Kết quả giao ban quản lý nhà nước về môi trường vùng Đông Bắc Bộ

ThienNhien.Net – Ngày 17/12, tại TP. Thái Nguyên, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội nghị giao ban vùng Đông Bắc Bộ về công tác quản lý Nhà nước đối với ngành TN&MT do Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường và Phó Chủ tịch tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần đồng chủ trì. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ thuộc Bộ TN&MT và đại diện lãnh đạo của 8 Sở TN&MT tại khu vực Đông Bắc Bộ.

“Rà soát, quy hoạch hoàn chỉnh lại toàn bộ 7 lĩnh vực của ngành là điều kiện tiên quyết để thực hiện xu thế kinh tế hóa ngành tài nguyên môi trường. Muốn vậy, các địa phương phải chủ động, phối hợp với các ban ngành, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại trong từng lĩnh vực, đặc biệt những lĩnh vực nóng bỏng như khoáng sản, môi trường và đất đai. Bộ TN&MT sẽ luôn lắng nghe, đồng hành cùng các địa phương để thực thi nhiệm vụ quan trọng này”, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại Hội nghị.

Xây dựng quy hoạch tổng thể về điều tra, thăm dò, chế biến; tiến tới một cơ chế mở về đấu thầu trong khai thác khoáng sản

“Công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản, quản lý Nhà nước đối với các hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản vẫn còn thiếu các quy hoạch cụ thể cho từng loại khoáng sản. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp có ý kiến về nộp phí môi trường trong khai thác khoáng sản là quá lớn, nên loại bỏ một số loại khoáng sản nhất định. Hiện nay, việc đầu tư khai thác khoáng sản còn dàn trải, gây tổn thất và mất an toàn lao động, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Vì vậy muốn sử dụng khai thác quản lý khoáng sản hợp lý, các Sở TN&MT cần rà soát tổng thể đối với công tác xây dựng quy hoạch”. Ông Trịnh Xuân Bền – Phó Cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã trả lời những vướng mắc của đại diện lãnh đạo 8 Sở khu vực Đông Bắc Bộ như vậy về vấn đề quy hoạch khoáng sản.

Cụ thể, các Sở TN&MT khẩn trương hoàn thành khoanh vùng cấm và tạm cấm hoạt động khoáng sản. Đối với ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Cường – Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh về việc quy hoạch ranh giới mỏ than và muốn xin cấp phép hoạt động trở lại, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện hồ sơ, Bộ TN&MT sẽ tổ chức giao diện tích rõ ràng. Đặc biệt, đối với khai thác lộ thiên và khai thác trong hầm lò có sử dụng đất bề mặt thì phải thuê đất, nếu không sử dụng bề mặt vẫn phải có biện pháp bảo vệ khu vực đó, đồng thời phải phục hồi môi trường sau khai thác.

Việc xây dựng một quy chế đấu thầu trong khai thác khoáng sản là nhu cầu bức thiết được các đại biểu tập trung thảo luận. Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định, đây là hướng đi kinh tế hóa cho ngành địa chất khoáng sản, vì vậy tiến tới sẽ có cơ chế đấu thầu, giao thầu và hợp đồng cho khai thác khoáng sản. Hiện quy chế này đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo theo quy định của Nghị định 160.

Đẩy nhanh công tác đo đạc bản đồ, hoàn thiện hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; kiện toàn bộ máy về công tác quản lý môi trường

Ông Thiệu Đức Hiệp – Giám đốc Sở TN&MT Bắc Cạn cho biết: “Trên toàn tỉnh Bắc Cạn đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất ở cả 3 cấp từ năm 2006. Tuy nhiên, về công tác hoàn thiện hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chậm. Nguyên nhân, do kinh phí thực hiện công tác đo đạc bản đồ quá ít. Đến nay mới đo đạc địa chính được 73 xã trong tổng số 172 xã. Mới đây HĐND tỉnh phê duyệt ngân sách 5,5 tỷ đồng để tiến hành đo tiếp ở 10 xã, như vậy còn một số lượng lớn các xã khác sẽ phải chờ chưa biết đến bao giờ”.

Ý kiến của ông Thiệu Đức Hiệp cũng là ý kiến chung của 7 Sở TN&MT. Đông Bắc Bộ là khu vực có 3 tỉnh thực hiện công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm nhất nước. Để giải bài toán này, ông Lê Thanh Khuyến – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cho hay: “Hiện Quốc hội đã có Nghị quyết 07, yêu cầu các tỉnh thành cả nước phải làm xong việc cấp “sổ đỏ” từ nay đến 2010, để giảm bớt kinh phí, các địa phương nên tập trung vào các loại đất có tỷ lệ sử dụng chưa cao. Đồng thời, để hoàn thiện hồ sơ địa chính, Trung ương sẽ hỗ trợ 70% vốn, còn lại 30% sẽ do địa phương thực hiện.

Ngoài ra, một số ý kiến về Điều 43 của Nghị định 181, ông Lê Thanh Khuyến giải thích: Hiện Bộ đang tổng hợp ý kiến, soạn thảo các văn bản, chỉnh sửa. Tuy nhiên, hiện nay, đối với đất nông nghiệp xen kẽ, liền đất vùng đô thị, đất ở khu công nghiệp sẽ cố gắng nghiên cứu để thực hiện hỗ trợ không quá 5%.

Việc thiếu nguồn nhân lực đối với công tác quản lý ngành tài nguyên môi trường đã đặt ra nhiều thách thức. Bên cạnh đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn thì môi trường là lĩnh vực nóng bỏng, cần phải kiện toàn bộ máy.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Phải khẩn trương thành lập 100% các Chi cục Bảo vệ môi trường và rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các Chi cục này. Tập trung xây dựng môi trường chiến lược tổng thể ở từng địa phương. Ngoài ra, những quy hoạch trọng điểm và dự án lớn phải có đánh giá ĐTM”.

Về các cơ sở trong Quyết định 64, các địa phương cần chủ động tạo nguồn kinh phí đối với cơ sở Nhà nước để xử lý triệt để, nhanh chóng thoát khỏi danh mục này. Còn đối với các doanh nghiệp tư nhân phải tự bỏ vốn đầu tư, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có trách nhiệm tư vấn, cung cấp các số liệu, văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, các địa phương lưu ý đến nguồn rác thải (sinh hoạt và y tế), vì nhiều tỉnh trong khu vực thuộc lưu vực sông Cầu, là địa bàn trọng yếu cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức hậu kiểm, thực hiện quan trắc đối với các khu công nghiệp, phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát môi trường.

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao những hiệu quả mà ngành đã đạt được về quản lý tài nguyên môi trường trong 6 năm thành lập. Đối với đất đai, tiến tới sẽ thực hiện sửa đổi 6 Nghị định liên quan và thành lập Chi cục Quản lý đất đai, đào tạo nhân lực và mở lớp tập huấn về phương pháp định giá đất cho các địa phương.

Về phân cấp, quy hoạch điểm mỏ khoáng sản nhỏ, giao cho Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lựa chọn một cơ sở làm điểm để rút kinh nghiệm, trình Chính phủ phê duyệt cho các địa phương thực hiện. Ngoài ra, biến đổi khí hậu và khí tượng thủy văn sẽ là vấn đề trọng yếu ở Việt Nam cần được các địa phương quan tâm, vì mức ảnh hưởng do những biến động của lĩnh vực này là rất lớn.