Tập trung xử lý mạnh vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm

ThienNhien.Net – Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Môi trường Thế giới (05/6/1972 – 05/6/2012) và làm rõ hơn về nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý – Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường (C49) thuộc Bộ Công an – đã trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về một số vấn đề liên quan. Trong đó, ông đặc biệt lưu ý cần phải xử lý mạnh các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATVSTP vì chúng liên quan đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng trên phạm vi rộng…

PV: Thưa Thiếu tướng, xin ông nói rõ hơn về thủ đoạn và phương thức hoạt động của tội phạm trong lĩnh vực ATVSTP hiện nay?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý (Ảnh: Từ Lương/VGP)

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Xu hướng vi phạm các quy định về ATVSTP tăng rất nhanh. Năm 2011, có gần 1.200 vụ vi phạm bị xử lý, trong đó, lực lượng Công an trực tiếp xử lý 135 vụ, 33 tổ chức, 88 đối tượng, phạt hành chính 1,5 tỷ đồng. Riêng 5 tháng đầu năm 2012, lực lượng Cảnh sát môi trường phát hiện 409 vụ vi phạm pháp luật về ATVSTP, đề xuất xử lý 253 vụ, với 300 cá nhân, 120 tổ chức, phạt 1,5 tỷ đồng, chuyển các cơ quan khác 179 vụ xử lý theo thẩm quyền. Như vậy có thể nói, tội phạm trong lĩnh vực này chưa giảm.

Những nơi thường xảy ra các vụ vi phạm lớn chủ yếu rơi vào địa bàn thành phố và vùng phụ cận, nơi tập trung đông dân cư, nhu cầu về thực phẩm lớn, như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…; các cửa khẩu, nơi tập trung hoạt động xuất – nhập khẩu hàng thực phẩm đông lạnh, như Móng Cái, Lạng Sơn, Lào Cai…; các cảng biển, cảng sông như Hải Phòng, Cát Lái…

Phương thức, thủ đoạn hoạt động, bên cạnh các hành vi vi phạm có tính chất truyền thống như sản xuất, chế biến thực phẩm không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu sản xuất không rõ nguồn gốc, xuất xứ, vận chuyển kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không được kiểm dịch, sử dụng thức ăn, hóa chất, chất phụ gia cấm sử dụng…, đã xuất hiện một số thủ đoạn mới như tình trạng phá kẹp chì container để lấy thực phẩm đông lạnh tạm nhập, tái xuất rồi tiêu thụ trong nội địa, sử dụng hóa chất độc hại trong chăn nuôi và chế biến thực phẩm như chất tạo nạc trong chăn nuôi lợn, xút công nghiệp để tinh luyện dầu dừa, phẩm màu công nghiệp có chứa Rhodamine B (có khả năng gây ung thư) trong sản xuất ớt bột và hạt dưa…

Các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép thực phẩm, gia súc, gia cầm qua biên giới liên tục thay đổi thời gian, địa điểm tập kết hàng vi phạm; thay đổi biển số xe hoặc sử dụng biển số giả, hóa đơn quay vòng; cho người trinh sát dò đường trước khi chuyển hàng; khi bị bắt giữ không có chủ hàng hoặc từ chối nhận hàng; các đối tượng sử dụng phương tiện thông tin liên lạc hiện đại, thậm chí cả vũ khí nóng, công cụ hỗ trợ để chống trả lực lượng kiểm tra… Qua đó cũng có thể thấy, các đối tượng phạm tội ngày càng tinh vi về thủ đoạn, manh động trong hành vi. Vì thế, công tác đấu tranh của các lực lượng chức năng ngày càng khó khăn hơn.

PV: Thưa ông, có dư luận cho rằng do chế tài không đủ sức răn đe, lực lượng chức năng mỏng và phân tán… nên vi phạm không giảm, thậm chí vụ sau lớn hơn vụ trước, đó là vài nhận định về công tác đấu tranh với loại tội phạm trong lĩnh vực này. Thiếu tướng suy nghĩ thế nào về những nhận xét trên?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Theo tôi, những kết quả đạt được trong thời qua đã cho thấy các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Thanh tra y tế, Thú y… đã đẩy mạnh thực hiện khá hiệu quả công tác điều tra phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về ATVSTP.

Cảnh sát Môi trường kiểm tra hàng hóa (Ảnh: Từ Lương/VGP)

Đặc biệt, lực lượng Cảnh sát môi trường từ Trung ương đến địa phương đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Công an, tập trung lập kế hoạch đấu tranh có hiệu quả, phát hiện nhiều vụ việc vi phạm lớn về ATVSTP được dư luận đồng tình ủng hộ, tạo bước chuyển biến trong công tác đấu tranh.

Tuy nhiên, kết quả trên chưa đánh giá đúng thực tế tình hình và cũng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay. Có nhiều nguyên nhân làm gia tăng tình hình tội phạm về ATVSTP, trong đó có một số lý do chủ yếu như hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu, bất cập và chưa đồng bộ; chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng nhóm mặt hàng, ban hành danh mục các chất cấm sử dụng trong thực phẩm còn rất chậm, không kịp thời, gây khó khăn cho quá trình giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát môi trường; việc xử lý hình sự đối với các hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm (tại Điều 244 Bộ luật Hình sự) rất khó thực hiện, do chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể (ví dụ quy định thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”) nên rất khó khăn cho hoạt động điều tra truy tố đối với các hành vi này, đồng thời thiếu sức răn đe mạnh mẽ với các đối tượng vi phạm. Đó là những lý do cơ bản khiến chúng tôi không thể khởi tố vụ án đối với những vi phạm rất nghiêm trọng mà bất cứ người dân nào cũng có thể nhận thấy.

Bên cạnh đó, năng lực cán bộ làm công tác đảm bảo ATVSTP còn hạn chế. Lực lượng Cảnh sát môi trường không có điều kiện hạ tầng kỹ thuật để lưu giữ, bảo quản tang vật vi phạm là các sản phẩm động, thực vật (dễ bị phân hủy). Kinh phí hỗ trợ việc tiêu hủy sản phẩm vi phạm còn thiếu (vì số tiền bảo quản sản phẩm bị lưu giữ lớn hơn rất nhiều so với số tiền xử phạt)…

PV: Thưa Thiếu tướng, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc phát hiện và xử lý những vụ vi phạm về ATVSTP trong thời gian qua? Về phía ngành Công an, ông có kiến nghị gì về việc phối hợp của các cơ quan này?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Hiện nay, công tác quản lý nhà nước về ATVSTP được giao cho Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, UBND các cấp và phân chia theo nhóm mặt hàng thực phẩm.

Thời gian qua, việc phân công trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP còn chồng chéo, thiếu tính thống nhất, cơ chế phối hợp hoạt động còn nhiều bất cập và nhất là chưa thật phù hợp với yêu cầu thực tiễn đặt ra.

Vì vậy, chúng ta cần xây dựng các thông tư liên tịch để hướng dẫn cụ thể các trường hợp phát sinh trong quá trình phát hiện, xử lý các vụ việc vi phạm pháp luật về ATVSTP có liên quan đến thẩm quyền quản lý nhà nước của nhiều bộ, ngành và trong việc đảm bảo các điều kiện đảm bảo nguồn kinh phí giám định, bảo quản, tiêu hủy tang vật là thực phẩm vi phạm.

PV: Để giải quyết, tháo gỡ những bất cập trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ATVSTP hiện nay, Thiếu tướng có kiến nghị gì với các cơ quan có thẩm quyền để lực lượng Cảnh sát môi trường thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình?

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Lý: Trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong cộng đồng, phát động phong trào quần chúng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về ATVSTP. Thường xuyên nêu gương các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt các quy định về ATVSTP, đồng thời công khai tên doanh nghiệp, cơ sở sản xuất vi phạm; nêu các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng để tăng sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung cho cộng đồng.

Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cần có Thông tư liên tịch Hướng dẫn cụ thể Điều 244 Bộ luật Hình sự để xác định thế nào là “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, từ đó có căn cứ điều tra, truy tố hành vi vi phạm ATVSTP.

Bộ Y tế, với tư cách là Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về ATVSTP, cần phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng Thông tư quy định “Danh mục chất cấm đưa vào thực phẩm cho người”, qua đó tạo cơ sở pháp lý trong quá trình xác định hành vi vi phạm ATVSTP.

Các bộ Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần khẩn trương ban hành Quy định các quy chuẩn kỹ thuật đối với từng nhóm mặt hàng thực phẩm nhằm tạo ra hàng rào kỹ thuật buộc các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chấp hành các quy định ấy. Từ đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình phát hiện, xử lý vi phạm của lực lượng Công an.

Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP cần có nội dung và quy định rõ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATVSTP của lực lượng Cảnh sát môi trường; tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về ATVSTP theo hướng phải đủ sức răn đe, tương ứng với các hành vi vi phạm.

Đề nghị Bộ Tư pháp chỉ đạo việc soạn thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trong đó bổ sung thẩm quyền cho lực lượng Cảnh sát môi trường được áp dụng các biện pháp ngăn chặn như tạm giữ, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, tước chứng chỉ hành nghề…

Cần tạo ra cơ chế phối kết hợp hiệu quả giữa các ngành, các lực lượng như Thú y, Hải quan, Quản lý thị trường và Cảnh sát môi trường, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp toàn xã hội trong đấu tranh với loại tội phạm thuộc lĩnh vực này.

Về phía lực lượng Cảnh sát môi trường, cần phải nâng cao hiệu quả hoạt động nghiệp vụ phòng, chống tội phạm về môi trường, đồng thời chúng tôi sẽ xử lý thật mạnh các đường dây, các tổ chức tội phạm lớn vi phạm về ATVSTP.