Cháy rừng có thể bất ngờ và không cảnh báo trước

ThienNhien.Net – Mặc dù không nằm trong nhóm các địa phương bị cảnh báo cháy rừng ở cấp nguy hiểm hoặc cấp cực kỳ nguy hiểm theo thông tin cảnh báo gần đây của Cục Kiểm lâm, song Lào Cai lại là địa phương đầu tiên trong tháng 3 để xảy ra cháy rừng trên quy mô lớn. Vụ cháy rừng kéo dài nhiều ngày tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên là bài học cho thấy, cháy rừng có thể đe dọa bất ngờ và không có cảnh báo, vì vậy không thể chủ quan, lơ là trong công tác tuần tra, bảo vệ rừng.

Hỏa hoạn xảy ra tại khu rừng gần ngã ba suối Nà Háng thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa, Lào Cai, nơi có độ cao lên tới 1.750 m nên dễ có thể hiểu tại sao hầu hết các vụ cháy rừng tại Hoàng Liên lại khó có thể dập tắt tức thì. Ngoài việc phải mất một khoảng thời gian tương đối dài mới có thể lên được khu vực xảy ra đám cháy thì các yếu tố bất lợi về địa hình, thời tiết, phương tiện cũng là những nhân tố quan trọng cản trở nỗ lực cứu hỏa của các cơ quan chức năng và người dân địa phương. Phương án cắt băng cản lửa, vì thế luôn được xem là sự lựa chọn tối ưu cho những đám cháy tương tự tại khu vực này.

Cùng trong thời gian tương tự của năm 2010, Vườn Quốc gia Hoàng Liên cũng từng xảy ra đám cháy kéo dài tới 10 ngày, thiêu trụi hàng chục ngàn ha rừng. Còn trong vụ cháy rừng xảy ra từ 2/3 vừa qua thì tổng thiệt hại ước tính cũng lên tới 70 – 80 ha rừng. Và theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tuấn, đám cháy xảy ra trên chính khu rừng tái sinh sau trận cháy rừng năm 1998, nằm trọn trong khu vực Vườn quốc gia Hoàng Liên – Sa Pa, nơi được công nhận là Vườn di sản ASEAN vào năm 2003.

Hiện nguyên nhân vụ cháy chưa được xác định rõ nhưng nghi vấn tập trung phần lớn vào việc người dân vào rừng chăm sóc thảo quả và làm rẫy, vì bất cẩn nên để xảy ra cháy rừng. Dự kiến trong tuần tới, UBND tỉnh Lào Cai sẽ họp kiểm điểm, làm rõ nguyên nhân gây cháy cũng như trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, đơn vị và địa phương liên quan.

Cách đây ít ngày, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ra công điện yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng cháy rừng, địa phương nào để xảy ra cháy rừng, phá rừng nghiêm trọng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và xử lý đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Mặc dù các đám cháy tại Hoàng Liên đến nay đã được dập tắt hoàn toàn, song bài học cẩn trọng từ những sự vụ tương tự chắc hẳn sẽ không bao giờ thừa đối với bất cứ khu vực, đơn vị và địa phương nào, nhất là những địa phương trọng điểm về rừng.

Dưới tác động bất lợi của yếu tố thời tiết như nắng, gió, hanh khô..., đám cháy ngày càng lan rộng, bao phủ mịt mờ các khu vực rừng lân cận

Ngay khi xảy ra đám cháy, các cơ quan chức năng đã cấp tốc họp bàn biện pháp ứng phó

Công tác hậu cần cũng khẩn trương theo tiến độ chữa cháy

Cùng với lực lượng kiểm lâm, biên phòng..., người dân địa phương nỗ lực tham gia chữa cháy và cắt băng cản lửa
Phút nghỉ ngơi giữa trưa hiếm hoi...
Quang cảnh góc rừng sau đám cháy
Được thành lập vào tháng 7 năm 2002 với diện tích bao phủ gần 30.000 ha, Vườn quốc gia Hoàng Liên là nơi cư trú của hơn 2.000 loài thực vật và hàng trăm loài động vật, trong đó có rất nhiều loài quý hiếm có tên trong Sách Đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Đây cũng đồng thời là một trong những vùng cảnh quan đa dạng về sinh học ở Việt Nam nói riêng và vùng Đông Dương nói chung, cũng là một trong những nơi được ưu tiên bảo tồn hàng đầu về tầm quan trọng sinh học của miền Bắc Việt Nam.