Xanh hóa ngành công nghệ thông tin ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Sáng 17/5, tại Hà Nội, Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (Global Compact Network Vietnam – GCNV) đã tổ chức Diễn đàn Công nghệ Thông tin Xanh. Đây là một trong chuỗi hoạt động của Mạng lưới nhằm thúc đẩy trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam đối với các vấn đề môi trường và xã hội.

Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Thanh Tuyên, Vụ phó Vụ Công nghệ Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO); đại diện các công ty, hiệp hội nghề nghiệp, cơ quan nhà nước cùng sự hiện diện của nhiều tổ chức phi chính phủ hoạt động tại Việt Nam.

Một vấn đề thu hút sự chú ý của đông đảo đại biểu tham dự Diễn đàn là việc xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam. Theo ông Trần Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), “bản thân rác điện tử không độc hại, nhưng các hóa chất có trong các thiết bị điện/điện tử rất nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người khi tháo dỡ hoặc xử lý chúng”.

Hiện nay, trong khi lượng rác thải điện tử đang tăng lên nhanh chóng thì việc thu gom, xử lý rác điện tử vẫn diễn ra nhỏ lẻ, không được kiểm tra, quản lý; quá trình xử lý còn thủ công, không đảm bảo an toàn lao động, lại tập trung nhiều lao động là phụ nữ, trẻ em và những nhóm dễ bị tổn thương. VEIA đề xuất cần thắt chặt quản lý nhà nước trong hoạt động xử lý rác thải điện tử.

Vấn đề xử lý rác thải điện tử ở Việt Nam vẫn còn vô số bất cập (Ảnh minh họa: Thongtincongnghe.com)

Cùng chia sẻ mối quan tâm này, một đại diện của Phòng Kiểm tra, Giám sát Ô nhiễm Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường bày tỏ lo ngại vì một số chất độc hại phổ biến trong rác thải điện tử như thủy ngân, chì, cadmi… trên thực tế không có cách xử lý. Liệu công nghệ mới có giúp các nhà sản xuất “xanh hóa” ngành công nghệ thông tin (CNTT) bằng cách giảm thiểu hoặc thay thế các chất này hay không vẫn đang còn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Bên cạnh vấn đề xử lý rác thải, Diễn đàn lần này còn tập trung giới thiệu kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc thúc đẩy “xanh hóa” ngành CNTT thông qua Hội đồng Xúc tiến Công nghệ Thông tin Xanh (Green IT Promotion Council – GIPC). Thành lập đầu năm 2008 với sự tham gia của nhiều hiệp hội doanh nghiệp và người tiêu dùng Nhật Bản, GIPC đã đứng ra xúc tiến các hoạt động khảo sát sử dụng năng lượng ở các doanh nghiệp, thúc đẩy các giải pháp, sáng kiến về công nghệ để giảm thiểu sử dụng năng lượng trong nhiều lĩnh vực như giao thông, giáo dục, lưu trữ dữ liệu, quản lý mẫu giấy tờ… Ngoài ra, GIPC cũng là “cha đẻ” của giải thưởng tôn vinh các tập thể thực hiện CNTT xanh, đồng thời là nơi tổ chức nhiều diễn đàn, tập huấn thúc đẩy quá trình “xanh hóa” ngành CNTT không chỉ ở trong nước mà còn trong khu vực và trên thế giới.

Hiệp ước Toàn cầu (Global Compact – GC) là sáng kiến của Nguyên Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Kofi Annan nhằm thúc đẩy trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp trên toàn cầu. Hiệp ước này đưa ra 10 nguyên tắc về nhân quyền, lao động, môi trường và chống tham nhũng mà các thành viên của Hiệp ước cam kết thực hiện. Mạng lưới Hiệp ước Toàn cầu Việt Nam (GCNV) được thành lập năm 2007 với sự hỗ trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Hiện GCNV có khoảng 90 thành viên.