Chia sẻ lợi ích với cộng đồng để bảo vệ rừng đặc dụng tốt hơn

ThienNhien.Net – Vừa qua, Chính phủ ban hành Quyết định 126/QĐ-TTg về việc “thí điểm chia sẻ lợi ích trong việc quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng” tại VQG Xuân Thủy (Nam Định) và VQG Bạch Mã (Quảng Nam và Thừa Thiên – Huế). Trong cuộc trao đổi với ThienNhien.Net, ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy tán đồng rằng “chia sẻ lợi ích, quyền và nghĩa vụ của Ban quản lý các khu rừng đặc dụng với cộng đồng địa phương theo nguyên tắc đồng quản lý sẽ góp phần làm tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân sống trong rừng đặc dụng và vùng đệm rừng đặc dụng, đồng thời giúp bảo vệ rừng tốt hơn”. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

– Thưa ông, để thực hiện cơ chế chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng chắc chắn cần những điều kiện nhất định. VQG Xuân Thủy có những lợi thế nào để được lựa chọn thực hiện thí điểm?

Ông Nguyễn Viết Cách: Được lựa chọn thực hiện thí điểm Quyết định 126 là vinh dự của VQG Xuân Thủy. Có thể nói, chúng tôi được chọn vì nhiều nguyên nhân nhưng tựu chung lại ở ba điểm. Thứ nhất, VQG Xuân Thủy phần nào đó đã có kinh nghiệm trong việc thực hiện cơ chế thí điểm này, từ năm 2006, chúng tôi đã triển khai Đề án “Đồng quản lý sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn lợi ngao giống tự nhiên theo mùa vụ ở cửa sông Hồng”, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định, UBND tỉnh Nam Định phê duyệt, và triển khai khá hiệu quả cho đến nay.

Thứ hai, tài nguyên đất ngập nước ở Xuân Thủy có rất nhiều lợi thế để thực hiện cơ chế thí điểm này: hệ sinh thái đất ngập nước ở vùng cửa sông ven biển là hệ sinh thái mở, rất giàu tiềm năng và có khả năng tự phục hồi cao. Lợi ích mà Xuân Thủy chia sẻ đối với cộng đồng địa phương chủ yếu là nguồn lợi thủy sinh khá dồi dào. Nếu biết sử dụng hợp lý thì vừa có thể nâng cao đời sống người dân, vừa đảm bảo cho VQG Xuân Thủy thực hiện tốt các mục tiêu cơ bản của nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên ở khu vực như: bảo tồn rừng ngập mặn, chim thú và động vật hoang dã, cân bằng thủy sinh.

Thứ ba, những tập quán canh tác truyền thống khá bền vững cùng với mặt bằng chung về trình độ dân trí khá cao của cộng đồng dân cư cũng là tiền đề thuận lợi cho Xuân Thủy áp dụng tốt cơ chế trên.

– Có nghĩa là Xuân Thủy đã sẵn sàng bắt tay vào thực hiện ngay chương trình thí điểm?

Ông Nguyễn Viết Cách: Như tôi đã nói ở trên, cơ chế thí điểm này được manh nha ngay từ khi Xuân Thủy tham gia Công ước Ramsar, sau đó được duy trì thực hiện trong suốt quá trình Xuân Thủy trở thành Khu Bảo tồn Thiên nhiên và VQG như hôm nay. Thành thực mà nói, Quyết định được ban hành vào ngày 2/2/2012, cũng mới đây thôi, nhưng Xuân Thủy đã có nền tảng được chuẩn bị từ trước nên không hề bỡ ngỡ khi bắt tay vào thực hiện.

Ngoài ra, từ những thể nghiệm về đồng quản lý, sử dụng khôn khéo tài nguyên đất ngập nước của Khu Bảo tồn Thiên nhiên với cộng đồng địa phương từ những năm 90 của thế kỷ trước đã giúp cho Xuân Thủy thực hiện tốt mục tiêu bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên và môi trường ở khu vực.

Chia sẻ lợi ích với người dân sẽ giúp VQG Xuân Thủy bảo vệ rừng tốt hơn (Ảnh: ThienNhien.Net)

– Xin ông cho biết, việc thí điểm sẽ triển khai đối với toàn bộ hay chỉ một phần diện tích của Vườn?

Ông Nguyễn Viết Cách: Việc thí điểm được thực hiện trên hầu khắp phần diện tích do VQG quản lý và một phần rừng ngập mặn ở vùng đệm. Trên thực tế, việc sử dụng tài nguyên đất ngập nước của cộng đồng ven biển là một truyền thống và là nhu cầu khá lớn của các đối tượng cư dân địa phương. Bởi vậy, tôi cho rằng công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên trong bối cảnh hiện nay của chúng ta cần có hướng thích nghi hiệu quả. Đúng như khuyến cáo của Công ước Ramsar là: các Ramsar site cần phải thực hiện công tác quản lý bảo tồn đất ngập nước nhằm đáp ứng lợi ích trước mắt của cộng đồng địa phương, mặt khác cần khôn khéo lồng ghép thực hiện mục tiêu đảm bảo lợi ích lâu dài của quốc gia và quốc tế. Như vậy chúng ta cần tìm cách đưa hoạt động sử dụng tài nguyên tự nhiên của cộng đồng địa phương vào thế ổn định, được kiểm soát một cách nề nếp, nhằm đảm bảo việc kết hợp hài hòa giữa yêu cầu bảo tồn và phát triển. Việc làm này là một yêu cầu cấp thiết trong hoàn cảnh hiện tại và cũng là một phương cách đem lại hiệu quả thiết thực cho công tác quản lý bảo tồn thiên nhiên ở VQG Xuân Thủy nói riêng và các khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam nói chung.

– Với điều kiện của mình, VQG Xuân Thủy sẽ thực hiện những phương án chia sẻ lợi ích tiềm năng nào?

Ông Nguyễn Viết Cách: Chúng tôi chia sẻ với cộng đồng những lợi ích cụ thể như: Ngao giống tự nhiên ở khu vực đất ngập nước thuộc cửa sông Hồng và khu vực ở giữa Cồn Lu – Cồn Ngạn với diện tích 1500 ha; Tôm, cua, cá, nhuyễn thể trong khu vực rừng ngập nặm trồng phòng hộ trong vùng đệm của 3 xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân (1000 ha); Tôm, cua, cá, nhuyễn thể tại khu vực có rừng ngập mặn tự nhiên (1000 ha); Nuôi ngao tại phân khu phục hồi sinh thái tại Cồn Lu (1300 ha), và khai thác các dược liệu như củ gấu, sài hồ, sâm đất, dứa dại… thuộc rừng phi lao ở Cồn Lu (200 ha).

VQG Xuân Thủy sẽ tập trung hướng cộng đồng vào các hoạt động: Quản lý sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn lợi ngao giống tự nhiên theo mùa vụ; Quản lý và nhận khoán bảo vệ rừng ngập mặn, không nhận kinh phí khoán bảo vệ rừng mà hưởng nguồn lợi thủy sản ở dưới tán rừng tự nhiên; Sử dụng khôn khéo và bền vững nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng ngập mặn; Quản lý sử dụng bền vững khu nuôi ngao quảng canh đồng thời bảo tồn tốt vùng chim quan trọng ở khu vực; Sử dụng bền vững tài nguyên dược liệu.

Ngoài ra, Vườn còn có thể chia sẻ lợi ích với cộng đồng bằng Cơ chế thu chi từ việc bán Chứng chỉ các-bon rừng ngập mặn, hoặc tạo điều kiện cho cộng đồng địa phương sử dụng tài nguyên tự nhiên ở vùng lõi cho các hoạt động tổ chức thăm quan du lịch của cộng đồng. Người dân tham gia thí điểm sẽ được bồi dưỡng các kiến thức về bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, du lịch sinh thái và phát triển bền vững rừng đặc dụng.

– Liệu có những khó khăn, rủi ro nào có thể phát sinh trong quá trình thực hiện?

Ông Nguyễn Viết Cách: Đương nhiên trong quá trình thực hiện sẽ có những khó khăn và rủi ro phát sinh. Tôi lấy ví dụ: trong quá trình thực thi có thể xảy ra việc phối kết hợp chưa kịp thời và chưa đồng bộ giữa các bên liên quan. Ngoài ra, một số đối tượng hữu quan có thể cố tình lách luật để mưu lợi cho riêng mình. Sẽ còn những vấn đề phát sinh bất lợi khác mà bản thân người làm công tác tổ chức cũng không thể lường trước hết, do đó, khi vận hành mô hình, chúng tôi sẽ luôn quan trắc và sửa đổi kịp thời, phù hợp nhằm giảm thiểu những khó khăn, rủi ro để đạt hiệu quả cao nhất…

Một góc VQG Xuân Thủy (Ảnh: ThienNhien.Net)

Tôi cũng mong rằng người dân sẽ thông báo kịp thời cho Ban quản lý rừng đặc dụng những thông tin liên quan đến diễn biến nguồn tài nguyên, những loài phát hiện mới… hay ngăn chặn hoặc tham gia ngăn chặn những đối tượng có hành vi xâm hại, khai thác trái phép tài nguyên rừng đặc dụng.

– Cơ chế chia sẻ lợi ích và trách nhiệm sẽ giúp giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng ở VQG Xuân Thủy như thế nào?

Ông Nguyễn Viết Cách: Việc chia sẻ lợi ích được thực hiện theo nguyên tắc bảo đảm sự thỏa thuận trực tiếp và tự nguyện giữa Ban quản lý khu rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thông qua đại diện hợp pháp là Hội đồng quản lý; công khai, minh bạch trong toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện; gắn trách nhiệm của các bên và không làm ảnh hưởng tiêu cực tới mục tiêu bảo tồn của rừng đặc dụng.

Nếu tổ chức thực thi tốt cơ chế trên, mọi chuyện sẽ trở nên “danh chính, ngôn thuận”. Người dân cùng các bên liên quan sẽ có được hiểu biết đầy đủ hơn về VQG cũng như nhận thức rõ hơn trách nhiệm, quyền lợi của bản thân khi tham gia các hoạt động quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên của Vườn. Cơ chế quản lý cũng sẽ được chính thống hóa theo hướng khoa học, rõ ràng, thiết thực, hiệu quả và nhân văn hơn. Đương nhiên, sau đó, VQG sẽ được trân trọng hơn, cũng như nhận được sự hậu thuẫn đắc lực hơn từ những đối tác truyền thống để có điều kiện thực hiện tốt các Chương trình mục tiêu của mình.

– Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!