Hải dương đãi cát tìm người

ThienNhien.Net – Việt Nam có hơn 3.000 km bờ biển với vô vàn tài nguyên biển phong phú. Biển Việt Nam được công nhận là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển, 20 vùng biển giàu hải sản trên thế giới. Hơn 30% dân số Việt Nam sinh sống ở các huyện ven biển, 60% số đô thị và khu công nghiệp lớn tập trung ở vùng cửa sông, ven biển. Song, chúng ta còn hiểu biết quá ít về ngành hải dương học, và như PGS.TS Võ Sĩ Tuấn, Phó viện trưởng Viện Hải dương học chia sẻ “Chúng ta còn thiếu một chiến lược tiến ra biển cho khoa học công nghệ”. Mặc dù công việc cuối năm bận rộn, PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn đã dành một phần thời gian quý giá chia sẻ với ThienNhien.Net.

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn

Cần một chiến lược về khoa học công nghệ

– Thưa ông, chúng ta ngày quan tâm đến biển nhiều hơn. Có lẽ đây là cơ hội lớn của ngành hải dương học?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Bây giờ người ta hay nói đến việc nghiên cứu về đa dạng sinh học biển, môi trường biển, nhưng đó chỉ là một phần của hải dương học. Hải dương học là ngành rất rộng lớn, bao gồm mọi thứ liên quan đến biển, nghiên cứu các quá trình của biển, trong đó có quá trình về vật lý, hóa học, địa chất, tài nguyên, môi trường và sinh học.

– Sự ra đời của Viện Hải dương học phải chăng là điểm khởi đầu của ngành nghiên cứu về hải dương ở nước ta?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Vâng, có thể nói như vậy. Cho đến nay, Viện Hải dương học tại Nha Trang vẫn là cơ quan duy nhất mang tên Hải dương học của Việt Nam, nghiên cứu hầu hết mọi chuyên ngành về biển.

Viện Hải dương học được người Pháp thành lập từ năm 1922 và quản lý cho đến năm 1954. Có điều đặc biệt là trong suốt chiều dài tồn tại của mình, hoạt động của Viện Hải dương học chưa từng bị gián đoạn bởi chiến tranh. Sau năm 1975, Viện đổi tên thành Viện nghiên cứu biển, là thành viên của Ủy ban Khoa học Nhà nước, rồi trở thành thành viên của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam cho đến giờ.

Khoảng 10 năm trở lại đây, Viện đã có thay đổi rõ rệt, đầu tư của Nhà nước nhiều hơn, cơ sở vật chất được cải thiện, mặc dù nhân sự có giảm. Chúng tôi được xây dựng Phòng thí nghiệm về Hải dương học và Môi trường biển, rồi được Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam đầu tư một phòng thí nghiệm trọng điểm. Đó chưa phải là nhiều, nhưng hoàn toàn là sự biến chuyển tốt.

Mỗi năm, chúng tôi nghiên cứu không dưới 30 đề tài các cấp độ khác nhau. Như hiện nay, chúng tôi đang thực hiện 4 đề tài cấp quốc gia và một vài dự án hợp tác quốc tế với Đan Mạch, Australia, UNEP v.v. cho kết quả tốt. Sang năm 2012 này, Viện tròn 90 tuổi, sẽ có một Hội nghị Quốc tế để nhìn lại một chặng đường dài đã đi qua.

– PGS vừa nhắc đến khó khăn về con người?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Khách quan mà nói, đội ngũ cán bộ của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta chưa có cán bộ được đào tạo bài bản, chuyên sâu về nghiên cứu biển. Cả nước hiện chỉ có duy nhất Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo bộ môn Hải dương học, với như vậy thì chưa thể đáp ứng được thực tế, cả về lượng và chất. Tôi không rõ công tác đào tạo của các trường gặp những khó khăn gì nhưng khi tuyển dụng, chúng tôi rất khó tìm được cán bộ có nền tảng đáp ứng được yêu cầu công việc, hầu như đều phải đào tạo lại.

Nếu bạn hỏi về giải pháp thì ngay giờ đây tôi cũng chưa có câu trả lời. Thật ra ngành nghiên cứu khoa học nào ở Việt Nam cũng có chung khó khăn này. Làm nghiên cứu biển vất vả, ai đó phải có lòng say mê rất lớn và chấp nhận rằng thu nhập không cao. Dĩ nhiên, anh cũng có thế sống bằng nghề, nhưng so với mặt bằng chung của xã hội thì vẫn còn khoảng cách. Có người vào Viện và gắn bó suốt đời, nhưng cũng có nhiều người vào làm mấy năm thì lại nhảy việc. Đó cũng là chuyện bình thường. Giới làm khoa học chúng tôi vẫn bảo nhau, tìm người cũng như đãi cát tìm vàng, may thì được vàng ròng.

Nói vậy nhưng chúng ta cũng không cần tự ti, có những lĩnh vực nghiên cứu mà chuyên gia của ta đã ngang và vượt tầm Đông Nam Á đấy, chẳng hạn như trong nghiên cứu về vi tảo, về rạn san hô.

– Nếu được lựa chọn đầu tư cho ngành Hải dương học, ông sẽ ưu tiên đầu tư vào con người hay cơ sở vật chất, thiết bị nghiên cứu?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Tôi nghĩ vấn đề không nằm ở đó. Khó khăn lớn nhất hiện nay là chúng ta chưa có chiến lược về nghiên cứu biển mà vẫn chỉ chạy theo từng sự việc. Tôi nói đến cái chung bởi nếu có chiến lược nghiên cứu biển thì cơ sở vật chất, tiền đầu tư hay con người rồi sẽ có.

Chiến lược biển thì Nhà nước đã xây dựng nhưng chiến lược nào về khoa học công nghệ để tiến ra biển thì chúng ta chưa có. Chiến lược này không thể do một mình ngành Hải dương học hay Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam soạn thảo, mà phải do quốc gia hoạch định.

Không có chiến lược cho khoa học công nghệ nên hiện nay chúng ta mạnh ai nấy làm, không tập hợp được lực lượng.

Một góc trưng bày tại Bảo tàng Hải dương học

Đầu tư cho bảo tồn biển còn quá ít

– Xin hỏi về một lĩnh vực chuyên ngành của Hải dương học. Ông đánh giá thế nào về công tác bảo tồn biển của nước ta?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Chúng ta đã có kế hoạch thành lập 16 khu bảo tồn biển, một vài khu bảo tồn biển như Hòn Mun, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc đã có những chương trình đáng ghi nhận như bảo tồn rùa biển, bò biển, rạn san hô. Những thành quả đó không thể phủ nhận.

Nhưng phải nói thật, trong những năm qua, các khu bảo tồn biển của chúng ta sống nhờ vào sự trợ giúp của quốc tế. Tài chính của nhà nước rót cho quá nhỏ, chỉ đủ để duy trì bộ máy hành chính chứ không dành cho công tác bảo tồn. Khi các khu bảo tồn sống dựa vào các dự án quốc tế, dự án hết nghĩa là hết nguồn sống.

Tất nhiên không nên cái gì cũng dựa vào nhà nước, không có tiền cho bảo tồn chứng tỏ năng lực huy động các nguồn lực khác nhau của các khu bảo tồn không cao.

– Thế giới có xu hướng liên kết quốc tế để thành lập những khu bảo tồn biển xuyên quốc gia. Xin ông cho biết sự hưởng ứng của Việt Nam ra sao?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Tuy còn manh nha nhưng hợp tác quốc tế về bảo tồn biển ở Việt Nam là có. Chúng ta tham gia thành lập điểm trình diễn xuyên biên giới giữa Campuchia và Việt Nam trong khuôn khổ dự án UNEP/GEF về Biển Đông. Hai tỉnh Kiên Giang và Kampot đã ký cam kết để quản lý hệ sinh thái vùng biển xuyên biên giới Phú Quốc – Kampot, đến nay đã có một số hoạt động được triển khai nhưng chưa nhiều. Hy vọng trong tương lai gần, cam kết này sẽ đi vào thực thi mạnh mẽ.

Ngoài ra còn một dự án khác mới dừng ở mức ý tưởng. Đó là xây dựng khu bảo tồn nguồn giống thủy sản giữa Việt Nam, Campuchia và Thái Lan, do Cơ quan Phát triển Nghề cá Đông Nam Á (SEAFDEC) hỗ trợ.

– Xin phép lái sang vấn đề quy hoạch phát triển đô thị và các khu công nghiệp ven biển. Dường như tỉnh nào giáp biển cũng có ham muốn này. Sự phát triển đô thị và công nghiệp ven biển sẽ ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học biển ra sao, thưa ông?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn:Xét cho cùng, xây dựng đô thị ven biển không phải là vấn đề của riêng Việt Nam. Tôi lấy ví dụ, Singapore đã chấp nhận phá toàn bộ đa dạng sinh học biển để phát triển đô thị. Tôi không phản đối phát triển đô thị ven biển, là xu hướng chung thì không thể ngăn được, tất nhiên cũng có những nước nhận ra vấn đề và phát triển theo hướng hài hòa với môi trường biển.

Quy hoạch đô thị ven biển cần coi trọng yếu tố tự nhiên

Vấn đề của Việt Nam là chúng ta đang đặt mục tiêu phát triển lên trên hết mà bỏ qua bảo tồn biển. Anh cứ việc phát triển đô thị đi, nhưng phải gắn với gìn giữ tự nhiên. Anh được hưởng lợi từ biển, như ngành du lịch biển chẳng hạn, thì phải bỏ tiền ra cho bảo tồn biển chứ, mà điều này ở Việt Nam chưa nơi nào làm được.

Có một thực tế ở nước ta là du lịch biển bị đem là làm cái cớ để một số nhóm người trục lợi từ bất động sản. Anh có đồng ý với tôi là dự án du lịch ven biển nào cũng bán biệt thự ven biển không? Họ tận thu biển chứ không làm du lịch biển thật sự, làm du lịch biển thật sự là phải bảo tồn biển, bảo tồn nguồn sống của chính họ.

Cũng có nơi người ta làm du lịch thật, như Nha Trang, Phú Quốc… nhưng rất thiếu ý thức. Họ chỉ chăm chăm thu lợi từ du lịch, chỉ chứ chưa một cơ sở nào chịu bỏ ra một đồng bạc nào để bảo tồn cái nơi đang mang lại lợi nhuận cho họ. Thậm chí như khu du lịch Sixth Sense Ninh Vân Bay cũng chỉ giữ nguyên khu của mình, chứ không đầu tư cho công tác bảo tồn vùng vịnh này.

Còn về các khu công nghiệp ven biển thì có cũng tác động đến môi trường biển, nhưng thật ra không quá lớn mà chỉ mang tính cục bộ như ở vùng cửa sông và vũng, vịnh. Cái yếu của chúng ta là vấn đề đánh giá tác động môi trường khi lập quy hoạch khu công nghiệp ven biển và giám sát sau quy hoạch. Làm tốt khâu này, chúng ta sẽ giảm được đáng kể tác động tiêu cực từ các khu công nghiệp đến môi trường biển.

– Theo ông, đâu là nguy cơ lớn nhất với đa dạng sinh học biển của Việt Nam?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Chắc chắc là phá rừng. Mấy năm nay rừng bị phá với tốc độ chóng mặt nên không giữ được đất, lượng trầm tích này đổ ra biển, tạo thành mối đe dọa thực sự nghiêm trọng cho đa dạng sinh học biển. Nguy cơ thứ hai, cũng như các tổ chức quốc tế đã nghiên cứu, là khai thác kiểu tận diệt. Rạn san hô đã suy thoái trầm trọng vì bị khai thác quá mức bằng mìn, bằng xyanua, rừng ngập mặn bị phá vì nuôi trồng thủy sản vô tội vạ.

Tầm quan trọng của các loài quý hiếm của biển cũng chưa được đánh giác đúng mức. Con bò biển chẳng hạn, về mức quý hiếm và mức độ bị đe họa tuyệt chủng, nó không kém gì hổ hay tê giác, nhưng động vào hổ và tê giác là bị đi tù nhưng thậm chí chưa ai bị phạt vì giết bò biển.

Theo PGS.TS. Võ Sĩ Tuấn, phá rừng là nguy cơ đe dọa đa dạng sinh học biển lớn nhất

– Cần có những biện pháp gì để khai thác biển bền vững?

PGS.TS Võ Sĩ Tuấn: Như tôi đã nói ở trên, cần một chiến lược. Khai thác bền vững không chỉ mình nhà môi trường nói được hay làm được mà cần chung tay của nhiều nhà: nhà khoa học, nhà lập chính sách, nhà quản lý… Nhưng với Việt Nam, cho đến nay, những nhà này vẫn chưa ngồi lại được với nhau để cho ra được chiến lược khoa học công nghệ về biển.

– Xin cảm ơn ông!