tại Đông Nam Á, nơi mà buôn bán động vật hoang dã đã đẩy nhiều loài linh trưởng đến bờ tuyệt chủng.”(Tiến sĩ Christoph Schwitzer, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu thuộc BCSF)

ghi nhận đối với một nhóm động vật có xương sống.

Hơn một nửa (54%) trong số 633 loài linh trưởng và phân loài đã được xếp hạng bị đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ của IUCN. Các mối đe dọa chủ yếu là môi trường sống bị phá hủy, đặc biệt là từ việc đốt và phát quang các khu rừng nhiệt đới, săn bắn các loài linh trưởng lấy thịt và buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Bên cạnh những đánh giá có phần ảm đạm, Báo cáo cũng ghi nhận một vài thành tựu từ việc phục hồi các loài bị đe dọa. Nhờ những nỗ lực bảo tồn, trong hai thế kỷ qua chưa có loài linh trưởng nào bị tuyệt chủng mặc dù một số loài rất gần với nguy cơ này. So với các nhóm động vật xương sống lớn khác vốn đã mất ít nhất một loài, thì đây là một điểm sáng đáng ghi nhận.

Một số loài đã được loại bỏ khỏi danh sách được công bố lần thứ 7 (2012-2014) này vì tình trạng loài được cải thiện. Trong số đó có thể kể đến loài khỉ đuôi sư tử của Ấn Độ (Macaca silenus) và loài vượn cáo tre lớn của Madagascar (Prolemur simus). Đây là những loài có tên trong danh sách công bố hai năm trước, nhưng hiện nay đã ra khỏi danh sách do được quan tâm nhiều hơn sau khi xuất hiện trong danh sách 25 loài nguy cấp nhất.

Báo cáo do Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), Tổ chức Nghiên cứu Linh trưởng Quốc tế (IPS), Quỹ Bảo tồn Quốc tế (CI), Quỹ Khoa học và Bảo tồn Bristol (BCSF) cùng phối hợp thực hiện.