Hãy nhìn vào sau “tấm rèm”!

ThienNhien.Net – Tờ Đối thoại Trung Hoa gần đây có đăng bài phỏng vấn đáng chú ý của phóng viên Isabel Hilton đối với Tiến sĩ Vũ Tiểu Cương. Là người sáng lập ra Green Watershed – một tổ chức hoạt động vì môi trường tại thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) , TS. Vũ Tiểu Cương từng nhận giải thưởng môi trường danh giá Goldman 2006. Ông có nhiều lý lẽ để lo ngại về sự thao túng quyền lực của những nhóm lợi ích đặc biệt trong nền kinh tế Trung Quốc đương đại, đồng thời cũng đưa ra nhận định các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đang thúc đẩy chính phủ nước này thực hiện một kế hoạch nhảy vọt về phát triển thủy điện, song họ sẽ vấp phải những vận động trái chiều từ phía các tổ chức phi chính phủ.

– Xin ông giải thích rõ hơn về những nhóm lợi ích đặc biệt và vì sao ông lại quan tâm tới họ?

TS. Vũ Tiểu Cương: Điều đầu tiên cần nhắc tới là vấn đề độc quyền, sau đó là vấn đề quyền lực và khả năng về vốn. Nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình chuyển dịch: trước đây, với nền kinh tế tập trung, tất cả các doanh nghiệp lớn và các ngành chủ đạo đều thuộc quyền kiểm soát của nhà nước. Tuy nay nền kinh tế đã chuyển sang cơ chế thị trường nhưng các doanh nghiệp lớn do nhà nước quản lý vẫn có thế lực lớn và vì vậy họ có những thế mạnh nhất định trong nền kinh tế. Họ tận dụng ảnh hưởng đối với tới chính phủ để có cơ hội tiếp cận các nguồn vốn, rồi thu hút đầu tư thông qua thị trường chứng khoán hoặc trái phiếu.

Thông qua các doanh nghiệp này, Nhà nước cũng có lợi: về thuế hoặc về khả năng kiểm soát, bởi các doanh nghiệp này luôn theo sự định hướng của Nhà nước. Nhà nước vẫn chi phối nền kinh tế thị trường vì là cổ đông lớn trong một số ngành. Chẳng hạn như đối với ngành năng lượng, tỉ lệ cổ phần Nhà nước kiểm soát là 70%.

Nhà môi trường, TS. Vũ Tiểu Cương (Yu Xiaogang)

– Điều này ảnh hưởng ra sao tới việc xây dựng đập thủy điện ở Trung Quốc?

TS. Vũ Tiểu Cương: Chính phủ có thể chi phối một số ngành công nghiệp chủ chốt như đường sắt, hàng không, năng lượng và viễn thông. Chính phủ chủ trương như vậy, nhưng điều này lại mâu thuẫn với hệ tư tưởng và chính những mục tiêu mà chính phủ đang hướng tới, chẳng hạn mục tiêu về một xã hội công bằng, dân chủ. Những doanh nghiệp độc quyền này đang đi ngược lại những mục tiêu đó.

Mặc dù chính phủ mong muốn cải thiện chính sách và hướng tới “văn minh chính trị”, song chúng tôi cho rằng có ba khía cạnh cần quan tâm từ sự độc quyền quản lý các doanh nghiệp nhà nước của chính phủ hiện nay: chính phủ vừa là chủ doanh nghiệp, chính phủ vừa là những người ra quyết định (hay chí ít cũng có thể chi phối các quyết định), và chính phủ cũng đồng thời kiểm soát thị trường. Điều này có nghĩa chính phủ kiểm soát mọi thứ, như vậy không hề thúc đẩy thị trường tự do hay “văn minh chính trị”. Thậm chí, điều này có thể dẫn đến nhiều xung đột, bởi sự tập trung quyền lực và vốn thường đi ngược lại với lợi ích của người dân, ngược lại với dân chủ và sự tham gia của công chúng.

– Các tổ chức xã hội Trung Quốc đã rất nỗ lực ngăn cản việc xây đập theo Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm lần thứ 11. Nhưng trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 này, dường như sẽ có “Bước nhảy lớn” về phát triển các đập thủy điện. Liệu sẽ có một đợt sóng mới nào đó?

TS. Vũ Tiểu Cương: Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm lần thứ 12 bị tác động mạnh mẽ bởi các nhóm lợi ích như tôi đã chia sẻ. Trước khi Kế hoạch này hoàn thành, chúng tôi đã quan sát ý kiến của nhiều viện nghiên cứu, nhiều cơ quan chức năng (chẳng hạn như Cơ quan năng lượng quốc gia), các nhà quyết sách và các chuyên gia cố vấn đều cho rằng chính các tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự đã đưa ra những khuyến cáo sai lầm đối với kế hoạch 5 năm lần thứ 11 và rằng các tác động về xã hội và môi trường của thủy điện chẳng có gì là tiêu cực. Họ quy kết rằng cộng đồng quốc tế và các tổ chức xã hội có ý đồ cố tình tấn công vào chính sách phát triển thủy điện của Trung Quốc. Chính bởi sự can thiệp làm gián đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 11 mà trong Kỳ kế hoạch tiếp theo cần có một “Bước nhảy lớn” về thủy điện.

Chúng tôi thấy rất rõ rằng những ý kiến này đã ảnh hưởng đến những người ra quyết định, các tổ chức phi chính phủ có thể làm điều gì đó. Cá nhân tôi đánh giá rằng việc phá vỡ những luận điểm trên là vô cùng quan trọng, vì những luận điểm ấy chi phối rất lớn đến việc ra quyết định của chính phủ. Các tổ chức phi chính phủ cần mổ xẻ kỹ vấn đề này, cần vạch mặt chỉ tên các nhóm lợi ích đặc biệt “đằng sau tấm rèm” mà xã hội còn ít động chạm tới .

Nhiều người cho rằng các doanh nghiệp nhà nước tốt hơn các công ty tư nhân bởi ít ra họ cũng hoạt động vì lợi ích của người đóng thuế. Người ta không biết rằng chính những doanh nghiệp này đang hủy hoại nền kinh tế và hệ thống chính trị, cũng như xâm hại lợi ích của người nộp thuế. Mọi người cần phải biết về điều này.

Những nhóm này không hề quan tâm đến các tác động về môi trường và xã hội, vì sao? Chỉ vì họ muốn tối đa hóa lợi nhuận. Đó là lý do tại sao mà các tổ chức hoạt động xã hội nên tìm hiểu xem những lợi ích nào còn che giấu sau tấm rèm kia? Có vậy mới hiểu được tại sao những doanh nghiệp này không chịu lắng nghe và hiểu được cách thức họ “lái” các quyết định của chính phủ theo hướng có lợi cho mình. Các tổ chức xã hội cần thực hiện chức năng giám sát và cần phải đưa sự thật đến với dư luận. Người dân có thể sẽ có những giải pháp của họ, dù là đơn lẻ hoặc có tổ chức.

– Vậy theo ông giải pháp là gì?

TS. Vũ Tiểu Cương: Có rất nhiều giải pháp có thể thực hiện. Một số thiên về tính chất chính trị. Chẳng hạn, một số người cho rằng các doanh nghiệp nhà nước nên hoạt động theo lợi nhuận. Nhiều người thì không tán thành điều đó và cho rằng họ có thể đóng thuế cho Nhà nước song không nên chia lợi nhuận. Những người đóng thuế phải là chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và vai trò của họ cần được thừa nhận. Chính phủ cần phải là đại diện cho quan điểm của nhân dân.

Trước hết, doanh nghiệp nhà nước cần kinh doanh minh bạch và chia sẻ lợi nhuận thu được với các quỹ an sinh xã hội, các tổ chức xóa đói giảm nghèo hay những tổ chức dịch vụ công khác.

Thứ đến, chính phủ không nên quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp nhà nước. Như lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải, chúng ta không hề thiếu giải pháp, chẳng hạn giải pháp chú trọng và đầu tư phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hay quản lý nhu cầu về năng lượng bằng những công nghệ đơn giản. Có hai cách tiếp cận phổ biến, đó là kiểm soát và đối trọng thông qua phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Còn một vấn đề nữa là kiểm tra và giám sát. Chúng ta nên ép các doanh nghiệp nhà nước tuân thủ các quy luật thị trường và giảm sự độc quyền.

– Cá nhân ông có trông đợi việc đình chỉ xây dựng các đập thủy điện đã được đề xuất trong kế hoạch 5 năm lần thứ 12?

TS. Vũ Tiểu Cương: Tất nhiên rồi. Tôi cho rằng trong 60 năm qua, Trung Quốc đã xây dựng quá nhiều đập. Rất nhiều đập lớn đã ra đời, đặc biệt là trong thập kỷ qua. Những dòng sông còn lại ngày nay chưa được khai thác đều nằm trong những khu vực có nguy cơ địa chấn, do đó việc xây đập ở những nơi này sẽ rất nguy hiểm cho người dân ở vùng hạ lưu; rất cần có những đánh giá tác động môi trường. Trước hết, chúng ta phải tính toán được chi phí một cách đầy đủ.

Người ta có thể lý luận rằng chúng ta cần năng lượng, song cũng phải nghĩ đến một khía cạnh khác là tiêu thụ năng lượng một cách hợp lý. Cần đầu tư và giáo dục cho nội dung này. Chính phủ cần thay đổi định hướng. Chỉ với cách này, chúng ta mới có thể tiết kiệm và hạn chế tiêu dùng năng lượng. Và cũng chỉ với cách đó, chúng ta mới có thể ngừng việc xây đập lại. Trước tiên hãy cho người dân biết những rủi ro, và rồi hướng chính phủ quan tâm tới những giải pháp phi tập trung để giải quyết vấn đề.