Tăng cường năng lực quản lý chất thải điện tử lưu vực sông Mê Kông

ThienNhien.Net – Trong ba ngày từ 11 đến 13/07/2012, tại Hà Nội, Viện Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) và Trung tâm Phát triển vùng Liên hợp quốc (UNCRD) tổ chức Hội thảo Đào tạo về tăng cường năng lực kiểm soát các lô hàng chất thải điện tử, mặt hàng điện tử sắp hết hạn sử dụng bất hợp pháp tại  Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS).

Toàn cảnh hội thảo

Ngoài mục tiêu tăng cường hiểu biết trong việc kiểm soát việc buôn bán xuyên biên giới các chất thải điện tử và thiết bị điện tử sắp hết hạn sử dụng, hội thảo đánh giá các tác động của chất thải điện tử đối với sức khỏe môi trường lao động, an toàn và hiệu quả tài nguyên trong quá trình tái chế các chất này.

Qua đây,  các cơ quan môi trường và hải quan tại địa phương có thêm kinh nghiệm để kiểm soát có hiệu quả sự di chuyển xuyên biên giới của nhóm đối tượng độc hại này và nâng cao phối hợp liên ngành.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Văn Tài – Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường – nhận định đây là cơ hội tốt để Việt Nam cũng như các nước thuộc GMS chia sẻ ý tưởng, kinh nghiệm và rút ra các bài học quý báu trong quản lý thích hợp chất thải điện tử. Chất thải điện tử dù có thể gây ra ô nhiễm môi trường và sức khỏe nhưng cũng có ích vì nó thường chứa các vật liệu có giá trị. Do đó, khi chất thải điện tử được xử lý đúng quy trình và đúng cách, các vật liệu có thể được tái sử dụng một cách hiệu quả. Phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng các hệ thống tái chế chất thải điện tử sẽ có nhiều tác động tích cực như tiết kiệm được tài nguyên, tạo việc làm xanh, tăng cường việc làm bền vững cho các lao động tại các làng nghề…

Ông Tài nhấn mạnh thêm cùng với các vấn đề môi trường khác, quản lý chất thải điện tử là một vấn đề đáng được quan tâm. Do đó, tất cả các nước thuộc GMS cần xem xét nghiêm túc vấn đề quản lý chất thải điện tử như là một mối nguy hiểm môi trường cần được giải quyết càng sớm càng tốt. Đó cũng là xu thế tất yếu trong việc xây dựng và phát triển các thành phố xanh và bền vững.

Các ngành công nghiệp sản xuất thiết bị điện tử là một trong những ngành phát triển nhanh ở nhiều nước, đặc biệt là ở các nước công nghiệp. Cũng tại nơi đây sản sinh ra nhiều chất thải nguy hại nhất trên thế giới. Tình hình ô nhiễm ngày càng tăng bởi sự thay đổi của công nghệ ngày phát triển nhanh, chi phí đầu vào thấp, nhất là khi các công nghệ lỗi thời được liên tiếp thay thế bằng công nghệ mới hơn.Thông thường, vòng đời của một sản phẩm kỹ thuật số mới nhất chỉ được vài năm.Khi các thiết bị điện tử trở nên lỗi thời, các thiết bị này thường được tiêu hủy tại bãi chôn lấp hoặc lò đốt. Thực tế này dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng của chất thải điện tử. Ngày nay, các thiết bị điện tử ngày càng được sử dụng nhiều, chất thải điện tử đã trở thành một vấn đề thực sự nghiêm trọng không thể bỏ qua.Việt Nam là một quốc gia phát triển kinh tế phát triển nhanh chóng.

Trong 5 năm qua, kinh tế Việt Nam vẫn giữ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, với sự gia tăng GDP khoảng 6-7% ngay cả sau khi suy thoái kinh tế thế giới trong năm 2009. Đặc biệt, các thiết bị điện và điện tử đang bùng nổ dẫn đến sự gia tăng đáng kể chất thải điện tử. Sự gia tăng mạnh mẽ của chất thải điện tử hàng năm trong khi lại thiếu công nghệ xử lý thực sự đang là vấn đề đối với Việt Nam. Do đó, cần phải có một công cụ thiết thực trong việc quản lý chất thải điện tử nhằm tránh các rủi ro hiểm họa môi trường tiềm ẩn có thể xảy ra từ các bãi chôn lấp chất thải điện tử.