Lý giải sự phát triển chậm chạp của việc cấp chứng chỉ rừng bền vững tại Việt Nam

ThienNhien.Net – Không chỉ mang lại lợi ích cho chủ rừng từ nguồn gỗ khai thác có giá trị cao hơn, chứng chỉ rừng bền vững còn được xem là cơ hội giúp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị rừng. Tuy nhiên, việc triển khai cấp loại chứng chỉ này hiện vẫn gặp một số khó khăn về mặt kỹ thuật, năng lực chuyên môn, vốn cũng như vấn đề về cơ chế chính sách. Đây là những nhân tố chính yếu cản trở nỗ lực đạt trên 1,86 triệu ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững vào năm 2020 của Việt Nam – như trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Quốc gia đã đề ra. Và đó cũng là lý do tại sao trong rất nhiều cuộc họp bàn về kế hoạch bảo vệ, phát triển rừng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn luôn đốc thúc rốt ráo vấn đề này, trong đó đề cập đến một số hướng đi nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại.

Kết quả vẫn rất khiêm tốn

Việt Nam hiện có trên 13 triệu ha rừng với độ che phủ khoảng trên 40%, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 10 triệu ha và gần 3 triệu ha còn lại là rừng trồng. Để quản lý và bảo vệ diện tích rừng hiện có, Chính phủ đã giao phần lớn diện tích rừng cho 7 nhóm chủ rừng khác nhau, bao gồm các ban quản lý, các công ty lâm nghiệp, các hộ gia đình, các tổ chức kinh tế, lực lượng quân đội vũ trang, cộng đồng dân cư thôn bản… Hiện vẫn còn khoảng 2,4 triệu ha (chủ yếu là rừng sản xuất) chưa được giao và đang được quản lý bởi chính quyền cấp xã.

Quản lý rừng bền vững và phát triển nguồn tài nguyên rừng là 1 trong 5 mục tiêu cơ bản được xác định trong Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Quốc gia đến năm 2020. Theo nội dung Chiến lược, khoảng 30% diện tích rừng sản xuất của Việt Nam – tương đương với trên 1,86 triệu ha – sẽ đáp ứng tiêu chí quản lý rừng bền vững thông qua việc đạt chứng chỉ đến năm 2020. Và để thực hiện mục tiêu này, mô hình quản lý rừng bền vững đã và đang được thực hiện thí điểm tại một số địa phương, tuy nhiên cho đến nay, diện tích rừng đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững vẫn hết sức khiêm tốn.

Theo thống kê của Hội đồng Quản trị Rừng Quốc tế (FSC), Việt Nam hiện mới có trên 46.000 ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ – một con số quá nhỏ so với mục tiêu đạt trên 1,86 triệu ha, trong đó đơn vị có diện tích rừng được cấp chứng chỉ lớn nhất – Công ty lâm nghiệp Đắk Tô, Kon Tum – cũng chỉ đạt chứng chỉ Gỗ có kiểm soát FSC ở mức 16.318 ha, còn đơn vị thấp nhất (một nhóm hộ gia đình ở Quảng Trị) chỉ đạt khoảng 317 ha.

Mục tiêu đạt trên 1,86 triệu ha diện tích rừng được cấp chứng chỉ bền vững vào năm 2020 của Việt Nam sẽ khó trở thành hiện thực nếu một số vấn đề vướng mắc không sớm được tập trung tháo gỡ (Ảnh minh họa: ThienNhien.Net)

5 vấn đề cần gỡ vướng

Rõ ràng, việc thực hiện mục tiêu như Chiến lược đã đề ra là vô cùng khó khăn nếu không muốn nói là không thể. Vậy điều gì đã dẫn đến sự phát triển chậm chạp của chứng chỉ rừng bền vững tại Việt Nam?

Lý do cần phải kể tới trước tiên là hiện nay Việt Nam vẫn chưa ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, trình tự quản lý rừng bền vững. Các hoạt động có liên quan đến quản lý rừng bền vững cũng mới chỉ dừng ở mức độ thí điểm, và thông thường đều phải nhờ sự hỗ trợ từ các dự án tài trợ từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu nguồn nhân lực về quản lý, tổ chức trong quản lý rừng bền vững, thiếu kiến thức về kinh tế và kỹ thuật cũng khiến việc áp dụng chứng chỉ rừng bền vững khó đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Hiện tại, để đạt được chứng chỉ, các chủ rừng phải xây dựng được phương án quản lý rừng bền vững, tuân thủ theo 10 nguyên tắc (1) do FSC đề ra. Tuy nhiên, nhiều đơn vị chủ rừng hiện vẫn khá lúng túng trong việc triển khai thực hiện các nguyên tắc này.

Song song với đó, vấn đề chi phí cho việc đánh giá để cấp chứng chỉ không hề nhỏ và không phải tất cả các chủ rừng muốn đạt chứng chỉ đều có thể có nguồn lực tài chính để làm việc này. Chi phí đánh giá để cấp chứng chỉ rất khác nhau, phụ thuộc vào các yếu tố như tình trạng rừng, diện tích cần cấp chứng chỉ và các yếu tố địa hình.

Trong Hội thảo “Chứng chỉ rừng bền vững: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam(2) tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 2, một số con số mang tính chất tham khảo đã được các tổ chức đánh giá cấp chứng chỉ đưa ra, bao gồm: khoảng 40.000 đô la sử dụng cho việc đánh giá với diện tích khoảng 10.000 ha rừng, và khoảng 20.000 đô la cho việc đánh giá 2 năm tiếp theo, sau khi chứng chỉ đã được cấp; chi phí cho đánh giá khoảng 2.100 ha rừng của các hộ gia đình tại Phú Thọ khoảng 1.5 tỉ đồng; chi phí đánh giá cho chứng chỉ gỗ có kiểm soát của Công ty lâm nghiệp Đắk Tô khoảng 12.000 đô la; chi phí đánh giá khoảng 11.700 ha của Tập đoàn Cao su vào khoảng 200.000 đô la…

Tuy nhiên, điều quan trọng là để có thể sẵn sàng cho việc đánh giá, các chủ rừng phải có được phương án quản lý rừng bền vững, thế nhưng theo ông Võ Trường Thành – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần kỹ nghệ gỗ Trường Thành, để làm được điều này thì chủ rừng có thể phải trả “một khoản chi phí khổng lồ”.

Nếu không có sự hỗ trợ rất lớn cả về kỹ thuật và tài chính trong vòng 5-6 năm gần đây từ Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ), Công ty Lâm nghiệp Đắk Tô cũng không thể xây dựng được phương án quản lý rừng bền vững, và vì vậy cũng sẽ không thể đạt được chứng chỉ. Mô hình chứng chỉ hộ gia đình tại Quảng trị cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ tổ chức Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Một vấn đề quan trọng khác cũng gây khó khăn không kém là để có được chứng chỉ, các chủ rừng buộc phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hợp pháp, hay nói cách khác là sổ đỏ. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu hết các chủ rừng là tổ chức vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Điều này do một số nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất bao gồm mâu thuẫn về ranh giới giữa chủ rừng và người dân địa phương, và do chủ rừng không có kinh phí để trả cho việc đo đạc đất đai cũng như công tác lập bản đồ.

Mặt khác, để làm chứng chỉ rừng, chủ rừng cần phải minh bạch về tài chính – điều này là điều kiện tiên quyết nhằm xây dựng phương án quản lý rừng bền vững. Dù vậy, cho đến nay, nhiều chủ rừng vẫn chưa sẵn sàng cho việc này.

Theo ông Hà Công Tuấn, đại diện Tổng cục Lâm nghiệp, quản lý rừng bền vững vừa là mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ Việt Nam, vừa là xu hướng quốc tế, vì vậy, dù gặp khó khăn đến mấy Việt Nam cũng phải gắng làm cho bằng được, nhất là trong bối cảnh ngành gỗ chế biến xuất khẩu của Việt Nam đang tham gia rất sâu vào sân chơi quốc tế, và việc sử dụng nguồn gỗ có chứng chỉ là yêu cầu gần như bắt buộc đối với một số thị trường.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian tới, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ ban hành thông tư về tiêu chí và trình tự nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững tại Việt Nam. Sự thay đổi về chính sách này sẽ tạo cơ hội cho việc mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có một chương trình vĩ mô, đồng bộ hơn nhằm giải quyết 5 khó khăn đã đề cập nhằm góp phần vào việc quản lý rừng bền vững tại Việt Nam trong tương lai.


(1) Các nguyên tắc này bao gồm: (1) tuân thủ theo luật pháp và các nguyên tắc của FSC; (2) hưởng dụng đất, quyền sử dụng và các trách nhiệm đi kèm; (3) quyền của người bản địa; (4) quan hệ cộng đồng và quyền của người lao động; (5) lợi ích thu được từ rừng; (6) tác động môi trường; (7) kế hoạch quản lý; (8) giám sát và đánh giá; (9) duy trì diện tích rừng có giá trị bảo tồn cao; và (10) rừng trồng.

(2) Hội thảo “Chứng chỉ rừng bền vững: cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 24/2/2012, do Tổng cục Lâm nghiệp phối hợp với Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, với sự giúp đỡ của tổ chức Forest Trends (Hoa Kỳ) và Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ).