80% rừng mất vì nông nghiệp

ThienNhien.Net – Nghiên cứu “Drivers of Deforestation and Forest Degradation” (Nguyên nhân mất và suy thoái rừng) do các nhà khoa học Canada và Hà Lan thực hiện vừa được công bố đã khẳng định 80% rừng bị mất là do nông nghiệp và khai thác gỗ là nhân tố lớn nhất dẫn đến suy thoái rừng.

Trên cơ sở phân tích nghiên cứu, báo cáo từ các chính phủ, Ngân hàng Thế giới và Liên hợp quốc, các nhà khoa học đã đưa ra một đánh giá tổng quan về nguyên nhân mất rừng.

Theo đó, Báo cáo đã liệt kê những nhân tố trực tiếp dẫn đến mất rừng và suy thoái rừng, và khẳng định canh tác nông nghiệp và nhu cầu chất đốt chính là nguyên nhân chính yếu của nạn mất rừng.

Tuy nhiên, những nhân tố gây mất rừng này cũng có mức độ khác nhau ở từng địa phương. Chẳng hạn, chăn nuôi gia xúc và canh tác nông nghiệp quy mô lớn là nguyên nhân chính dẫn đến mất rừng ở châu Mỹ La-tinh trong khi phát triển dầu cọ, nông nghiệp thâm canh và các đồn điền nguyên liệu sản xuất giấy, bột giấy mới là những nhân tố chính dẫn đến mất rừng ở Indonesia.

Ảnh: Mongabay

Bên cạnh đó, Báo cáo cũng xem xét những nguyên nhân gián tiếp gây ra nạn phá rừng bao gồm giá cả hàng hóa, nhu cầu tiêu dùng, xu hướng dân số, tham nhũng, hệ thống quản lý và các chính sách của chính phủ.

Các nhà nghiên cứu cho rằng tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu và nhu cầu ngày càng tăng đối với gỗ và các sản phẩm nông nghiệp là nguyên nhân gián tiếp quan trọng nhất gây ra nạn phá rừng.

Báo cáo cũng nhận định áp lực lên rừng thế giới sẽ tiếp tục gia tăng cùng với tốc độ gia tăng dân số toàn cầu và nhu cầu tiêu dùng. Tuy nhiên cũng có một số tín hiệu lạc quan từ các chiến lược tăng trưởng kinh tế không gây ảnh hưởng tới hiện trạng rừng. Các chiến lược đòi hỏi cách tiếp cận hợp lý của các quốc gia dựa trên quy hoạch sử dụng đất hiệu quả cùng các chính sách, đãi ngộ cho phép chuyển các hoạt động chi phí cơ hội cao đến những nơi có giá trị lưu trữ carbon thấp hơn mà không mất đi cơ hội phát triển kinh tế.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng giảm mất rừng và suy thoái rừng sẽ giúp giảm hàng trăm triệu tấn khí nhà kính phát thải mỗi năm, đồng thời giúp bảo tồn đa dạng sinh học và duy trì các hệ sinh thái quan trọng. Ngoài ra, những nỗ lực để cải thiện quản lý rừng còn giúp cải thiện hệ thống quản lý, tăng hiệu quả sử dụng đất và hạn chế tham nhũng.