A-xít hóa đe dọa biển Ca-ri-bê và Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, xu hướng gia tăng nồng độ a-xít trong đại dương đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, thậm chí nhanh hơn tốc độ được ghi nhận vào cuối kỷ băng hà sau cùng, cách đây chừng 11.000 năm. Điều này đã đe dọa nghiêm trọng tới các hệ sinh thái đại dương và tác động xấu đến nghề cá trên thế giới, nhất là ở khu vực Ca-ri-bê và Thái Bình Dương.

Khu vực Caribê và Thái Bình Dương đang bị đe dọa nặng nề bởi a-xít hóa đại dương (Ảnh minh họa: Oceanpowermagazine.net)

Bài phân tích trên tạp chí Nature Climate Change ngày 22/01/2012 cho biết hiện tượng a-xít hóa tại vùng vịnh Ca-ri-bê và Thái Bình Dương đã làm tăng gấp 30 lần nồng độ a-xít của đại dương, mà nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động của con người.

Quá trình a-xít hóa khu vực này hiện đã vượt xa mức độ của giai đoạn tiền công nghiệp và có nguy cơ làm suy giảm tốc độ phát triển các rạn san hô ở vùng nhiệt đới phía tây Ca-ri-bê – Thái Bình Dương tới 15%. Đối với nhiều cộng đồng ven biển, cá cung cấp từ 50% đến 90% hàm lượng đạm trong khẩu phần hàng ngày. Khi các rạn san hô suy thoái cũng có nghĩa sản lượng cá sẽ giảm mạnh.

Carles Pelejero, nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học Biển, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Tây Ban Nha cho rằng đây là một mức tăng nồng độ a-xít chưa từng diễn ra. Ông cũng khuyến cáo cần có những nghiên cứu sâu hơn về khả năng thích nghi của các loài và mức độ thiệt hại do a-xít hóa đối với nghề cá và ngành nuôi trồng thủy hải sản.