Từng bước tiếp cận đồng quản lý rừng đặc dụng ở Mù Cang Chải

ThienNhien.Net – “Đồng quản lý rừng là hình thức mới nhưng bước đầu đã góp phần vào công tác bảo vệ rừng” – nhận định này được chia sẻ trong cuộc họp sơ kết hoạt động quý 1/2012 của Hội đồng tư vấn (HĐTV) Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải mới diễn ra tại trụ sở Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, Yên Bái.

Một góc KBT Mù Cang Chải (Ảnh: ThienNhien.Net)

Kinh nghiệm tại KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải cho thấy khó khăn lớn nhất đối với quản lý bảo vệ rừng ở địa phương là vấn đề lực lượng tuần tra còn mỏng, phải kiêm nhiệm nhiều việc. Công tác tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng và tuân thủ pháp luật về bảo vệ rừng trên địa bàn chưa đạt hiệu quả kỳ vọng, vẫn còn tình trạng người dân mua bán và sử dụng bẫy, kíp nổ, cưa máy để săn bắn và khai thác lâm sản trái phép.

Trên cơ sở tiền thân là Hội đồng bảo vệ rừng, Hội đồng tư vấn của KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải được thành lập cuối năm 2011 với mục tiêu thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan, liên kết các xã vùng đệm để cùng quản lý bảo vệ rừng.

Thành viên của Hội đồng hiện nay gồm 3 cán bộ kiểm lâm (trong đó có hạt trưởng hạt kiểm lâm huyện làm chủ tịch Hội đồng và 2 cán bộ kiểm lâm KBT), 5 đại diện của 5 xã giáp ranh KBT, 4 cán bộ chuyên trách của huyện về các mảng nông lâm nghiệp, tài nguyên môi trường, công an, tư pháp, 1 đại diện của huyện đoàn và 1 đại diện Hội Nông dân.

So với trước đây, chức năng của Hội đồng đã mở rộng hơn, không chỉ dừng ở việc tham mưu cho cơ quan quản lý hay kết nối Ban quản lý KBT với người dân sống trong khu vực. Hội đồng sẽ chủ động phối hợp với Ban quản lý KBT trong công tác quản lý rừng và phát huy vai trò quản lý tài nguyên thiên nhiên của người dân một cách tích cực.

Việc thành lập Hội đồng tư vấn cho Khu bảo tồn đã được sự hỗ trợ của dự án “Sự tham gia của các tổ chức bảo tồn địa phương trong quản lý và bảo vệ rừng đặc dụng”, do Tổ chức Bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên phối hợp với Chi cục kiểm lâm tỉnh Yên Bái thực hiện, triển khai từ năm 2010.

Mặc dù khái niệm “đồng quản lý” đối với các thành viên của Hội đồng còn mới nhưng hoạt động của Hội đồng bước đầu cũng đã có kết quả. Thông qua cuộc họp, các thành viên có trách nhiệm ở địa phương đã trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan tới công tác phối hợp quản lý bảo vệ rừng tại khu bảo tồn. Hội đồng cũng đã đưa ra những kiến nghị quan trọng về mặt quản lý. Thay mặt Hội đồng, ông Vàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, kiêm Phó trưởng ban quản lý Khu bảo tồn và Chủ tịch Hội đồng đã đề nghị tách Ban quản lý khu bảo tồn đang kiêm nhiệm hiện nay ra khỏi Hạt kiểm lâm huyện Mù Cang Chải, nhằm tăng cường hơn mức độ chuyên trách và lực lượng cho quản lý bảo vệ khu bảo tồn.

Hy vọng rằng những kinh nghiệm thực tiễn trong việc thành lập và duy trì hoạt động của Hội đồng tư vấn tại KBT loài và sinh cảnh Mù Cang Chải sẽ là những bài học quý để mở rộng sáng kiến đồng quản lý, nâng cao vai trò và tiếng nói của cộng đồng trong quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng trên cả nước.